Empty
Empty

Một ngày hai buổi, sáng từ 6 giờ đến 9 giờ và chiều từ 4 giờ đến 6 giờ, công viên rộng thoáng, nhiều cây xanh, gần nhà tôi, lúc nào cũng có các cụ từ 60 đến 100 đến đi bộ, tập thể dục hay ngồi “đàm đạo” thời cuộc. Người đều đặn nhất, có lẽ là cụ H. năm nay đã 91 tuổi.

Tôi quen cụ gần 5 năm nay và dường như không ngày nào không gặp, kể cả hai năm đại dịch. Hồi trước thì đi bộ nay thì đạp xe..., cụ không bỏ cuộc. Hồi trẻ, cụ kể với tôi, ở miền Bắc, đi bộ đội, qua nhiều chiến trường. Năm 1975, đơn vị đánh trận cuối ở Quận 2 này và sau hòa bình cụ di cư vào và sống luôn ở đây cho đến bây giờ. Mỗi khi tôi hơi mệt thì lại thích ngồi nói chuyện với bậc lão thành này và thấy như có thêm năng lượng.

Hình như, tuổi già không ai giống ai: trong khi cụ H. yên tâm với việc tự chăm sóc mình ngay tại nhà, thì một bạn trẻ hơn, vừa về hưu cách đây hai năm, đã lo chạy tìm nhà dưỡng lão. Mỗi khi gặp tôi, anh đều tỏ ra thất vọng: không có một nhà dưỡng lão nào “vừa là khách sạn 5 sao, vừa là bệnh viện 7 sao và có thêm nhà hỏa táng 4 sao…” như ý anh cả!

Mới đây anh tặng tôi cuốn truyện về người già, theo ý anh, là “rất… cảm hứng”. Anh nói chuyện trong này hơi giống ông cụ H. 91 tuổi của chúng ta, nhưng ông cụ H. còn phải phấn đấu thêm 9 năm nữa mới bằng cụ Alan trong truyện.

Empty

Cuốn sách này kể câu chuyện về cụ Alan, 100 tuổi. Sau một cuộc đời dài và đầy biến cố, Allan Karlsson cuối cùng phải vào viện dưỡng lão vì tin rằng đó là điểm dừng chân cuối cùng của mình. Vấn đề duy nhất là ông vẫn còn sức khỏe tốt. Vào ngày sinh nhật lần thứ 100, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua của sổ ngôi nhà dưỡng lão ở thủ đô Stockhom (Thụy Điển) và biến mất. Ở cái tuổi 100 hiếm ai đạt tới, thì cụ có thể đi đâu được? Một cuộc truy tìm trên khắp nước Thụy Điển diễn ra từ phía những người có trách nhiệm chăm nom cụ cũng như chính quyền sở tại. Song song với cuộc truy tìm nhân đạo ấy, một cuộc truy tìm đuổi bắt khác gay cấn hơn, xảy đến từ một tên tội phạm, kẻ đã ngớ ngẩn hoặc đúng hơn, bất cẩn trao vali 50 triệu crown (khoảng 55 triệu USD) vào tay cụ già này. Chắc hẳn đó không phải là một cụ già tiêu biểu của cộng đồng người già. Nhưng đó chính là hình tượng gây cảm hứng cho tất cả những người già đang mạnh khỏe hiện nay. Tôi hào hứng đọc cuốn truyện này một mạch (quên cả lời dặn của bác sĩ không được ngồi một chỗ hơn một tiếng đồng hồ).

Hai câu chuyện trên đây: một là thực tế và một là hư cấu. Tuy vậy, cả hai nhân vật đều… già, một “xu hướng” của thế kỷ 21.

Riêng trong năm 2024 chúng ta - những người quan tâm tới cả lão hóa và chính trị, có thể sẽ theo dõi cuộc đua tay đôi giữa hai “trưởng lão” tuổi 80 vào chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến nay. Ngày 7/3/2024 vừa qua trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Joe Biden không quên xác định tuổi già của mình với tất cả tự tin của sức mạnh tinh thần: “Tôi biết tôi có vẻ chưa phải như vậy (già), nhưng tôi cũng gần như vậy rồi. (Tuy vậy) Khi bạn bằng tuổi tôi, một số điều sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết... Vấn đề mà đất nước chúng ta phải đối mặt không phải là chúng ta bao nhiêu tuổi, mà là những ý tưởng của chúng ta bao nhiêu tuổi (già). Ghét bỏ, giận dữ, trả thù, trừng phạt là những ý tưởng “nhiều tuổi” (già cỗi) nhất.” Ý ông muốn nói là lãnh đạo càng lớn tuổi càng trải nghiệm nhiều, biết nhiều lịch sử hơn, kiểu như người Việt ta thường nói: “Gừng càng già càng cay”.

Empty

Trải nghiệm tuổi tác khiến ông Tổng thống Biden - nay đã 82 tuổi, mới đây quyết định đưa ra một gói đầu tư cơ sở hạ tầng cho kinh tế chăm sóc trị giá 2.000 tỷ USD. Đây chính là sự hình dung lại một cách triệt để ý nghĩa của một thứ gọi là “kinh tế chăm sóc”. Một bình luận trên báo New York Times ngày 13/4/2021 viết: “…Nền kinh tế chăm sóc đang được công nhận về bản chất: đó “giàn giáo vô hình” cho phép người lao động thực sự hoàn thành công việc”. Nước Mỹ đã đầu tư công lớn vào cơ sở hạ tầng truyền thống - đường, cầu, băng thông rộng, các tòa nhà - nhưng cũng bao gồm nhiều tỉ đô là tài trợ cho cơ sở hạ tầng chăm sóc và nâng lương cho nhân viên chăm sóc.

So với Mỹ, thì tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc nhanh hơn. Trước thách thức đó, nhà nước cho phép xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thông qua việc phát triển thị trường chăm sóc người cao tuổi. Quả thực, thị trường dịch vụ chăm sóc nội địa ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ giữa những năm 1990: khoảng 15-20 triệu nhân viên, chủ yếu là phụ nữ, bây giờ kiếm sống bằng việc dọn dẹp, nấu ăn và chăm sóc trẻ em, người già và người bệnh ở các gia đình thành thị. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, công việc giúp việc gia đình được trả lương ở Trung Quốc là một công việc có địa vị thấp, được trả lương thấp so với các nghề khác. Giá trị của kinh tế chăm sóc tại nền kinh tế thứ hai thế giới, theo ước tính, lên đến 4.640 tỉ USD.

Còn tại Việt Nam, bắt đầu từ 1/4/2024, cuộc tổng điều tra dân số nhà ở giữa kỳ bắt đầu. Kể từ cuộc điều tra dân số và nhà ở lần cuối năm 2019 đến nay đã qua 5 năm, biến động dân số khá rõ để có cuộc điều tra giữa kỳ này. Theo dự báo đến năm 2036, tỷ lệ người già Việt tăng lên 14,2%, nghĩa là sang “xã hội già”, nên nếu thu nhập của người Việt chưa tăng kịp lên thành nước có thu nhập cao (tạm thời lấy mức 12.400 đô la Mỹ/người/năm theo phân loại của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020) thì “già trước khi giàu” không còn là huyền thoại mà đã là thực tế.

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã tận dụng rất tốt thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để chạy đua với già hóa vì cơ hội này chỉ xảy ra một lần với một quốc gia. Với Việt Nam, cơ hội này diễn ra từ năm 2007 và dự kiến kết thúc năm 2039, nghĩa là chúng ta chỉ còn 16 năm để tận dụng mọi lợi thế nhằm chuẩn bị nguồn lực cho dân số già.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Nghiên cứu Thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi của VCCI và UNFPA vào năm 2021, Việt Nam đã có hơn 100 cơ sở chăm sóc người già cả công lẫn tư. Tuy vậy, thực tế lúc nào cũng thiếu cơ sở chăm sóc chuyên sâu với các mức giá dịch vụ khác nhau. Năm 2019, nhóm cựu học sinh trung học chúng tôi có thành lập một Quỹ tương trợ các thầy cô già khó khăn, và khi tìm chỗ trong nhà chăm sóc tại quận Bình Thạnh thành phố HCM thì giá cả rất phù hợp (thậm chí quá rẻ), nhưng thầy chúng tôi cuối cùng không lựa chọn chỗ đó, vì theo ông, cơ sở hạ tầng “chung chạ” với các trẻ em và người khuyết tật, không tạo được cảm giác thoải mái tinh thần.

Empty

Tháng 8 năm 2021, trong đại dịch COVID-19, tôi phải vĩnh biệt một người bạn thân, một Việt kiều Đức. Anh đã du học từ năm 1970 và khi về hưu vào những năm 2000, anh về Việt Nam mở các khóa đào tạo để giúp các em trẻ sang Đức làm công việc gọi là “chăm sóc người già”. Trước khi bị COVID-19 giết chết, anh đã kịp đưa sang Đức hàng trăm em và có lẽ, nay hầu hết các em đã gia nhập “nền kinh tế chăm sóc” tại Đức, quốc gia có đông người già nhất châu Âu. Anh từng nói với tôi: “Mình dạy các em một vốn tiếng Đức cơ bản. Khi sang Đức các em sẽ học thêm tiếng cùng kỹ năng chăm sóc nâng cao. Lương căn bản khoảng 5.000 USD/tháng và các em ưu tiên nhập quốc tịch sở tại, nếu muốn”. Thật sự đã có một nền kinh tế chăm sóc mà trước đó tôi không hề nghĩ đến, ít ra là một thuật ngữ kiểu như “care economy”.

Không chỉ nước Đức, Nhật Bản cũng thay đổi chính sách, khi cho phép người nước ngoài được làm việc chăm sóc người già. Báo Japan Times ngày 23/3/2024 đưa tin: Bộ Phúc lợi Nhật đã đề xuất với hội đồng chuyên gia một kế hoạch cho phép người nước ngoài có điều kiện tham gia vào các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người già. Với luật mới thì người lao động Việt Nam có thể làm các dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, thay vì chỉ làm tại các Viện dưỡng lão.

Empty

Tất nhiên nền kinh tế chăm sóc bao gồm chăm sóc trẻ em, người già và người khuyết tật, nhưng theo nhiều chuyên gia, kinh tế chăm sóc đó phải lấy việc chăm sóc người già làm hệ quy chiếu. Nói nôm na là: Ưu tiên số 1 của kinh tế chăm sóc là chăm sóc người già.

Empty

Hiện nay, tại bất cứ quốc gia nào, dù là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam thì phần lớn người lao động trong ngành chăm sóc đều là phụ nữ. Chính vì vậy, khi nói đến kinh tế chăm sóc, người ta đặt ngay vấn đề bình đẳng. Tại những quốc gia có văn hóa ảnh hưởng Khổng giáo thì dường như mặc định rằng nữ phải chăm sóc nam. Nguyên tắc “Tam tòng” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), mặc dù ngày nay không còn áp dụng, nhưng trên thực tế, ngay tại Trung Quốc, hay Việt Nam chúng ta, phụ nữ vẫn phải gánh nặng công việc chăm sóc gia đình, dù cho họ vẫn đảm đương công việc xã hội như người nam. Trong “kinh tế chăm sóc”, gọi những “lao động chăm sóc” này là “chăm sóc không lương”.

Với gần 2 tỷ người làm việc toàn thời gian không được trả lương, các dịch vụ chăm sóc không được trả lương chiếm 9% GDP toàn cầu hoặc 11.000 tỷ USD. Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế chăm sóc được ước tính là một thị trường trị giá 6.480 tỷ USD (so với Trung Quốc: 4.640 tỷUSD), được thúc đẩy bởi nhu cầu chăm sóc trẻ em, quản lý hộ gia đình, chăm sóc người già và phúc lợi nhân viên. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự kiến rằng đầu tư vào việc làm xã hội, bao gồm cả những việc làm trong lĩnh vực chăm sóc được trả lương, có thể mang lại lợi nhuận gấp ba lần, tạo ra việc làm được trả lương cao và di chuyển xã hội. Mô hình hóa khoản đầu tư 1.300 tỷ USD ở Hoa Kỳ đã mang lại lợi nhuận GDP gần 3 lần vào khoảng 3.100 tỷ USD, tác động đến việc tạo ra 10 triệu việc làm trong lĩnh vực xã hội và 1 triệu việc làm trong các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, công việc chăm sóc được trả lương, với tư cách là một dịch vụ thường bị đánh giá thấp. Ví dụ, công việc chăm sóc được trả lương do người giúp việc gia đình thực hiện phần lớn là không chính thức và thiếu sự bảo vệ pháp lý, điều này ảnh hưởng đến phúc lợi của người giúp việc gia đình cũng như việc cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình chất lượng cao và giá cả phải chăng.

Còn nhớ năm 1994 bộ phim Oshin của Nhật, kể về cuộc đời của một bé gái giúp việc gia đình tên là Oshin, được phát trên đài truyền hình quốc gia VTV1 gây xúc động toàn xã hội. Từ đó, từ ô-sin phát âm theo Việt ngữ đã mang nghĩa là “người giúp việc gia đình”. Ô-sin tượng trưng cho một nghề vừa rất nhọc nhằn, vừa bị coi thường, lại được trả lương rất thấp và không được hưởng các quy chế phúc lợi xã hội khác của người lao động.

Empty

Hiện tại, kinh tế chăm sóc có nhiều mặt tích cực. Theo số liệu ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cuối năm 2023, thì riêng kinh tế chăm sóc… người già toàn cầu có thể đạt đến 8.300 tỷ USD mỗi năm.

Tuy vậy, cho đến nay, các người lao động chăm sóc, vẫn không được trả lương xứng đáng. Các nhà nghiên cứu tại tổ chức PHI - (Paraprofessional Healthcare Institute, Inc.) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành phố New York, hoạt động nhằm cải thiện các dịch vụ và hỗ trợ dài hạn cho người già và người khuyết tật, đã phát hiện ra rằng 15% nhân viên chăm sóc trực tiếp sống trong cảnh nghèo đói và hơn 40% phụ thuộc vào hỗ trợ công cộng. Công việc chăm sóc trực tiếp là một trong những nghề phổ biến nhất đối với những người lao động có mức lương thấp, đặc biệt là nữ giới; đó là công việc thường không đòi hỏi nhiều về trình độ học vấn, thường không được tôn trọng.

Empty

TS. Nadasen theo dõi sự phát triển của nền kinh tế chăm sóc, từ nguồn gốc của nó là chế độ nô lệ, nơi không có sự phân chia rõ ràng giữa sản xuất và tái sản xuất xã hội, cho đến cuộc khủng hoảng chăm sóc hiện nay mà ngày càng nhiều người phải trải qua. Nền kinh tế chăm sóc ngày nay, TS. Nadasen nhấn mạnh, là một hệ thống có thứ bậc, được thể chế hóa, trong đó nỗi đau (yếu đuối hay bất hạnh) của một số người chuyển thành lợi nhuận cho người khác.

Cuộc khủng hoảng chăm sóc thường được đóng khung dưới dạng "cân bằng công việc/gia đình", gánh nặng kép đối với phụ nữ đi làm và các gia đình mất khả năng chăm sóc trẻ em. Vụ người mẹ, 35 tuổi, đơn thân ở quận 7 thành phố HCM lạc mất con hồi tháng 3/2024 vừa qua có thể nói là một trong những “điển hình” của những gia đình bị mất khả năng chăm sóc hay bị bỏ rơi khỏi các dịch vụ chăm sóc là bất hạnh như thế nào. Người mẹ đơn thân này phải nuôi 4 con cùng lúc, và thay vì bọn trẻ được chăm sóc thì hàng ngày 4 bé gái (tất cả là gái) từ 2 tuổi đến 9 tuổi phải theo mẹ bán kẹo như kế sinh nhai duy nhất. Và chỉ một thoáng lơ là của người mẹ, hai bé gái liền bị kẻ gian bắt đi để làm những việc “kinh doanh chăm sóc” tồi tệ khác. Trong trường hợp gây xúc động toàn xã hội này, những con người bất hạnh, yếu thế từ chỗ “được chăm sóc” trở thành những lao động “chăm sóc” kẻ khác, để kẻ thứ ba hái ra tiền. Nền kinh tế chăm sóc ở đây, trong trường hợp này, bóc trần tất cả mặt trái của “kinh tế chăm sóc”, biến nỗi đau của người này thành lợi nhuận của kẻ khác. May mà các cơ quan chức năng đã can thiệp kịp thời để ngăn lại một tội ác dính tới “kinh tế chăm sóc”.

TS. Nadasen theo đường lối xã hội, đấu tranh cho nữ quyền và người nghèo, cho rằng “kinh tế chăm sóc” là một câu chuyện về sự phản kháng. Bà nhấn mạnh những công nhân làm việc trong các ngành phục vụ, chăm sóc phải được đào tạo và phải được trả lương xứng đáng, như một phần của một “tương lai kinh tế chăm sóc có khuôn mặt người hơn”. Ví dụ, tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) đang trở thành trung tâm chăm sóc lớn thu hút người nước ngoài tới dưỡng già vì tỉnh này có sự ưu đãi của thiên nhiên (khí hậu tốt và có vĩ độ như Sa Pa của Việt Nam), nhưng trên hết là toàn bộ cộng đồng ở đó, từ người lao động đến cư dân đều được hưởng lợi và vì thế Chiang Mai xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc – tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động từ các nơi đổ về. Câu khẩu hiệu của các trung tâm chăm sóc ở đây là: From Care to Caring (Từ Quan tâm, đến Chăm sóc).

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già