Người già dễ mắc bệnh phổi

Ảnh minh họa: internet

Vào những tháng cuối năm, bệnh nhân đến điều trị tại khoa hô hấp tăng khoảng tăng 25-30%. Lạnh là một yếu tố thuận lợi làm nặng thêm các bệnh hô hấp mạn tính sẵn có, là lý do giải thích vì sao bệnh nhân nhập viện nhiều hơn và tử vong nhiều hơn.

Phổi của người lớn tuổi, do trải qua nhiều năm tháng, có thể đã bị tổn thương do những bệnh từng mắc từ thời trẻ như lao, viêm phổi, áp xe phổi nên không còn “nguyên vẹn” nữa. Ngoài ra, tỷ lệ người lớn tuổi mắc các bệnh phổi mạn tính, ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cũng cao hơn người trẻ.

Cơ chế hoạt động của phổi người lớn tuổi nhìn chung cũng giống như người trẻ tuổi, nhưng hiệu quả hoạt động kém hơn. Ví dụ, cơ chế đề kháng chống vi khuẩn kém hơn, cơ chế ho khạc đàm ra ngoài kém hiệu quả.

Dấu hiệu bệnh phổi ở người lớn tuổi âm thầm hơn người trẻ, cụ thể như sốt ít hơn, cảm giác khó thở ít hơn, ho khạc không được dù trong phổi có rất nhiều đàm.

Ngày mùa đông, người lớn tuổi dễ mắc các bệnh viêm phổi, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lên cơn hen cấp v.v…

Việc tiếp xúc môi trường ô nhiễm, đặc biệt là hút thuốc lá, là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh phổi mạn tính ở người lớn tuổi, ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, việc tiếp xúc với thời tiết lạnh, tiếp xúc với nguồn lây (người mắc bệnh hô hấp khác) cũng là nguyên nhân gây các bệnh hô hấp cấp ở người lớn tuổi.

Trong đa số các trường hợp nhiễm siêu vi hô hấp, chỉ giới hạn ở đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tuy nhiên, có thể vì lý do nào đó (suy giảm miễn dịch, hoặc độc lực của virus quá cao), phổi có thể bị tổn thương. Viêm phổi do virus tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong cao. Đối tượng nguy cơ dễ viêm phổi do virus là người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính v.v…

Điều trị viêm phổi do virus quan trọng nhất là phát hiện sớm và sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt (nếu có thể). Nhiều loại virus khác nhau có thể gây viêm phổi nhưng không phải tất cả đều có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị viêm phổi do virus chủ yếu là điều trị triệu chứng: thở oxy, thở máy và chờ đợi phục hồi.

Phòng ngừa viêm phổi do virus bao gồm các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay sạch, che miệng khi ho, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc người bệnh, tiêm ngừa cúm.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già