Người bệnh đái tháo đường: Vì sao kiến bò ngoài da?

Tình trạng này tất nhiên sẽ nghiêm trọng hơn nhiều - nghĩa là xảy ra nhiều lần trong ngày, nhất là khi mới thức dậy - ở đối tượng có lượng đường trong máu trồi sụt thất thường.


Hội chứng bệnh lý mang tên “viêm đa thần kinh ngoại biên” tuy trước mắt không trầm trọng đến độ gọi là biến chứng trong bệnh tiểu đường nhưng rõ ràng là nguyên nhân gây mất chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng này sở dĩ đeo sát người bệnh vì mạng lưới thần kinh ngoại biên khó tránh không bị công kích bởi các phế phẩm sản sinh trong tiến trình rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo. Thêm vào đó là rối loạn chất điện giải sẽ tranh thủ ăn theo khi đường huyết dao động. Hậu quả dẫn truyền thần kinh không có tiến độ và chất lượng như mong muốn. Bắp thịt ở tứ chi, đặc biệt hạ chi và vùng bàn chân rất dễ là “miếng mồi ngon” vì các vùng này dễ thiếu máu do xa trái tim. Bắp thịt chi dưới vì thế khó tránh thiếu dưỡng khí cũng như dưỡng chất, trong khi chất sinh đau nhức như acid uric, acid lactic… tích lũy càng lúc càng nhiều. Người bệnh tiểu đường nếu không đau, không tê mới lạ!

Cơ chế sinh bệnh tuy không quá phức tạp nhưng thầy thuốc lại gặp trở ngại khi điều trị vì thuốc giảm đau tuy có tác dụng trước mắt nhưng rồi cũng chính thuốc làm tăng đường huyết, nghĩa là vô tình tiếp tay cho bệnh tiểu đường! Đó là chưa kể đến phản ứng phụ khó tránh của thuốc hóa chất khi dùng dài lâu trên cơ thể vừa mong manh vừa rất nhạy cảm của người bệnh tiểu đường! Liệu pháp lại không thể là chuyện ngày một ngày hai vì viêm đa thần kinh ngoại biên hễ đã đến thì ít khi chịu ra đi sớm!

Nếu tưởng viêm đa thần kinh ngoại biên là chuyện nhỏ do không mấy ai vì thế phải nhập viện cấp cứu thì lầm! Tình trạng đau nhức, tê mỏi kéo dài là lý do khiến mất ngủ, trầm uất; suy nhược thần kinh khi đó không mời cũng đến và là đòn bẩy để đường huyết càng dễ dao động thất thường. Thuốc đặc hiệu để hạ đường huyết không thiếu nhưng lại không là giải pháp, vì viêm thần kinh ngoại biên vẫn chiếm kèo trên cho dù có hạ được đường huyết nhưng lượng đường trong máu sau đó không ổn định! Chính vì thế, nhiều thầy thuốc chuyên khoa nội tiết đã từ lâu áp dụng hoạt chất sinh học để ngăn chặn biến chứng của tiểu đường trên hệ thần kinh ngoại biên. Theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Mannheim, CHLB Đức, có thể đẩy lùi hội chứng viêm đa thần kinh ngoại biên không mấy khó nếu hoạt chất trong quế, khoáng tố kẽm, sinh tố B1 ở liều thấp được phối hợp trong phác đồ điều trị. Đáng tiếc là trên nhiều toa thuốc trị bệnh tiểu đường ở xứ mình vẫn còn thiếu các thành phần này. “Điều trị” là tiếng kép. Chữa bệnh tiểu đường nhưng không chú trọng mục tiêu phòng ngừa viêm thần kinh ngoại biên thì chỉ mới được nửa đường trị bệnh, vì tuy có trị liệu nhưng chưa có điều chỉnh.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già