Các tổ chức y tế thế giới cảnh báo về sự gia tăng số ca bệnh sởi trên khắp Châu Âu và Mỹ.
5 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh sởi
WHO cảnh báo bệnh sởi sắp là mối đe dọa toàn cầu
Sắp vào mùa bệnh sởi, phòng bệnh cho trẻ thế nào?
Bệnh sởi ở trẻ nguy hiểm thế nào, mắc bao lâu sẽ khỏi?
Theo ABC News, tại Mỹ, từ ngày 1/12/2023 đến ngày 23/1/2024 đã có 23 trường hợp mắc bệnh sởi được xác nhận, trong đó có 7 trường hợp là khách du lịch quốc tế. Mỹ đã ghi nhận 2 đợt bùng phát bệnh sởi với mỗi đợt ghi nhận từ 5 ca nhiễm bệnh trở lên.
Cho đến nay, các trường hợp đã được báo cáo ở Pennsylvania, New Jersey, Delaware và khu vực Washington, D.C. Hầu hết các trường hợp mắc sởi này là ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm vaccine sởi.
Theo CDC, hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi ở Mỹ là những người chưa được tiêm vaccine hoặc những khách du lịch từ nơi khác đến mắc bệnh và sau đó lây bệnh sang những người chưa được tiêm chủng.
Cơ quan y tế liên bang cho biết, sự gia tăng các ca bệnh sởi ở Mỹ phản ánh sự gia tăng số ca nhiễm trùng trên toàn cầu cùng chung với "mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng" về căn bệnh này.
CDC cho rằng, các cơ quan y tế, các bệnh viện nên cảnh giác với những ca bệnh phát ban kèm theo sốt và các triệu chứng giống sởi, đặc biệt đối với những đối tượng đi du lịch nước ngoài tới các quốc gia đang bùng phát bệnh sởi.
CDC cho biết, nếu nhân viên y tế nghi ngờ một người mắc bệnh sởi, nên cách ly bệnh nhân ngay lập tức trong ít nhất 4 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện. Đồng thời thông báo cho y tế địa phương. Sau đó, bệnh nhân phải được xét nghiệm xác định bệnh. Đối với những người tiếp xúc gần cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Tất cả những người tiếp xúc nhưng chưa tiêm vaccine sởi đều phải được tiêm phòng.
Năm 2000, bệnh sởi đã được tuyên bố xoá bỏ nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, nhưng các đợt dịch đã bùng phát trong vài năm qua ở những khu vực người dân chưa được tiêm chủng đầy đủ. Từ tháng 11/2022 đến tháng 2/2023, có 85 trẻ em mắc bệnh sởi ở Ohio, trong số đó 80 trẻ chưa được tiêm chủng.
Theo khuyến cáo của CDC Mỹ, sởi là một căn bệnh rất dễ lây lan. Mỗi người bị nhiễm virus gây bệnh sởi có thể lây cho tối đa 10 người tiếp xúc gần nếu họ không được bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang hoặc tiêm phòng.
Các biến chứng của bệnh sởi có thể lành tính như phát ban hoặc nghiêm trọng sẽ gây nhiễm trùng huyết do virus, viêm phổi, hoặc viêm não….
Theo các chuyên gia y tế, nếu một người từng mắc bệnh sởi tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời hoặc đã tiêm hai liều vaccine MMR ( phòng bệnh sởi, quai bị, rubella) đều được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Một liều vaccine sởi có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm trùng là 93% nếu tiếp xúc với virus. Hai liều vaccine có hiệu quả bảo vệ lên tới 97%.
Số ca bệnh sởi tăng gấp 30 lần tại Châu Âu, WHO báo động
Theo The Guardian, trước đó, ngày 23/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về bệnh sởi sau khi cho biết khoảng 30.000 ca mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại Châu Âu từ tháng 1 đến tháng 10/2023, tăng “đáng báo động” gấp 30 lần trên khắp châu lục này.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc báo cáo sự gia tăng đáng kể về số lượng người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này và tốc độ này đã tăng nhanh trong những tháng gần đây. WHO cho biết, xu hướng này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu người dân không tiêm chủng ngừa căn bệnh này cho con cái họ.
Cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Vương quốc Anh tuyên bố xảy ra "sự cố" cấp quốc gia trong bối cảnh số ca mắc bệnh sởi tăng vọt và phát động chiến dịch khuyến khích các bậc cha mẹ tiêm vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) cho con họ.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO, cho biết: “Chúng tôi thấy trong khu vực không chỉ số ca mắc sởi tăng gấp 30 lần mà còn có gần 21.000 ca nhập viện và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Đây là điều đáng lo ngại".
"Tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này", tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực của WHO nhấn mạnh.
Các quan chức y tế cảnh báo rằng các ca nhiễm vẫn đang gia tăng và cần có "những biện pháp khẩn cấp" để ngăn chặn sự lây lan thêm.
Nguyên nhân của mức gia tăng đáng báo động số ca bệnh sởi tại Châu Âu trong năm qua được cho là do trẻ em ít được tiêm vaccine sởi trong đại dịch COVID-19. Khoảng 1,8 trẻ sơ sinh tại khu vực Châu Âu của WHO không được tiêm ngừa sởi từ năm 2020-2022, theo The Guardian.
Khu vực Châu Âu theo phân chia của WHO bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Nga và một số nước ở Trung Á. 40 nước trong số đó đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh sởi vào năm 2023. Nga và Kazakhstan ở tình trạng tồi tệ nhất, với 10.000 trường hợp mỗi nước. Ở Tây Âu, Anh có nhiều ca nhiễm nhất với 183 ca.
Sởi có thể là một căn bệnh nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt cao và phát ban, thường khỏi trong vòng 10 ngày nhưng các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm màng não, mù lòa và co giật.
Với việc du lịch quốc tế bùng nổ trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nguy cơ bệnh sởi lây lan qua biên giới và trong cộng đồng sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là trong các nhóm dân số chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Bình luận của bạn