Ba Lan ghi nhận số lượng lớn mèo nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 - Ảnh: Bloomberg.
WHO: Cúm gia cầm gia tăng bất thường gây lo ngại cho con người
Viện Pasteur TP.HCM gửi công văn khẩn về cúm gia cầm H5N1
Châu Âu bùng phát đợt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay
Những điều cần biết về nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N1
Theo Bloomberg, thông báo ngày 17/7 của WHO cho biết, Ba Lan là nước đầu tiên báo cáo ghi nhận một số lượng lớn mèo mắc virus cúm gia cầm H5N1 trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm cho người vẫn ở mức thấp.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu xét nghiệm của 46 con mèo nhà và 1 con mèo hoang đang được nuôi nhốt. Trong số đó, đã có 29 con mèo ở 13 khu vực địa lý khác nhau ở Ba Lan được xác định dương tính với virus cúm gia cầm H5N1.
WHO cũng cho biết nguồn phơi nhiễm virus hiện chưa được xác định, giới chức Ba Lan đang tiến hành kiểm dịch động vật.
Theo WHO, trước đây từng có các báo cáo về những ca nhiễm virus H5N1 rải rác ở mèo, tuy nhiên đây là lần đầu tiên ghi nhận số lượng lớn mèo bị nhiễm virus và trên một khu vực địa lý rộng lớn trong một nước.
“Một số con mèo phát triển các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm khó thở, tiêu chảy ra máu và các dấu hiệu thần kinh, với một số trường hợp suy giảm nhanh chóng và tử vong. Tổng cộng, 20 con mèo có dấu hiệu thần kinh, 19 con có dấu hiệu hô hấp và 17 con có cả dấu hiệu thần kinh và hô hấp”, báo cáo của WHO cho biết, theo Telegraph.
Tính đến ngày 12/7, WHO không nhận được báo cáo về trường hợp những người tiếp xúc với mèo nhiễm virus xuất hiện triệu chứng sau khi thời gian giám sát kết thúc.
WHO cho biết, có một số nguồn lây nhiễm virus ở mèo bao gồm tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường của chúng, ăn thịt gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm virus.
"Các nhà chức trách đang điều tra tất cả các nguồn tiềm năng và cho đến nay vẫn chưa loại trừ bất kỳ nguồn nào", WHO cho biết.
Trong số những con mèo dương tính với H5N1, 7 con đã cơ hội tiếp xúc với các loài chim hoang dã và 13 con được cho là đã được cho ăn thịt gia cầm sống. Phân tích di truyền cho thấy, các trường hợp có liên quan chặt chẽ với nhau, với loại virus gần giống nhất với virus từ các loài chim hoang dã đã gây ra một số đợt bùng phát gần đây ở gia cầm tại Ba Lan, theo Cidrap.
WHO nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng do có tiếp xúc với mèo nhiễm virus được đánh giá là thấp. Đối với người nuôi mèo, bác sĩ thú y và những người tiếp xúc thường xuyên hơn với mèo nhiễm virus H5N1 mà không sử dụng đồ bảo hộ cá nhân, nguy cơ được đánh giá là từ thấp đến trung bình.
Trong các diễn biến khác về H5N1, mới đây, Latvia cho biết đã báo cáo có H5N1 ở 2 loài cáo đỏ từ các vùng khác nhau của đất nước, theo thông báo từ Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH).
Kể từ cuối năm 2021, Châu Âu trải qua đợt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất, trong khi ở Bắc và Nam Mỹ cũng có hàng chục triệu con gia cầm bị tiêu hủy, trong đó nhiều con nhiễm chủng virus H5N1 lần đầu tiên xuất hiện năm 1996.
Vừa qua, ngày 12/7, WHO cảnh báo, sự gia tăng các vụ bùng phát dịch cúm gia cầm ở động vật có vú thời gian gần đây có thể khiến virus tăng khả năng thích nghi, dẫn đến nguy cơ dễ lay lan hơn ở người.
Nhiễm virus cúm gia cầm ở người hiếm gặp, tuy nhiên khi xảy ra có thể gây bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao. Các ca nhiễm virus H5N1 ở người thường do phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm mắc bệnh. Gần đây, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo có thể cúm gia cầm sẽ trở thành “đại dịch” tiếp theo nếu con người không có ý thức phòng ngừa.
Kể từ năm 2020, WHO cho biết thế giới ghi nhận 12 ca nhiễm virus H5N1 ở người, trong đó 4 ca nặng, 8 ca còn lại nhẹ hoặc không triệu chứng.
Bình luận của bạn