Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts tiến hành ca ghép thận lợn đầu tiên trên người sống - Ảnh: Medical Xpress
Việt Nam tập trung phát triển kỹ thuật ghép tạng chuyên sâu
Ứng dụng UMC Care giúp bệnh nhân ghép tạng tương tác với bác sĩ mọi lúc, mọi nơi
Việt Nam ghi nhận dấu ấn mới trong lĩnh vực ghép phổi
Ghi nhận kỷ lục người ghép tim sống lâu nhất thế giới
Các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã ghép thận của một con lợn biến đổi gene vào cơ thể người còn sống. Người nhận tạng là Rick Slayman, 62 tuổi, hiện đang mắc bệnh suy thận giai đoạn nặng.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 4 giờ đồng hồ. Bệnh nhân hiện đang phục hồi tốt, được theo dõi sát sao và sẽ sớm được xuất viện.
Quả thận được sử dụng là của một con lợn đột biến gene, do Công ty Công nghệ sinh học eGenesis cung cấp. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉnh sửa 69 gene, loại bỏ các gene có hại của lợn, đồng thời bất hoạt các retrovirus có nguy cơ nhiễm trùng cho người.
Trong thông cáo của bệnh viện, bệnh nhân Slayman đã được các bác sĩ giải thích kỹ lưỡng lợi ích và rủi ro của cuộc phẫu thuật này. “Tôi coi cuộc phẫu thuật này không chỉ là giải pháp cứu mình, mà còn đem lại hy vọng cho hàng ngàn người bệnh cần ghép tạng khác”, ông Slayman chia sẻ.
Ông Slayman đã mắc bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp nhiều năm nay. Tháng 12/2018, ông đã được ghép thận từ người hiến tạng vào năm 2018. Tuy nhiên, quả thận này ngừng hoạt động sau 5 năm, khiến ông phải chạy thận trở lại và bắt đầu gặp nhiều biến chứng.
Thận lợn biến đổi gene đã được ghép thành công trên khỉ và cơ thể của người chết não. Theo báo cáo của eGenesis trên tạp chí Nature, một con khỉ có thể sống tới hơn 2 năm - 758 ngày - với 1 quả thận cấy ghép từ lợn. Nghiên cứu của Đại học Alabama Birmingham (Mỹ) cho thấy, một cặp thận lợn hoạt động bình thường suốt 7 ngày bên trong một cơ thể người chết não được hiến tặng.
Ước tính tại Mỹ, có hơn 100.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó thận là cơ quan được chỉ định ghép nhiều nhất. Theo BS Leonardo Riella – Giám đốc Bộ phận Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, chỉ riêng đơn vị này đã có hơn 1.400 người trong danh sách chờ ghép thận. Đáng tiếc, một số bệnh nhân qua đời trước khi tới lượt ghép thận, hoặc sức khỏe suy giảm tới mức không thể phẫu thuật. “Tôi tin rằng cấy ghép dị loài (xeno transplantation) là giải pháp có triển vọng trong bối cảnh thiếu nguồn tạng hiến hiện nay”, BS Riella nhận định.
Ghép dị loài là phương pháp ghép hoặc cấy tế bào sống, cơ quan hoặc mô từ nguồn động vật vào cơ thế người, thường có nhiều rủi ro. Hai bệnh nhân được ghép tim từ lợn vào năm 2022 và 2023 đều tử vong 6-8 tuần sau khi phẫu thuật.
Bình luận của bạn