Những bài học về quản lý tài chính được kể bằng những câu chuyện giàu tính nhân văn
Y tế tuần qua: Việt Nam tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19
Việt Nam dự kiến bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 vào ngày 8/3
Sống hết mình, ngay tại đây, ngay lúc này
Tôi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành về kinh tế. Tôi cũng rất yêu thích công việc hiện tại của mình và nó có liên quan đến ngành kinh tế. Nhưng đa số các sách kinh tế mà tôi đọc đều có công thức viết giống nhau, đề cập vấn đề, lý giải vấn đề và đưa giải pháp hoặc kinh nghiệm giải quyết hoặc quy luật được rút ra. Cũng khó trách được các tác giả, bản thân họ vốn là nhà kinh tế học đã quen nhìn nhận vấn đề theo góc độ kinh tế học vi mô, vĩ mô khô khan được trình bày trong các cuốn sách dày và có tuổi thọ còn hơn chính họ. Giống như cách lý giải của một nhà văn thì đó là do sống và thở trong môi trường thế nào thì khi ta nói cũng sẽ toát ra mùi đấy vậy.
Vì thế tôi rất ngạc nhiên khi đọc review cuốn “Người giàu nhất thành Babylon” trên các cộng đồng sách. Nó khiến tôi tò mò ngay từ tựa sách bởi ngoài kinh tế tôi còn khá thích chủ đề lịch sử, nhất là lịch sử phương tây thời cổ đại, trung cổ, phục hưng. Babylon vốn đã quá nổi tiếng trong thơ ca, âm nhạc, phim ảnh, văn học hay các tác phẩm nhạc kịch. Do đó tôi đã quyết định mua và đọc ngay cuốn sách khi nhận được. Một nhận xét khách quan nhất, tôi hoàn toàn hài lòng vì đã đưa ra lựa chọn đúng đắn đấy. Một câu chuyện kinh tế, mà cụ thể là quản lý tài chính được viết như một giai thoại mang hơi thở Nghìn lẻ một đêm bằng giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy hấp dẫn, hoàn toàn không khô cứng, mà đầy tính nhân văn, hiện thực đan xen.
Tại Việt Nam, cuốn Người giàu nhất thành Babylon có nhiều ấn bản do các nhà xuất bản phát hành
Chương VIII của cuốn sách đề cập đến câu chuyện của chàng Tarkad, con trai Azure khi gặp gỡ người buôn lạc đà Dabasir. Người thương nhân “cao gầy xương xẩu” đã xuất hiện trong các chương trước của cuốn sách, được mô tả là người trí tuệ, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý tiền bạc nhưng cũng rất thẳng thắn, rõ ràng, tính cách đặc trưng của nhiều nhà buôn thành công khác. Tarkad đã nhiều ngày nợ tiền của Dabasir, vốn là bạn của cha anh và nhiều người khác. Tuy nhiên Tarkad đã tiêu hết nhẵn số tiền vay được đó và đang phải lần mò đến Babylon để mong chờ gặp người quen biết có thể lại cho anh ta vài đồng bạc sống qua ngày. Tarkad hoàn toàn không nghĩ gì đến việc trả nợ, càng không nói đến tìm cách nào để trả nợ. Không may cho Tarkad, ngay khi đến Babylon anh ta đã chạm mặt Dabasir. Với tính cách thẳng thắn của mình, ngay lập tức người buôn lạc đà hỏi ngay vào vấn đề nợ nần của Tarkad. Và tuy rằng bị bậc hậu bối từ chối trả nợ, Dabasir vẫn lịch sự mời Tarkad vào quán ăn với mình để kể cho chàng một câu chuyện. Có một chi tiết rất thú vị, tuy mời Tarkad vào quán và hào phóng gọi rất nhiều đồ ăn ngon, nhưng Dabasir chỉ dành cho con nợ của mình một cốc nước mát và ngồi nhìn ông ăn trong khi kể. Ban đầu Tarkad khá là khó chịu, và âm thầm trách móc người lái buôn đáng kính vì nghĩ ông keo kiệt không nỡ mời chàng bữa cơm.
Câu chuyện của Dabasir không có gì khác ngoài chính cuộc đời của ông. Với danh tiếng, trí tuệ và của cải của người lái buôn, không ai trong số những người nghe lại tưởng tượng rằng Dabasir từng là một nô lệ ở Syria xa xôi. Cuộc sống của Dabasir trải qua muôn vàn biến cố, khó khăn, vất vả nhưng suy cho cùng lý do chính dẫn đến sự lưu lạc tha hương của ông là do không có kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, và thiếu ý chí phấn đấu để thay đổi hiện thực. Ban đầu ông cũng có nền tảng gia đình với kinh nghiệm làm yên ngựa của người cha, thậm chí ông còn cưới được vợ. Cuộc sống của ông tuy vậy vốn khá tẻ nhạt dựa trên vài đồng bạc kiếm được chỉ đủ nuôi vợ con. Xoáy sâu không kiểm soát chi tiêu bắt đầu khi ông phát hiện mình được chủ tiệm tin tưởng không cần thanh toán ngay các khoản mua sắm nguyên phụ liệu. Và thế là số tiền dư chưa phải trả đó ông nướng sạch vào thỏa mãn chi tiêu cá nhân và gia đình, tiêu nhiều hơn số ông kiếm được. Nợ nần đeo bám khiến gia đình ông tan vỡ, vợ phải bỏ về nhà mẹ đẻ, bỏ mặc ông lang thang chui lủi tha hương để tránh bị xiết nợ. Đã có lúc ông phải gia nhập băng đảng chuyên cướp bóc trên sa mạc.
Sau một phi vụ thất bại, ông bị bán làm nô lệ và bị đưa đến Syria, bị đối mặt với nguy cơ trở thành hoạn quan. Rất may cho Dabasir, ông được một phu nhân lựa chọn làm người dắt lạc đà và thoát khỏi nguy hiểm. Có thể nói bước ngoặt của cuộc đời Dabasir là khi phu nhân Sira thẳng thắn phân tích cho ông một sự thật rằng ông chỉ có thể thoát khỏi tình cảnh trả hết nợ nần nếu như chính bản thân ông coi mình không phải là nô lệ mà là một người tự do thật sự, chiến đấu bằng toàn bộ dũng khí và ý chí của bản thân để chống lại kẻ thù là nợ nần. May mắn cho ông, phu nhân Sira tin tưởng và trao cho ông cơ hội để thoát khỏi kiếp nô lệ, tự tìm lấy đường đi cho mình và trở về quê hương, đối diện với kẻ thù. Tuy con đường ông phải trải qua không dễ dàng, đói và khát liên tục bủa vây, ông gần như đã ngã gục giữa sa mạc với hai con lạc đà, nhưng những lời thâm thúy của Sira đã mang lại cho ông sức mạnh, không chấp nhận số phận, tiếp tục đứng lên tiến về phía trước. Ông đã thay đổi nhãn quan của mình nhìn thế giới, tìm thấy chí hướng của cuộc đời, có mục tiêu để theo đuổi và có kế hoạch cần được thực hiện. Ông khao khát trở về, đối diện với tất cả chủ nợ, sẵn sàng gánh mọi trách nhiệm từ quá khứ của bản thân. Khi Dabasir chuẩn bị đầy đủ tâm thế đón nhận thực tại, số phận lại ưu ái đưa đến bên ông những người bạn chân thành giúp đỡ và cho ông những lời khuyên. Ông tìm được công việc với kỹ năng của mình, học cách tiết kiệm và đầu tư hợp lý với những người có kinh nghiệm khác, để khối tài sản dần phát triển, trở nên giàu có và mạnh mẽ, là một người tự do thực sự cả về thể xác và tài chính.
Quay trở lại quán ăn với chàng thanh niên Tarkad, sau khi đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ về cuộc đời của người lái buôn, chàng trai đã ngộ ra chân lý của cuộc đời, lĩnh hội được con đường để thoát khỏi tình cảnh hiện tại và trở nên giàu có, và hơn hết trở thành người tự do, mang linh hồn của người tự do. Giống như câu trả lời của Dabasir đáng kính, để được ngẩng cao đầu và được tôn trọng, chỉ có thể dùng ý chí, bởi Ở ĐÂU CÓ Ý CHÍ, Ở ĐÓ CÓ CON ĐƯỜNG. Ý chí tìm kiếm cơ hội thay đổi số phận, ý chí kiên định bước về phía trước dù gặp chông gai, ý chí mạnh mẽ dám đối diện hiện thực, ý chí quyết tâm thực hiện kế hoạch thực hiện mục tiêu, kiên trì theo đuổi đến khi thành hiện thực.
Chi tiết sau cùng, từ đầu câu chuyện Dabasir để cho Tarkad đói mà nghe câu chuyện, đã được chính lão buôn trả lời rằng cái bụng rỗng là để chàng trai sáng suốt hơn, để cảm nhận rõ hoàn cảnh thực tại tồi tệ và từ đó quyết tâm đứng lên mà thay đổi mà chiến đấu, dành lấy sự tự tôn cho chính mình.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết
Bình luận của bạn