Ngừa cúm, giải cảm bằng thực phẩm

Mùa này, nhiệt độ môi trường tăng cao. Để giải nhiệt, cơ thể thường tăng tiết mồ hôi. Trong quá trình làm mát, lỗ chân lông hở. Lúc này nếu cơ thể bị nhiễm lạnh, mầm bệnh gây cảm cúm có cơ hội tốt để tấn công.

Cúm tấn công, cơ thể phát bệnh khi hệ miễn dịch suy giảm vì thế cần dùng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Món ăn vặt như các loại cóc, ổi, me, xoài non…chấm muối ớt có chứa nhiều sinh tố C, muối khoáng giúp cơ thể có nhiều tăng sức đề kháng, cân bằng điện giải khi mồ hôi tiết ra quá nhiều. Nếu không thuộc “trường phái” ăn vặt nên dùng các loại trà có tác dụng như kháng sinh bao gồm: trà gừng, trà cúc hoa, trà chanh, nước chanh muối…Theo Đông y, các loại trà này có công dụng chông tấy viêm niêm mạc, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa.

Nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sinh tố C, A, B6, khoáng chất kẽm, magiê hỗ trợ hệ miễn dịch như: bông cải, ớt bi, cà rốt, đậu xanh… Các món súp nấu từ cà rốt, củ dền, khoai, bắp… cũng có tác dụng tốt cho cơ thể vì cung cấp nhiều sinh tố A, E, C. Nên dùng các món sà lách bơ, sinh tố bơ vừa rẻ vừa giúp cơ thể khỏe mạnh nhờ chúng có lượng sinh tố dồi dào giúp cơ thể kháng bệnh.

Trời càng nóng chúng ta càng thích ăn các món mát lạnh. Vì vậy, dùng món mát thì vui miệng nhưng buồn lòng vì cơ thể lại phải “hâm nóng” thức ăn, nước uống. Điều này cũng khiến cơ thể dễ bị vi sinh vật tấn công. Do đó, dù khỏe mạnh cũng nên dùng xen kẽ món mát với các món ăn nóng sốt và có các loại gia vị: gừng, tiêu, tỏi, nghệ… để hỗ trợ hệ tiêu hóa. Một trong những món ăn Việt nổi tiếng thế giới lại có công dụng ngừa cúm là phở. Bánh phở dễ tiêu hóa, nước phở nấu từ các gia vị: gừng, quế, hồi… có công dụng sát trùng hầu họng. Món có khả năng tăng lực không kém phở là cháo. Các món cháo cá, cháo mực, cháo cật… rắc ít tiêu cùng với gừng xắt mỏng cũng giúp cơ thể đẩy lui vi rút cảm cúm đang chờ thời cơ tấn công cơ thể.


Trà cúc giúp tăng cường sức khỏe (ảnh Internet)

Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn ăn cháo giải cảm cúm, cách nấu như sau: nấu cháo thật nhừ sau đó đập trứng gà tươi, hành hoa xắt mỏng, lá tía tô xắt sợi, chờ sôi, đổ ra tô ăn nóng. Món cháo này nếu có thêm “trợ thủ” xông hơi sẽ phát huy công lực đánh đuổi cảm cúm. Lá xông rửa sạch nấu đến khi sôi thì đặt nồi nước vào giữa trùm mền xông, mở hé nồi từ từ để hơi nóng không làm hư hỏng da mặt mà mồ hôi vẫn tiết đều đặn. Sau khi xông cần lau khô cơ thể ngay. Nếu mồ hôi tiếp tục tiết ra làm ướt quần áo thì cần thay tiếp, không để mồ hôi ngấm ngược trở vào cơ thể (lỗ chân lông đang mở).

Khi bị đau rát vùng hầu họng, ho nên nghĩ đến mật ong. Đây là quà tặng thiên nhiên có tính sát khuẩn vùng hầu họng hữu hiệu. Cần lưu ý, nên pha mật ong với nước sôi để nguội hoặc nước ấm dưới 40 độ C.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp