Trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Dhaka, Bangladesh - Ảnh: Reuters.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan mạnh ở nhiều nước
Hà Nội triển khai đợt cao điểm kiểm soát dịch sốt xuất huyết
WHO khuyến nghị vaccine ngừa sốt rét, sốt xuất huyết mới cho trẻ em
Dòng chảy Sức khoẻ+: Người thứ 4 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội
Theo Reuters, dữ liệu chính thức cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm nay, tính đến ngày 12/11, Bangladesh ghi nhận gần 292.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 1.500 ca tử vong. Số ca không qua khỏi do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay cao gấp 5 lần so với năm 2022 (281 ca) và là mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 2000.
Những ngày qua, các bệnh viện ở Bangladesh đã phải "vật lộn" để đối phó với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng ở quốc gia Nam Á đông dân này.
Kabirul Bashar, một nhà côn trùng học và là giáo sư động vật học tại Đại học Jahangirnagar cho biết, ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về muỗi nhưng chưa bao giờ chứng kiến một đợt bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng như vậy trong 25 năm nghiên cứu của mình. Đây cũng là năm đầu tiên các ca sốt xuất huyết được ghi nhận ở tất cả các địa phương trong cả nước với khoảng 170 triệu dân.
Theo ông Kabirul Bashar, nhiệt độ, lượng mưa và nhiều yếu tố khác đang thay đổi hình thái thời tiết do biến đổi khí hậu, tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia này nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát nguy cơ gây sốt xuất huyết tại cộng đồng hằng năm.
Theo các chuyên gia y tế, hầu hết những người mắc bệnh sốt xuất huyết đều không có triệu chứng nên số ca mắc bệnh có thể còn cao hơn nhiều so với con số được báo cáo.
Bác sĩ Janesar Rahat Faysal chia sẻ: “Năm nay chúng tôi đã thấy các triệu chứng khác nhau của bệnh sốt xuất huyết. Một số bệnh nhân chỉ có triệu chứng ho đã được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết. Điều này thật đáng báo động.", theo Reuters.
Các bệnh viện ở Bangladesh đã "quá tải" bệnh nhân trong khi phải đối mặt với tình trạng thiếu dịch truyền tĩnh mạch, vốn rất quan trọng để điều trị những ca bệnh sốt xuyết huyết nặng.
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát ở các nước Nam Á vào mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, thời điểm muỗi Aedes aegypti phát triển mạnh. Bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, đau đầu, nôn, đau cơ và trong trường hợp nguy hiểm nhất gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus lây truyền qua muỗi như sốt chikungunya, sốt vàng da và Zika đang lây lan nhanh và nhiều hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.
Bình luận của bạn