WHO: Cúm gia cầm gia tăng bất thường gây lo ngại cho con người

WHO cảnh báo về sự gia tăng bất thường các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thời gian gần đây - Ảnh: AFP.

Những điều cần biết về nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N1

Châu Âu bùng phát đợt dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay

Bộ Y tế khuyến cáo 4 biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người

Theo AFP, kể từ cuối năm 2021, Châu Âu đã phải hứng chịu đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất chưa từng có, trong khi Bắc và Nam Mỹ cũng trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng.

Điều này đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu gia cầm trên toàn thế giới, trong đó nhiều gia cầm bị nhiễm chủng vius H5N1, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996.

Nhưng theo các nhà khoa học, gần đây đã có một sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm bệnh ở động vật có vú.

Ngày 12/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sự gia tăng các vụ bùng phát dịch cúm gia cầm ở động vật có vú thời gian gần đây có thể khiến virus tăng khả năng thích nghi, dẫn đến nguy cơ dễ lay lan hơn ở người.

"Virus cúm gia cầm thường lây lan giữa các loài chim, nhưng số lượng phát hiện cúm gia cầm H5N1 ngày càng tăng ở các loài động vật có vú - loài có cấu tạo sinh học gần với con người - làm dấy lên mối lo ngại rằng loại virus này có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn" - WHO cho biết trong một báo cáo mới đây.

WHO cho biết thêm một số loài động vật có vú có thể đóng vai trò là vật truyền nhiễm trung gian, dẫn đến khả năng xuất hiện các biến thể virus mới gây hại nhiều hơn cho sức khỏe động vật lẫn con người.

Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 đã được ghi nhận ở 26 loài động vật, trong đó có những con chồn được nuôi nhốt ở Tây Ban Nha, hải cẩu ở Chile và cả một số cá thể mèo ở Ba Lan.

Báo động về sự gia tăng bất thường cúm gia cầm ở động vật có vú

Hàng triệu con gà tây và các loài chim khác ở Châu Âu đã phải tiêu hủy để ngăn chặn đợt dịch cúm gia cầm vào năm 2021-2022 - Ảnh: Getty Images

Hàng triệu con gà tây và các loài chim khác ở Châu Âu đã phải tiêu hủy để ngăn chặn đợt dịch cúm gia cầm vào năm 2021-2022 - Ảnh: Getty Images

WHO cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) đã kêu gọi các nước phối hợp để bảo vệ các loài động vật và chính con người.

“Có một sự thay đổi mô hình gần đây trong hệ sinh thái và dịch tễ học của cúm gia cầm, điều này đã làm gia tăng mối lo ngại toàn cầu khi căn bệnh này lan sang các khu vực địa lý mới và gây ra hiện tượng chim hoang dã chết bất thường, đồng thời gia tăng đáng báo động số ca mắc bệnh ở động vật có vú,” Gregorio Torres, Giám đốc khoa học của WOAH cho biết, theo AFP.

Ông Torres nhấn mạnh, bệnh cúm gia cầm ở người dễ chuyển nặng với tỷ lệ tử vong cao. Các trường hợp cúm gia cầm ở người thường là do việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường có chứa virus.

Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu tại WHO chia sẻ: "Virus dường như không thể truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng, nhưng cần cảnh giác để xác định bất kỳ sự tiến hóa nào của virus có thể thay đổi điều đó".

TS Sylvie Briand cũng cho biết, giới chuyên gia đang nghiên cứu những thay đổi có thể gây nguy hiểm hơn cho con người và kêu gọi các quốc gia tăng cường khả năng giám sát đối với loại virus này, đặc biệt là những nước hạn chế về kinh nghiệm giám sát dịch cúm gia cầm.

Lây lan "sự tàn phá" các loài chim và gia cầm

WHO cho biết kể từ năm 2020, một biến thể virus đã dẫn đến số ca tử vong “chưa từng có” ở các loài chim và gia cầm hoang dã tại nhiều quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu. Sau đó, virus tiếp tục lây lan sang Bắc Mỹ vào năm 2021 rồi đến Trung và Nam Mỹ vào năm 2022.

Năm ngoái, 67 quốc gia ở 5 châu lục đã báo cáo các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, với hơn 131 triệu gia cầm nuôi bị thiệt hại do chết hoặc bị tiêu hủy tại các trang trại và làng mạc bị ảnh hưởng.

Vào năm 2023, 14 quốc gia khác đã báo cáo các đợt bùng phát, chủ yếu ở Châu Mỹ, khi căn bệnh này tiếp tục lan rộng.

WHO cho biết, những đợt bùng phát này đã gây ra “sự tàn phá” đối với gia cầm và gây tổn hại lớn đến sinh kế của nông dân cũng như thương mại thực phẩm.

“Một số hiện tượng chết hàng loạt đã được báo cáo ở các loài chim hoang dã. Mặc dù phần lớn ảnh hưởng đến động vật, nhưng các đợt bùng phát này vẫn gây rủi ro liên tục cho con người” cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cảnh báo.

 
Hiệp Nguyễn (Theo AFP/WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin