Hiền (19 tuổi, Hải Dương) cao 1m6, cân nặng tăng từ 56kg lên tới 74kg chỉ sau một năm. Trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, cô thường xuyên sử dụng các món ăn nhanh và đồ ngọt để nạp năng lượng cho kịp thời khóa biểu dày đặc. Chỉ số BMI của Hiền ở mức 28,9, tức là béo phì độ I theo Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế. Để chuẩn bị cho năm đầu tại Đại học, cô cố gắng nhịn ăn, chỉ ăn 1 bữa chính mỗi ngày, cai tinh bột nhưng giảm cân không thành.
Đây không phải vấn đề của riêng Hiền. Tại một phòng tập thể hình trên địa bàn Hà Nội, nhiều người tập luyện ở đây là những người đã có gia đình, công việc bận rộn, không có thời gian quan tâm đến cân nặng. Bữa trưa ở chỗ làm được họ giải quyết qua loa, tối về nhà sẽ bù đắp bằng các món ngon với gia đình. Cân nặng cứ thế tăng dần, đặc biệt là tích nhiều mỡ ở vòng eo.
Nhìn vào một người có thân hình quá khổ, suy nghĩ đầu tiên thường là do “cái miệng hại cái thân” hoặc lười vận động. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của vấn đề. Theo chia sẻ của GS Ian Caterson - Tổ chức Học Mãi (tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Đại học Sydney, Australia) trong hội thảo tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các nguyên nhân dẫn tới béo phì vô cùng phức tạp, nhưng có thể chia vào 4 nhóm chính là: Yếu tố tâm lý, hoạt động thể chất, sự thèm ăn và chế độ ăn uống.
Chuyên gia này ghi nhận, từ những năm 90 của thế kỷ trước tới nay, tài nguyên dư giả hơn, các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh ngày càng phổ biến, khẩu phần ăn cũng lớn hơn. Xu hướng trẻ em đi bộ hoặc đạp xe đi học ngày càng ít. Thời gian vui chơi, vận động cũng nhường chỗ dần cho thời gian sử dụng các thiết bị màn hình nhỏ như điện thoại, máy tính bảng. Trong khi đó, người lớn cũng dùng thang máy nhiều hơn thang bộ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng béo phì ở người trưởng thành trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990, riêng ở thanh thiếu niên đã tăng gấp 4 lần. Năm 2022, thế giới có 1 tỷ người béo phì, tức cứ 8 người thì có 1 người sống chung với bệnh lý này. Trước đó, Liên đoàn Béo phì Thế giới ước tính phải tới năm 2030 mới đạt được con số này.
Theo GS Caterson, đằng sau một người béo phì không chỉ là câu chuyện sinh học về chế độ ăn và tập luyện, mà còn có nhiều yếu tố xã hội từ toàn cầu hóa, đặc điểm cộng đồng dân cư, nơi làm việc, học tập và sinh sống.
Cùng quan điểm, ông Stephen Conchie - Chủ tịch Herbalife Nutrition khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc nhận định, béo phì không chỉ đơn giản là một vấn đề của các cá nhân, và không thể dễ dàng giải quyết bằng khẩu hiệu đơn giản là "giảm ăn, tăng vận động".
Ở Việt Nam, lối sống của người dân thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn uống có nhiều muối, mì ăn liền và nước ngọt. Trong cơ cấu bữa ăn cơm - rau - cá truyền thống, phần rau và thủy hải sản đã giảm so với trước đây.
Tỷ lệ người béo phì trong tổng dân số vẫn thấp hơn so với Malaysia và Thái Lan, nhưng lại gia tăng nhanh từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014. Tốc độ tăng trưởng này tương đương với 38%, so với mức 10-20% của các nước trong khu vực.
Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 là văn bản đầu tiên Bộ Y tế ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì. Theo GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, trong thực tế điều trị, bệnh béo phì chưa được quan tâm đúng mức. Không ít người béo phì tìm tới các phương pháp tốn kém lại không hiệu quả như dùng “thuốc giảm cân”, sản phẩm chứa chất cấm như sibutramine trôi nổi trên mạng.
Không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình và chất lượng cuộc sống, béo phì còn là yếu tố nguy cơ của hơn 200 bệnh lý như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và nhiều bệnh ung thư. Do đó, dự phòng béo phì từ sớm cũng là cách phòng ngừa và giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh mạn tính không lây nhiễm đang có nguy cơ gia tăng. Để làm được điều này, ngoài ý chí của người bệnh thừa cân, béo phì, còn cần chính sách hỗ trợ từ quốc gia và các giải pháp về kinh tế - xã hội.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, GS Caterson cho biết, kinh nghiệm tại Australia và Vương quốc Anh, tiếp cận đa chiến lược là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho các chiến dịch dự phòng và can thiệp béo phì. Ví dụ, thực phẩm và đồ uống có đường cần được áp thuế, các chuỗi cửa hàng thực phẩm được yêu cầu thay đổi công thức đồ uống sao cho giảm đường và chất béo. Về quy hoạch đô thị, cần xây dựng thành phố thân thiện với người đi bộ hoặc người đi xe đạp.
Béo phì không chỉ là vấn đề hình thể và cân nặng, mà còn là bệnh lý mạn tính có nguy cơ tái phát. Vì thế, người bệnh cần được tiếp cận với các can thiệp y khoa như dùng thuốc giảm cân hoặc phẫu thuật (trong đó phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng chiếm tỷ lệ cao nhất). Việc dùng thuốc điều trị béo phì phải rất thận trọng và phải được bác sĩ chỉ định, theo dõi sát sao. Ngoài ra, béo phì là bệnh lý cần điều trị phối hợp đa chuyên khoa từ nội tiết, dinh dưỡng, điều dưỡng, chuyên gia hướng dẫn vận động thể lực và cả tâm lý.
Trước đây, béo phì không được công nhận là bệnh lý, bị từ chối chi trả bảo hiểm. Hiện tại, WHO, Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) cũng như Bộ Y tế nước ta đã công nhận đây là một bệnh mạn tính, phức tạp, đa yếu tố, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây cũng là một trong 5 mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025.
Người thừa cân, béo phì có nhu cầu giảm cân, cải thiện vóc dáng nên tới các bệnh viện uy tín, nơi có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giúp kiểm soát các bệnh đồng mắc, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Bình luận của bạn