Cao điểm nắng nóng gió Lào là từ tháng 5 đến tháng 8 (ảnh InfoNet)
Tử vi Chủ nhật (4/6/2023): Kim Ngưu nên để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên
Ăn nhiều chất xơ để giảm nguy cơ đột quỵ
Viện Huyết học phổ biến kiến thức về an toàn dùng thuốc cho bệnh nhi
Đái tháo đường biến chứng khó ngủ, nóng rát đầu ngón chân điều trị thế nào?
Vùng nắng nóng gió Lào chủ yếu từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, nhưng cũng có khi “thổi cồn cột” đến vùng Tây Trang (Điện Biên). Nắng nóng gió Lào thường xuất hiện từ khoảng tháng 4, cao điểm nhất từ tháng 5 đến tháng 8, cũng có khi kéo đến thượng tuần tháng 9 hàng năm. Trung bình hàng năm các địa phương nói trên phải chống chịu từ 40-50 ngày khô nóng, trong đó có 15-20 ngày khô nóng dữ dội, ví dụ gần đây cho thấy nhiệt độ cao nhất năm 2010 lên tới 42 độ C. Trước đó, năm 2015, lần đầu tiên Nghệ An công bố thiên tai hạn hán: các hồ chứa chỉ còn 30% dung tích nước, nông dân thiếu nước không thể cấy hết diện tích lúa, diện tích cây công nghiệp bị hạn hán nghiêm trọng…
Năm 2023 này, mới vào đầu mùa nắng nóng của thời kỳ “trái đất nóng lên” do biến đổi khí hậu, ở Tương Dương-Nghệ An đã có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến mức kỷ lục 44 độ C. Nhiều vùng bà con đến kỳ thu hoạch lúa đông-xuân đã phải tiến hành vào thời điểm nửa đêm về sáng để tránh nắng. Đến kỳ cấy lúa hè thu, không hiếm cảnh “đèn dầu cấy đêm” vất vả nhưng không còn cách nào khác phải “giành giật với trời” của bà con vùng nắng nóng gió Lào.
Trong vô vàn khó khăn, gian khổ do thời tiết, khí hậu gây ra, bà con vùng nắng nóng gió Lào bao đời cần cù, chịu khó, vừa chống chịu vừa tìm cách vượt qua theo cách nghĩ và cách làm quyết liệt nhất có thể “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Theo thời gian, năm tháng, nhiều kinh nghiệm quý đã được đúc rút để giúp cho cuộc sống, lao động có được nhiều thành quả thiết thực hơn. Chẳng hạn, nết ở, nết ăn của bà con vùng nắng nóng gió Lào có những nét riêng thú vị, không lẫn vào đâu được so với các vùng miền khác trong cả nước.
Để hạn chế, giảm thiểu ảnh hưởng của những đợt gió Lào “thổi rạc bờ tre” suốt mùa Hè, người dân miền Trung đã đúc rút kinh nghiệm trong quá trình tồn tại và phát triển như bố trí sắp xếp, quy hoạch làng xã, hướng nhà, tạo ra các giải pháp xây dựng-kiến trúc, làm cho việc xây dựng nhà cửa thích ứng với điều kiện khắc nghiệt do tự nhiên gây ra. Đó là cách bố trí hướng nhà, nhà chính, nhà phụ, sân vườn, ao cá… trong một tổng thể hài hòa, hòa nhập giữa thiên nhiên và con người.
Theo ThS.KTS Phạm Hồng Sơn (Khoa Kiến trúc, Đại học Vinh) trong bài đăng trên tapchikientruc.com.vn 03/07/2013, thông thường ở vùng nắng nóng, nhà chính mặt trước quay hướng nam, chếch đông với góc từ 15-20 độ để cho hướng nhà trùng với hướng gió tây nam (hướng gió phơn, gió Lào); nhà phụ ít khi bố trí hai bên, mà thường đặt ở phía đông, cuối hướng gió Lào thổi, cùng nhà chính tạo ra hình chữ Môn, không để gió thổi qua khu phụ vào nhà chính; hoặc là song song với nhà chính, tạo thành hình chữ Đinh, chữ Nhất, chữ Nhị; phía tây và phía nam, những hộ có khuôn viên rộng thường đào ao tạo gió mát cho vườn và nhà, đặc biệt làm giảm khô nóng của gió Lào. Nhà ở thường quay mặt về hướng nam, luôn đón nhận gió mát như kinh nghiệm truyền đời của cha ông “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”.
Do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nên việc xây dựng, làm nhà nơi đây luôn biết cách để ẩn nấp sau những lũy tre làng, dùng vườn rau, ao cá để giảm gió nóng mùa Hè, gió lạnh mùa Đông. Mái nhà lợp tranh hay rạ dày, lợp ngói âm dương, tường xây dày, bố trí cửa, mành treo… đều có tác dụng chống nóng hiệu quả.
Sau chiến tranh phá hoại, thành phố Vinh gạch vụn được xây dựng lại hiện đại, khang trang. Nét nổi bật đáng chú ý là các nhà kiến trúc-xây dựng trong và ngoài nước đã học hỏi, phát huy rất nhiều kinh nghiệm cha ông ta để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu vùng nắng nóng gió Lào. Hướng nhà chung cư khu đô thị Quang Trung hay các tòa nhà liên kết ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan chẳng hạn được xây dựng rất khoa học, thông thoáng, rất tiện lợi trong quá trình sử dụng. Rất tiếc sau này, nhiều công trình lớn mọc lên trên địa bàn nhưng gây ra nhiều bất cập và bức xúc cho người sử dụng, mà nguyên nhân là không tính hết những ảnh hưởng rất lớn của gió Lào, nắng nóng đến nhà ở, đến cuộc sống của cả cộng đồng.
Chuyện ăn uống của người dân vùng nắng nóng gió Lào cũng có nét thú vị, trong đó có những thức ăn, thức uống hướng đến sự mát mẻ, phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Có một món ăn ngày hè phổ biến, trở thành đặc sản miền Trung không thể không nhắc đến, với nhiều “biến thể” xung quanh con hến được cào đãi từ sông nước ngọt lên. Nhiều vùng trên sông Lam (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), sông Hương (Huế)… là nguồn cung cấp vô tận đặc sản này để người dân chế biến thành các món ăn ưa thích như bánh đa xúc hến, cơm hến, canh hến…
Cả rổ hến được ngâm hàng giờ với nước vo gạo để hến nhả hết chất cặn, được rửa sạch, rồi luộc với ít gừng, tách ruột khỏi vỏ. Nước luộc được dùng để nấu canh, vốn không thể thiếu trong bữa ăn ngày hè. Ruột hến để ráo, cùng với hành tây thái nhỏ, tỏi đập dập, hẹ cắt khoảng 2-3 cm, xào mỡ hoặc dầu ăn đúng cách, sẽ có một món ăn hấp dẫn không thể chối từ. Người dân vùng nắng nóng quen với món bánh đa xúc hến, nhấm nháp vị béo thơm của hến xào, vị cay cay của lát ớt mỏng, vị thanh mát của hẹ hòa cùng vị tan giòn của bánh đa vừng nướng.
Dịp gần đây là những ngày nắng nóng đầu mùa nhưng đỉnh điểm ở Nghệ An. Người dân vất vả bằng mọi cách chống nóng để đảm bảo sức khỏe, sản xuất. Riêng vùng Đô Lương với nghề làm bánh đa nức tiếng thì vô cùng rộn rã vì sản xuất bánh đa càng được nắng càng chất lượng, càng được khách hàng ưa chuộng, món bánh đa xúc hến càng… cháy hàng.
Nghề bánh đa truyền thống ở Đô Lương có từ 300 năm nay, vẫn “song hành” cùng nắng nóng gió Lào, từ thời tiết khắc nghiệt người dân không cam chịu, tìm ra cách làm, cách tồn tại và phát triển. Được biết, hiện tại ở Đà Sơn - Đô Lương, có gia đình mỗi ngày sản xuất cả tạ gạo làm bánh đa, mỗi cân gạo tráng được khoảng 30 chiếc bánh đa, thu lãi cả triệu đồng/ngày. So với làm nông vất vả, tiền công cao hơn tiền thóc, thì nghề làm bánh đa, nghề xúc hến mang lại hiệu quả đong đếm được rõ ràng, không chỉ là chuyện món ăn, thức uống giải nhiệt ngày hè…
Người ta không thể chọn để được sinh ra, người dân vùng nắng nóng gió Lào sinh ra và lớn lên ở vùng đất khắc nghiệt này từ bao đời nay vẫn kiên gan chống chịu và tìm cách vượt lên mọi trở ngại, biến vùng đất khô cằn dần trở nên tươi xanh, mát mẻ. Nết ở, nết ăn của người dân nơi đây là minh chứng sinh động cho quá trình hòa hợp và khắc phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thậm chí còn khơi gợi, mời gọi những người ưa thích khám khá, tìm tòi về với con người và miền đất nắng gió ngàn đời này.
Bình luận của bạn