Tìm hiểu về chứng sa sút trí tuệ mà diễn viên Bruce Willis mắc phải

Nam diễn viên Bruce Willis được chẩn đoán sa sút trí tuệ tiền đình thái dương

Thực phẩm giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

9 lợi ích sức khỏe hàng đầu của dầu cá

Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ với chế độ ăn Địa Trung Hải

6 lầm tưởng về chứng sa sút trí tuệ

Biểu hiện thoáng qua của chứng sa sút trí tuệ

Năm 2022, nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ Bruce Willis dừng sự nghiệp diễn xuất ở tuổi 67 vì mắc chứng mất ngôn ngữ (aphasia) và sa sút trí tuệ tiền đình thái dương. Đây là một dạng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng, tiếp nhận ngôn ngữ.

Cuối tháng 5 vừa qua, con gái tài tử này là Tallulah Willis đã chia sẻ với tờ Vogue về bệnh tình và sức khỏe của cha mình. Cô thừa nhận, gia đình đã bỏ lỡ dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ ở nam diễn viên.

Sa sút trí tuệ tiền đình thái dương thường gặp ở độ tuổi 45-64. Những biểu hiện phổ biến là gặp khó khăn trong quản lý cảm xúc, khi giao tiếp và đi lại.

Nam diễn viên Bruce Willis và con gái

Nam diễn viên Bruce Willis và con gái

Tallulah Willis cho hay, ngay từ sớm, gia đình đã nhận thấy Bruce Willis có dấu hiệu phản ứng không nhanh nhạy và tự bảo nhau phải dùng âm lượng lớn khi nói chuyện với nam diễn viên. Tuy nhiên, gia đình lại cho rằng, quá trình đóng những bộ phim bom tấn hành động Hollywood như Die Hard đã ảnh hưởng tới thính lực của Bruce Willis.

Chính nam diễn viên cũng nhận thấy mình gặp khó khăn khi giao tiếp. Theo các đồng nghiệp, từ vài năm qua, Bruce Willis gặp nhiều khó khăn trên phim trường khi quên lời thoại, không thể nhớ được những câu thoại dài và đôi khi hiểu nhầm ý của đạo diễn. Nhưng những biểu hiện này lại dễ nhầm lẫn với đãng trí do tuổi già.  

Theo con gái nam diễn viên, hiện khả năng vận động của Bruce Willis vẫn bình thường, ông có thể đi lại trong nhà bếp và phòng làm việc mỗi ngày.

Cách phân biệt sa sút trí tuệ và lão hóa

Theo một khảo sát tại Vương quốc Anh, có 1/3 những người nhận thấy các triệu chứng sa sút trí tuệ ở người thân hoặc ở chính mình, nhưng lại giấu kín trong ít nhất 1 tháng. Gần 1/4 người tham gia khảo sát chờ hơn 6 tháng mới đi thăm khám y tế. Nguyên nhân chính khiến mọi người giữ kín những triệu chứng bệnh là do họ không chắc chắn đây là dấu hiệu tuổi già hay sa sút trí tuệ.    

Theo BS John Schumann – Giám đốc Y tế tại hệ thống chăm sóc người cao tuổi Oak Street Health, sa sút trí tuệ không phải quá trình lão hóa bình thường. Nguyên nhân gây bệnh sa sút trí tuệ do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ở trong não.

Cùng quan điểm này, BS David Reuben – Trường Y David Geffen (thuộc Đại học California ở Los Angeles, Mỹ) giải thích: Quá trình lão hóa là hiện tượng sinh học bình thường, tương tự với việc "bộ xử lý dữ liệu" trong não không hoạt động nhanh như trước. Ví dụ, người cao tuổi có thể cần vài giây suy nghĩ mới có thể diễn đạt điều mình đang muốn nói, cảm giác lời nói đến cửa miệng rồi mà không nhớ nổi.

Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chỉ hàng loạt các chứng rối loạn gây suy giảm chức năng nhận thức gần như không thể đảo ngược. Alzheimer là một trong những chứng sa sút trí tuệ thường gặp nhất. Ngoài ra còn có nhiều rối loạn khác cũng liên quan tới sa sút trí tuệ như bệnh Parkinson, Huntington.

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng giao tiếp xã hội của người mắc

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng giao tiếp xã hội của người mắc

Theo Viện Nghiên cứu Lão hóa Quốc gia, một vài dấu hiệu cho thấy bạn hoặc người thân đang gặp chứng sa sút trí tuệ chứ không phải lão hóa thông thường gồm:

  1. Lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi.
  2. Gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn (như thực hiện công thức nấu ăn).
  3. Bị lạc đường ở một nơi vốn rất quen thuộc.
  4. Ngày càng mơ hồ về thời gian, địa điểm và con người.
  5. Không biết chăm sóc bản thân: Ăn uống không đủ, quên tắm rửa, thực hiện những hành vi không an toàn.

Theo BS Schumann, con người không tránh khỏi những lần đãng trí, như quên đóng tiền điện nước một lần, đặt chìa khóa sai chỗ. Tuy nhiên, nếu chứng đãng trí ảnh hưởng đến việc tính toán, công việc hàng ngày như cạo râu và mặc quần áo, đây là dấu hiệu cần thận trọng với sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, nếu người bệnh không bị thay đổi tính khí, tâm trạng hay giấc ngủ, khả năng mắc sa sút trí tuệ không cao. Thay vì lo lắng, bạn nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa trước khi vội vã tự kết luận bệnh cho người thân hoặc chính mình.

 
Quỳnh Trang (Theo Fortune)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già