Chăm sóc xương khớp trước khi quá muộn
Cắt đoạn xương hàm cứu bệnh nhi mắc bướu sợi hiếm gặp
Hiệu nghiệm bài thuốc’dễ kiếm, dễ dùng’ trị xương khớp
Nhận biết các triệu chứng ung thư xương hàm
Loãng xương: Căn bệnh nguy hiểm
Theo BS. Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu - Phục hồi Chức năng (BV. Chợ Rẫy), cầm nắm và đi lại là hai mục tiêu quan trọng trong phục hồi chức năng sau đột quỵ (tai biến). Giai đoạn tập phục hồi tốt nhất đối với bàn tay là 3 tháng và đối với đôi chân là 6 tháng. Tuy nhiên, nôn nóng đi lại, bỏ qua các giai đoạn sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường.
Trong giai đoạn sớm sau đột quỵ, bệnh nhân thường có suy giảm cảm giác cơ thể, khả năng co cơ theo ý muốn, chịu sức nặng trên chân liệt… Tất cả những điều này khiến bệnh nhân khó chống đỡ cơ thể trên chân liệt để thực hiện một chức năng đi bình thường. Một trong những cách xoay xở bù trừ của người bệnh là ưỡn gối để khóa gối. Vấn đề này thường gặp ở người liệt nửa người.
Những cái gối cong hình chữ C
Đối với những bệnh nhân bị tai biến, theo BS. Khoa, tình trạng kém kiểm soát khớp gối hay co cứng cơ tam đầu cẳng chân ở bệnh nhân liệt nửa người dẫn đến ưỡn gối. Gối ưỡn là một trong những biến chứng của bệnh nhân tai biến (đột quỵ). Bệnh nhân không còn linh hoạt điều khiển khớp gối khi bước đi, nên thường khóa khớp gối bằng cách ưỡn cong gối ra phía sau. Trong quá trình phục hồi sự đi lại, gối ưỡn dần dần trở thành thói quen và cố định. Ưỡn gối không chỉ thẩm mỹ mà còn là vấn đề chức năng. Nếu không điều trị lâu ngày, gối bị ưỡn sẽ dẫn đến thoái hóa khớp gối.
Bà Nguyễn Thị C (60 tuổi, Trà Vinh) bị tai biến do bệnh đái tháo đường cách đây 10 năm. Sau tai biến, chân bà đi không vững, thường sợ té. Mỗi lần bước đi, không tự chủ, đầu gối ưỡn ra sau, lâu dần gối cong thành hình chữ C. Nhưng từ 5 năm nay, mỗi lần đi bà lại cảm thấy đau, và cơn đau khớp gối ngày càng tăng dần. Dựa vào thang điểm đau (10/10), cơn đau của bệnh nhân này được chấm 7 - 8/10. Do gối lâm vào tình trạng ưỡn quá lâu, nên bệnh nhân phải mang nẹp hỗ trợ suốt đời, nhưng các cơn đau gối đã giảm rõ rệt, chỉ còn 2/10.
Nẹp hỗ trợ
BS. Hồ Quang Hưng cho biết: “Kiểm soát khớp gối khi đi là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cảm nhận tốt vị thế khớp, co cơ đúng lúc và thư giãn cơ đúng lúc. Ở bệnh nhân liệt nửa người do tổn thương não, nhiều yếu tố ảnh hưởng lên sự điều khiển vận động gối như suy giảm cảm giác, co cứng cơ tam đầu cẳng chân, kiểm soát cơ tứ đầu đùi kém. Mức độ phục hồi chức năng đi lại thường tương ứng với phục hồi các khiếm khuyết trên”.
Các bệnh nhân trước và sau khi mang nẹp chỉnh hình tại khoa Vật lý Trị liệu - Phục hồi Chức năng (BV. Chợ Rẫy). Ảnh: BS. Hồ Quang Hưng
Nẹp AFO (Ankle-Foot-Orthosis: nẹp chỉnh hình cổ bàn chân) cũng được sử dụng như một dụng cụ hỗ trợ điều trị vùng cổ bàn chân, nẹp gối chống ưỡn hỗ trợ cho phần gối. Ngoài ra, nẹp gối chống ưỡn được dùng khi bệnh nhân có vận động cổ chân còn tương đối tốt. Thông thường, AFO được chỉ định khi có tình trạng co rút gập lòng cổ chân, cổ chân vẹo hay bàn chân rớt. Ngược lại nếu cử động cổ bàn chân không có các biến dạng trên, bệnh nhân sẽ dùng nẹp gối chống ưỡn. Quyết định ngưng sử dụng nẹp chỉnh hình được đánh giá sau một tháng, bằng cách đánh giá chức năng đi lại khi đi không nẹp.
Nẹp AFO giúp điều chỉnh cẳng chân về trung tính và giữ vững cẳng chân tạo thuận lợi cho kiểm soát khớp gối phía trên. Trong trường hợp cổ chân còn vận động tương đối tốt, việc mang nẹp AFO sẽ cản trở vận động cổ chân, lúc này nẹp gối chống ưỡn sẽ phù hợp hơn, đặt gối vào tư thế trung tính hay gấp nhẹ để giúp khớp gối làm quen với vị thế mới.
Khoa Vật lý Trị liệu - Phục hồi Chức năng (BV. Chợ Rẫy) đã thực hiện một nghiên cứu quy mô nhỏ trên 5 bệnh nhân: 4 ca bị tai biến mạch máu não và 1 ca u não, bị liệt nửa người. Những bệnh nhân này tự đi được có hay không có dùng gậy, dáng đi gối ưỡn bên liệt trong thì trụ và có thể hiểu thực hiện theo y lệnh của người khám. Người thứ nhất vận động cổ chân còn tốt nhưng gối kiểm soát kém phải dùng nẹp chống ưỡn gối kéo dài. Người thứ hai có tình trạng co cứng cơ tam đầu cẳng chân nặng, phải dùng nẹp AFO kéo dài, không thể bỏ. Người thứ ba mang nẹp AFO trong 1 tháng, sau đó tình trạng gối ưỡn cải thiện, có thể bỏ nẹp sau 1 tháng. Người thứ tư dùng nẹp gối chống ưỡn, cải thiện, có thể bỏ nẹp sau 1 tháng. Người thứ năm chỉ tập vật lý trị liệu, sau đó có thể đi mà gối không ưỡn.
Giúp nhóm cơ mạnh lên
Sau tai biến, bệnh nhân không thể điều khiển khớp gối như bình thường, tức là gấp nhẹ đầu gối, duỗi thẳng dần hơn để thực hiện một cách mềm mại hai chức năng tương ứng lần lượt là đáp ứng tải và chống đỡ cơ thể đưa thân mình ra trước. Gối sẽ có xu hướng thứ nhất là ưỡn ra sau để khóa khớp gối để tránh bị sụp gối. Tư thế này đòi hỏi ít hoạt động cơ tư đầu đùi nên thường được bệnh nhân chọn hơn. Việc lựa chọn tư thế gối ưỡn có vẻ là thói quen bệnh nhân ngay từ giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân chưa có khả năng chống đỡ cơ thể nhưng lại mong muốn và cố gắng đi sớm. Một xu hướng thứ hai là gối sẽ chuyển sang gấp quá mức và trở nên cứng nhắc không duỗi ra. Cách bù trừ này phá vỡ cơ chế hấp thu chấn động khi đi, lâu dài có thể dẫn tới thoái hóa khớp.
Bệnh nhân được điều trị bằng nẹp đã hồi phục nhanh chóng: từ chỗ đầu gối cong trước khi dùng nẹp, cho đến quá trình bó nẹp và sau khi bỏ nẹp, chân đã hồi phục trở lại bình thường
Do vậy, điều trị gối ưỡn đôi khi cũng là một mục tiêu điều trị ở người đột quỵ. Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng để giúp người bệnh phục hồi khả năng kiểm soát gối. Theo BS. Khoa, để giúp cơ sau đùi mạnh lên ở những bệnh nhân bị tai biến, người ta có rất nhiều cách. Ông cho biết: “Để tăng cường cơ mạnh có nhiều phương cách như kích thích điện, châm cứu điện. Những bệnh nhân khỏe hơn có thể tập các bài tập đơn thuần, tập kháng lực bằng các sợi dây thun chuyên dụng kéo chân lùi về phía sau để tập… Một số người cong cứng nhóm cơ phía trước đùi – hay còn gọi là nhóm cơ tứ đầu đùi, phải uống hoặc chích một số loại thuốc, trong đó có loại thuốc quen thuộc gọi là Botulinum Toxin A, để giãn cơ, giúp bệnh nhân bớt ưỡn gối về phía sau.”
Tuy nhiên, những bài tập vật lý trị liệu vẫn quan trọng nhất đối với người bị liệt nửa người. Chương trình vật lý trị liệu dành cho bệnh nhân liệt nửa người, trong đó có phần kéo giãn cơ tam đầu cẳng chân, tập chịu sức nặng chân liệt, tập kiểm soát khớp gối, tập đi. Ngoài các bài tập kéo giãn, chịu sức nặng trên chân liệt ở tư thế đúng (không khóa gối tư thế ưỡn), những bài tập kiểm soát khớp gối không thể thiếu. Những trường hợp mặc dù hết ưỡn gối nhưng lại chuyển sang gối gấp cần nhất những bài tập giúp kiểm soát khớp gối ở tầm vận động từ 0 - 5 độ, để cử động gối uyển chuyển hơn. Nẹp chỉnh hình chỉ là phương thức hỗ trợ khi có chỉ định của bác sĩ.
Bình luận của bạn