Liệu một chú mèo có thể mắc bệnh đái tháo đường?

Đái tháo đường ở mèo nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí dẫn tới tử vong

Phải làm gì khi mèo cưng bị viêm tai?

Đồng tử của mèo biến đổi nói lên điều gì?

Liệu mèo và chim có thể sống chung?

Dấu hiệu nhận biết ung thư ở mèo cưng

Nguyên nhân nào gây ra bệnh đái tháo đường ở mèo?

Theo GSTS, BS. Leah Cohn thuộc Đại học Missouri (Columbia), bệnh đái tháo đường ở mèo xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao do các vấn đề liên quan đến việc sản xuất hoặc phản ứng của cơ thể với hormone insulin. Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các tế bào hấp thụ glucose và chuyển hóa thành năng lượng, từ đó điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, glucose trong máu không thể được sử dụng để tạo năng lượng, buộc cơ thể phải tìm đến các nguồn năng lượng khác như chất béo và protein để tồn tại.

Tương tự như con người, mèo cũng có 2 loại bệnh đái tháo đường:

- Đái tháo đường type I (Cơ thể mèo không sản xuất insulin): Theo GSTS. Cohn, nguyên nhân thường là do hệ thống miễn dịch của mèo đã tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

- Đái tháo đường type II (Mèo vẫn có thể sản xuất insulin, nhưng không đủ hoặc cơ thể không đáp ứng insulin): Điều này có nghĩa là mèo không thể sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, hoặc cơ thể cần nhiều insulin hơn bình thường do tình trạng kháng insulin.

Những chú mèo nào có nguy cơ mắc bệnh cao nhất?

Những yếu tố gây bệnh đái tháo đường ở mèo bao gồm:

- Tuổi tác: Bệnh đái tháo đường thường gặp ở mèo 5 năm tuổi trở lên.

- Béo phì: Mèo bị béo phì thường có nhu cầu insulin cao hơn do kháng insulin và có nguy cơ mắc đái tháo đường type II. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải mọi chú mèo mắc bệnh đái tháo đường type II đều thừa cân.

- Liệu pháp steroid: Nếu mèo cưng đang điều trị bằng steroid toàn thân trong thời gian dài thì nhiều khả năng, chúng sẽ mắc đái tháo đường. Đây là những loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp nhưng lại có thể gây ra tình trạng kháng insulin.

- Các rối loạn khác: Theo Hiệp hội Bác sĩ thú y mèo (Mỹ), những chú mèo được chẩn đoán mắc bệnh tuyến tuỵ, cường giáp, bệnh thận, u tân sinh, bệnh to đầu và cường vỏ thường thận đều sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường cao.

Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường ở mèo

Giảm cân

Theo các chuyên gia, mèo cưng vẫn có thể bị giảm cân dù ăn uống đầy đủ. Lý do là vì khi cơ thể mèo không có đủ insulin, nó sẽ buộc phải phân hủy các nguồn năng lượng khác như chất béo để duy trì hoạt động. Do đó, mèo có thể bị béo phì khi mắc bệnh đái tháo đường, nhưng cuối cùng cân nặng sẽ giảm dần.

Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều

Theo GSTS. Cohn, một dấu hiệu nữa để nhận biết bệnh đái tháo đường ở mèo nằm ở khu vực hộp cát vệ sinh. Nếu tần suất thay cát nhiều hơn, đồng thời nặng và ướt hơn bình thường thì rất có thể mèo nhà bạn đã mắc bệnh. Lượng đường dư thừa trong máu sẽ dẫn tới lượng đường dư thừa trong nước tiểu bởi đường “kéo” nước vào nước tiểu, hay còn gọi là lợi tiểu khiến mèo phải uống nhiều nước hơn để bù lại.

Đi lại bằng gót chân

Khi mắc đái tháo đường, mèo thường bắt đầu đi bằng gót chân hoặc chân sau do biến chứng của bệnh ảnh hưởng tới thần kinh.

Đôi khi mèo cũng có thể bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường, nhưng điều này thường chỉ xảy ra ở những con mèo bị đái tháo đường trong một thời gian dài mà không được phát hiện. GSTS. Cohn cho biết: "Đây có lẽ là trường hợp xấu nhất, những con mèo bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường ốm rất nặng (ví dụ như nôn mửa, lờ đờ, có thể gục ngã bất cứ lúc nào) và có thể tử vong".

Nên đo và lưu lại các chỉ số đường huyết của mèo thường xuyên để theo dõi tiến trình điều trị

Nên đo và lưu lại các chỉ số đường huyết của mèo thường xuyên để theo dõi tiến trình điều trị

Các phương pháp điều trị

Chế độ ăn uống

Nếu mèo cưng của bạn đang thừa cân, cần giảm cân để đạt được cân nặng lý tưởng. Bác sĩ thú y sẽ giúp bạn xác định cân nặng phù hợp với mèo và lên kế hoạch giảm cân an toàn, hiệu quả. Một chế độ ăn uống ít carbohydrate, giàu protein sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mèo bị đái tháo đường.

Liệu pháp insulin

Hầu hết mèo bị đái tháo đường sẽ cần tiêm insulin 2 lần mỗi ngày. Nếu bạn cho mèo ăn cùng lúc tiêm insulin, rất có thể mèo sẽ không để ý đến việc tiêm thuốc. Kim tiêm insulin cũng rất nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với loại kim tiêm vaccine thông thường. "Mèo thậm chí có thể không nhận ra rằng chúng đang được tiêm", GSTS. Cohn cho biết.

Một số lưu ý khác

Bác sĩ thú y cũng sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý và bảo quản insulin đúng cách, theo dõi lượng đường trong máu của mèo và nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết (có thể xảy ra nếu mèo của bạn dùng quá nhiều insulin).

Để theo dõi quá trình điều trị của mèo một cách tốt nhất, bạn nên ghi lại nhật ký điều trị hàng ngày cho mèo. Nhật ký này bao gồm liều insulin và thời gian tiêm, cũng như ghi chú về lượng thức ăn và nước uống, lượng nước tiểu và bất kỳ thay đổi nào bạn nhận thấy ở mèo. Những thông tin này sẽ giúp bạn và bác sĩ thú y dễ dàng điều chỉnh kế hoạch điều trị theo nhu cầu của mèo.

Nếu quá trình điều trị diễn ra tốt đẹp, những chú mèo mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường. Thậm chí, triệu chứng của mèo mắc đái tháo đường loại II còn có thể thuyên giảm trong một khoảng thời gian, kéo dài từ 1 đến 2 năm hoặc suốt quãng đời còn lại của chúng.

 
Hà Chi (Theo Daily Paws)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn cùng nhà