Kiểm tra an toàn thực phẩm không thể chỉ dựa vào khứu giác

Mùi vị không phải tiêu chí duy nhất đánh giá mức độ an toàn của thực phẩm

Mẹo rửa rau củ quả giúp tránh ngộ độc thực phẩm

Cần làm rõ kẽ hở trong quản lý thực phẩm chức năng

Giải pháp nào bịt những “lỗ hổng” an toàn thực phẩm?

Những lưu ý giúp bà bầu phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Khứu giác không phải lúc nào cũng “chuẩn”

Thói quen của nhiều gia đình là nếu thức ăn có mùi lạ thì bỏ, còn mùi bình thường thì vẫn có thể ăn được. Nhưng sự thật phũ phàng là hầu hết vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm không tạo ra mùi.  

Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, khứu giác của chúng ta không phải công cụ tin cậy để kiểm tra an toàn thực phẩm. Chỉ dựa vào mùi, vị hoặc hình thức bên ngoài không thể phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus, hoặc độc tố gây hại.

Thức ăn bị hư hỏng do nhiễm vi khuẩn phân hủy hoặc nấm mốc có thể bốc mùi, đổi màu, hoặc nhầy nhớt. Tuy nhiên, nhiều vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, E. coli, Listeria hay Campylobacter có thể tồn tại mà không làm thức ăn thay đổi mùi vị hay hình thức. Nói cách khác, thực phẩm có thể trông đẹp mắt, mùi thơm, ăn ngon miệng nhưng vẫn khiến bạn bị ngộ độc.

Một vài ví dụ điển hình:

- Thịt gà sống bảo quản sai cách vẫn không có mùi hư.

- Đồ ăn thừa để quá lâu trong tủ lạnh nhưng chưa bốc mùi.

- Phô mai tươi nhiễm Listeria mà vị vẫn bình thường.

- Rau sống nhiễm E. coli không có dấu hiệu khác thường.

Mối nguy “vô hình” trong thực phẩm

Thực phẩm nhiễm mầm bệnh nguy hiểm như Salmonella không hề có dấu hiệu bất thường về mùi vị

Thực phẩm nhiễm mầm bệnh nguy hiểm như Salmonella không hề có dấu hiệu bất thường về mùi vị

Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể phát triển nhanh chóng nếu đồ ăn được bảo quản ở khung nhiệt độ nguy hiểm từ 4-60°C. Chỉ sau vài giờ, chúng có thể nhân lên hàng triệu con mà không để lại dấu vết.

Khác với vi khuẩn gây hư hỏng thực phẩm (tạo ra mùi ôi thiu, nhớt), chỉ một lượng nhỏ mầm bệnh như Salmonella, Listeria cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Nhiều người nghĩ rằng nếm thử một miếng nhỏ để kiểm tra sẽ không sao. Nhưng chỉ cần vài tế bào E. coli O157:H7 đã có thể sản sinh độc tố gây suy thận cấp. Listeria có thể sinh sôi ở thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh, như thịt nguội, ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường về mùi vị. Salmonella tồn tại trong rau sống, trứng nấu chưa chín mà không làm thay đổi mùi vị.

Cách nhận biết và bảo quản thực phẩm an toàn cho sức khỏe

Thực phẩm mua về nên được chia nhỏ, cho vào từng hộp bảo quản trong tủ lạnh

Thực phẩm mua về nên được chia nhỏ, cho vào từng hộp bảo quản trong tủ lạnh

Do khứu giác và thị giác không thể phát hiện hết các rủi ro gây ngộ độc thực phẩm, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Bảo quản thực phẩm đúng cách

- Cho thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ kể từ khi chế biến hoặc mua về (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ trên 32°C).

- Đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh không vượt quá 4°C.

- Thực phẩm đã nấu chín không ăn hết trong vòng 3-4 ngày thì nên cấp đông.

Hiểu rõ thời gian sử dụng

- Kiểm tra hạn sử dụng sản phẩm, nhưng cần lưu ý hạn sử dụng chỉ phản ánh chất lượng, không luôn đảm bảo an toàn.

- Ghi ngày nấu lên hộp đồ ăn thừa.

Dùng nhiệt kế thực phẩm

Thịt, trứng nấu chưa chín kỹ là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc. Cần nấu thực phẩm đến nhiệt độ an toàn: Thịt gia cầm là 74°C, thịt xay là 71°C, đồ ăn hâm nóng đến 74°C. Trứng cần nấu đến khi đến khi lòng đỏ và trắng đều đông lại.

Khi không chắc chắn, hãy bỏ đi

- Nếu không nhớ rõ đồ ăn đã ở trong tủ lạnh bao lâu, tốt nhất nên bỏ.

- Nếu bạn lỡ quên thức ăn để ở nhiệt độ phòng qua đêm thì đừng tiếc mà hãy bỏ đi.

- Khi mất điện, nếu nhiệt độ tủ lạnh vượt 4°C trên 2 giờ thì thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao.

 
Quỳnh Trang (Theo Food Poisoning News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp