Matcha tuy tốt cho sức khoẻ nhưng cũng có tác dụng phụ - Ảnh: Bazzar Việt Nam.
Bài học rút ra sau 30 ngày “chia tay” cà phê để về với matcha
Thưởng thức matcha thế nào để hấp thụ tối đa dưỡng chất?
Những đồ uống tăng cường năng lượng thay thế cà phê
Lo âu vì cuộc sống đảo điên, hãy ngồi xuống và thưởng thức một tách matcha
Vì sao matcha có thể cản trở hấp thụ sắt?
Matcha là trà xanh dạng bột, chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao cùng với caffeine và L-theanine. Đây đều là những thành phần giúp tỉnh táo nhưng không gây cảm giác bồn chồn như cà phê. Tuy nhiên, matcha cũng chứa một lượng đáng kể tannin, một loại polyphenol có khả năng liên kết với sắt trong đường tiêu hóa và làm giảm khả năng hấp thụ chất này, đặc biệt là sắt không heme (loại sắt có trong thực vật).
Theo Chuyên gia dinh dưỡng Debbie Petitpain – Phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ), chỉ một tách trà xanh cũng có thể làm giảm hấp thụ sắt không heme đến 60–90%. Mà matcha lại cô đặc hơn trà xanh thông thường nên chúng có thể gây ảnh hưởng mạnh hơn nữa nếu dùng thường xuyên.
Trên thực tế, tannin không chỉ có trong matcha. Các loại đồ uống quen thuộc khác như trà đen, trà ô long, rượu vang đỏ và ca cao cũng chứa hàm lượng tannin cao. Nếu sử dụng những loại thức uống này cùng bữa ăn hoặc dùng thường xuyên, khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm có thể bị ảnh hưởng.
Những thực phẩm dễ bị ảnh hưởng là gì?
Các loại sắt có trong thực vật dễ bị cản trở hấp thụ hơn so với sắt từ động vật. Vì thế, người ăn chay hoặc ăn ít thịt đỏ cần đặc biệt chú ý nếu thường xuyên uống matcha hoặc các loại trà khác. Những thực phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi tannin bao gồm: rau lá xanh đậm, đậu lăng, các loại đậu, đậu phụ, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
Đây là nguồn cung cấp sắt chủ yếu của người ăn chay và thuần chay – những nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị thiếu sắt nếu dùng matcha sai cách.
Dấu hiệu sớm cho thấy cơ thể thiếu sắt
Thiếu sắt thường không được nhận biết ngay lập tức mà thường biểu hiện thông qua một số dấu hiệu, bao gồm: mệt mỏi kéo dài, da nhợt nhạt, chóng mặt, lạnh tay chân, hụt hơi khi gắng sức, đau đầu, móng tay dễ gãy hoặc cảm giác đầu óc mơ hồ.

Thiếu sắt khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt,...
Ai nên thận trọng khi uống matcha?
Matcha phù hợp với hầu hết mọi người nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, một số đối tượng có nhu cầu sắt cao hơn cần đặc biệt lưu ý, bao gồm:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, vì nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên đáng kể.
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, do mất máu thường xuyên.
- Người ăn chay, thuần chay, vì họ chủ yếu dựa vào nguồn sắt từ thực vật.
- Người có tiền sử thiếu máu hoặc đang điều trị thiếu sắt.
Cách uống matcha giúp đảm bảo sức khỏe
Theo TS. Yoshua Quinones thuộc Đại học New York (Mỹ), uống một cốc matcha mỗi ngày không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khoẻ. Tuy nhiên, thời điểm uống và cách kết hợp với các loại thực phẩm khác là yếu tố then chốt để giảm tác động tiêu cực đến việc hấp thụ sắt. Dưới đây là một vài lời khuyên đơn giản:
- Không uống matcha ngay trong bữa ăn: Tốt nhất nên uống cách bữa từ 1 đến 2 giờ.
- Giới hạn liều lượng: Từ 1 đến 3gr bột matcha mỗi ngày là đủ.
- Kết hợp vitamin C trong bữa ăn: Vitamin C có thể giúp tăng hấp thụ sắt. Một số nguồn tự nhiên bao gồm cam, ổi, dâu tây hoặc ớt chuông.
- Chú ý đến lượng caffeine: Mỗi gram matcha có thể chứa khoảng 45 mg caffeine. Nếu uống nhiều ly hoặc kết hợp với cà phê, có thể dẫn đến khó ngủ hoặc hồi hộp ở người nhạy cảm.
Như vậy, matcha là một thức uống lành mạnh giúp mang lại nhiều lợi ích nếu sử dụng điều độ. Dù chứa tannin nhưng đối với phần lớn người khỏe mạnh, ảnh hưởng này là không đáng kể. Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ thiếu sắt, chỉ cần thay đổi thời điểm uống và bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị thơm ngon, nhẹ nhàng của matcha một cách an toàn.
Bình luận của bạn