Cuộc vượt núi băng rừng nhớ mãi trong đời làm báo

Nhà báo Bùi Sỹ Hoa (áo trắng) trong một chuyến công tác miền biên viễn (ảnh do nhà báo cung cấp)

Thoát vị đĩa đệm: Mức độ nguy hiểm và cách điều trị hiện nay

Hội chứng rò rỉ ruột: Ăn gì, bổ sung gì mới tốt?

Món ăn nhẹ lành mạnh trước giờ ngủ giúp bạn ngon giấc

3 sai lầm làm tăng các đốm đen trên da

Nhà báo Bùi Sỹ Hoa nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet, một nhà báo từng trải qua nhiều vị trí công tác từ địa phương tới trung ương, chia sẻ:

May mắn cho tôi và nhiều đồng nghiệp khác là chúng tôi có nhiều lần đến với Tam Hợp, với Đồn biên phòng 551 cũng như nhiều nơi khác, với nhiều bản Mông vùng biên giới tỉnh Nghệ An để có được nhiều tác phẩm chất lượng. Năm 2000, Thời sự Truyền hình Nghệ An chúng tôi đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc với phóng sự ngắn “Ông Thành lúa nước” (sau đó đoạt Giải B, Giải báo chí toàn quốc về điển hình, nhân tố mới) được thực hiện ở chính bản Xốp Nậm mà chúng tôi có dịp đến chúc tết đồng bào Mông ở Phá Lõm năm nào. Cũng là để thấy, không có điều gì mất đi hay bị bỏ phí nếu chúng ta biết chắt chiu, gìn giữ và khai thác những điều tưởng không mấy ý nghĩa, không có lợi lúc này nhưng lại vô cùng quý giá ở những thời điểm khác, cơ may khác.

Dạo đó, đồng bào Mông ở miền tây Nghệ An thường ăn tết theo truyền thống riêng của bà con vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các huyện miền núi có đồng bào Mông sinh sống tổ chức các đoàn công tác lên thăm, chúc tết và các phóng viên đài, báo trung ương, địa phương có dịp được “biên chế” vào đoàn để làm công tác tuyên truyền.

Những chuyến băng rừng lội suối mang lại cho nhà báo Bùi Sỹ Hoa và các đồng nghiệp những giải thưởng báo chí (ảnh do nhà báo cung cấp)

Những chuyến băng rừng lội suối mang lại cho nhà báo Bùi Sỹ Hoa và các đồng nghiệp những giải thưởng báo chí (ảnh do nhà báo cung cấp)

Đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Vinh, đi xe uaz lên huyện miền núi Tương Dương, đi bộ từ bản Cánh Tráp, xã Tam Thái, sát Quốc lộ 7A vào xã Tam Hợp, nghỉ đêm tại bản Xốp Nậm rồi sáng ra tiếp tục “hành quân bộ” lên bản Mông có tên là Phá Lõm. Đây là vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, tuy chỉ cách trung tâm huyện 30km đường chim bay nhưng dạo đó chúng tôi đã phải vừa đi bộ, vừa nghỉ đêm, một ngày rưỡi mới đến nơi.

Đồng bào Mông ở Phá Lõm bấy giờ sinh sống khá tập trung trên một dải núi cao, nhà cửa đơn sơ, rất đáng nói là chỉ có đàn ông biết nói tiếng Kinh, còn phụ nữ và trẻ em hầu như không biết nên khá ngại ngần khi tiếp xúc với chúng tôi. Đoàn đến nơi đã trưa nên được bà con mời ăn tết với món xôi và thịt lợn bản. Sau đó là các thủ tục chúc tết, tặng quà của tỉnh, của huyện, của Bộ đội biên phòng… mong bà con ăn tết vui vẻ, đoàn kết, xây dựng bản làng no ấm, tiến bộ.

Cơ bản hoàn tất mọi việc, anh em trong đoàn được “mật báo”, đây là vùng sát biên giới, tình hình an ninh phức tạp nên rất có thể những dịp này, phỉ cũng về bản… ăn tết! Chương trình “xuống núi” ngay lập tức được ban ra: vượt núi cao trước bản để về Đồn 551 trước khi trời tối. Đó là quãng leo dốc núi dựng đứng, giây leo chằng chịt, cây đổ lá mục chắn dọc che ngang, đi theo lối mòn do các chiến sỹ biên phòng dẫn đường. Hăm hở được một lúc là thở không ra hơi, có khi tay mình phải cầm nhấc cái chân mình mỏi nhừ qua khúc cây chắn ngang lối đi, người đi trước gọi với lại phía sau liên tục để không ai bị rơi rớt lại.

Lên dốc ngược đã nhọc nhằn, khi tụt dốc xuôi lại càng khó khăn hơn vì dốc trơn, ít có chỗ bám víu nên có lúc nhắm mắt mặc cho người trôi tuột do mưa rừng khi chiều về. Khổ thân những ai mang giày dép không phù hợp, lại còn tay xách, nách mang. Nhà quay phim của chúng tôi chỉ chăm chăm lo sao cho thùng máy không bị va đập, không bị mưa ướt. Về tới đồn, mọi người thở ra một hơi thườn thượt vì “tai qua, nạn khỏi”, ngồi bên bếp lửa bộ độ biên phòng nhen sẵn để hơ áo quần, hơ sấy máy, chạm chén rượu ấm mừng chuyến đi trót lọt, kết quả như mong muốn…

Nhưng riêng anh em chúng tôi thì “thu hoạch” lại không như mong đợi vì trước hết, chiếc camera quý giá được dành riêng cho chuyến đi mang tính “thời sự, đại đoàn kết” hiếm có này bị hỏng hoàn toàn, sau này gửi ra Hà Nội cũng không thể khắc phục được. Bài vở viết lách cũng nhợt nhạt, vì “ấn tượng” trèo đèo, lội suối quá lớn mà điều cần viết, cần nói cuối cùng cũng chỉ nhờn nhợt như bao sự kiện bình thường khác. Mới hay, không đi thực tế, không bám cuộc sống thì khó mà viết hay, viết thực về bất cứ điều gì? Nhưng nhiều khi bám đến thế, đổ mồ hôi, sôi nước mắt đến thế mà vẫn không viết được, không viết nổi điều gì cho ra hồn thì cũng đừng cho là chuyện lạ, đừng đổ lỗi hay vội vàng nhận xét, đánh giá về anh em, đồng nghiệp khi đi công tác, nhất là vùng sâu, vùng xa…

Sau này, đồng bào Mông ở Nghệ An cũng như nhiều nơi trong nước chuyển sang ăn tết Nguyên đán cùng thời điểm với người Thái, người Kinh... Tết ở vùng đồng bào miền núi Nghệ An ngày nay có đầy đủ các món ăn truyền thống, có cả nhiều món ngon du nhập về, lại vẫn duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc thu hút đông đảo bà con tham gia, trong đó có hội chọi bò nức tiếng của đồng bào Mông vùng Kỳ Sơn, Tương Dương… Câu chuyện một lần đi chúc tết đồng bào Mông càng khiến tôi và nhiều đồng nghiệp nhớ mãi, một chuyến đi vượt núi, băng rừng không dễ gặp lại trong đời làm báo đầy thú vị và trăn trở.

 
PV (ghi)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ