Trẻ biếng ăn gây áp lực cho cha mẹ phải tìm đủ cách để ép con nhưng vẫn không hiệu quả, thậm chí càng làm các bé sợ. Hiện nay, tỉ lệ trẻ biếng ăn khá cao theo các thống kê. Khoảng 50% trẻ em 19-24 tháng tuổi ở Mỹ mắc hiện tượng này, ở Tây Ban Nha là 44% trẻ 1-10 tuổi, Philippines 67% và Trung Quốc 40% trẻ 1-6 tuổi. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì tỉ lệ trẻ biếng ăn cũng khá cao.
Biếng ăn do đâu?
Theo bác sĩ (BS) Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, biếng ăn là tình trạng trẻ không dùng đủ số lượng phải ăn, không ăn những thực phẩm mà ở độ tuổi đó phải dùng. Trẻ biếng ăn không đáp ứng các chỉ số tăng trưởng dẫn đến thể trạng còi cọc, thấp bé so với trẻ đồng trang lứa, không tăng cân, dễ mắc các bệnh mạn tính do thiếu khả năng miễn dịch, hay bị cảm lạnh...
Biếng ăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ của trẻ. Việc thiếu cân bằng dưỡng chất trong cơ thể khiến trẻ hay mệt mỏi, cơ thể không đủ lực cho trí óc tập trung và tư duy, vì vậy thường lơ là chuyện học tập. Ngoài ra, biếng ăn còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý và tính cách của trẻ, như: Không thích vận động do mệt mỏi, thường ủ rũ, không thiết chơi đùa cùng bạn bè..., từ đó sẽ hình thành sự chậm chạp và tính cách lập dị.
Theo ThS-BS Hoàng Thị Tín - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM - có con biếng ăn là nỗi khổ với nhiều bậc phụ huynh. Để dỗ cho trẻ ăn, nhiều gia đình phải "huy động" cả ông bà, cha mẹ bày trò, thậm chí hò hét, cổ động rất vất vả nhưng vẫn không hiệu quả. BS Tín cho rằng để khắc phục tình trạng này, cần phải hiểu nguyên nhân, những đặc điểm tâm lý và sở thích của trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ: Ăn khi bệnh (tiêu chảy, viêm họng, viêm phế quản...); cha mẹ sai lầm trong cách cho ăn; nêm nếm quá mặn, quá ngọt hay xay nhuyễn hoặc trộn lẫn nhiều mùi vị lạ không hợp khẩu vị...
Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách ăn uống của trẻ. Có thể trẻ đang bị stress, buồn chán, cô đơn, nhõng nhẽo hay muốn cha mẹ quan tâm đến mình theo cách khác... nên biếng ăn. Cũng có khi do cha mẹ ép ăn quá mức, trẻ không đáp ứng được nên bị cho là biếng ăn.
Tập cho trẻ ăn đúng cách
Theo BS Diệp, để việc ăn uống trở nên dễ dàng, trước hết phải tập cho trẻ ăn dặm đúng cách, ăn từ ít đến nhiều, từ loãng sang đặc. Trẻ thường có tâm lý sợ dùng những thức ăn mới. Khi thấy món mới, trẻ thường khóc và không chịu ăn. Vì thế, không nên ép mà phải kiên trì tập cho trẻ ăn từ 7 đến 10 lần. Có thể chế biến thành các món trẻ thích, tạo hình dáng phong phú, bắt mắt…
BS Tín khuyên nếu trẻ biếng ăn quá mức thì cần đưa đến gặp BS để được chẩn đoán nguyên nhân. Nếu trẻ bị bệnh thì cần chữa trị. Trẻ biếng ăn do bị bệnh có thể ăn theo nhu cầu bệnh lý, dùng thức ăn năng lượng cao như sữa, thêm dầu vào thức ăn hay ăn bù sau khi hết bệnh. Cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn, chú ý đến các biểu hiện tâm lý, tìm nguyên nhân stress của trẻ. Một số trẻ chỉ ăn thực phẩm nước, như vậy dễ dẫn đến thiếu sắt, kẽm, lysin, vitamin... Cha mẹ nên tìm hiểu sở thích của con để chế biến món ăn phù hợp, kết hợp giữa món trẻ thích và món không thích để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Một bữa ăn ngon phải có sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Ăn ngon, chỗ ngồi "ngon" và món ngon. Nên cho trẻ ăn cùng gia đình để trẻ bắt chước ăn theo. Chỗ ngồi ăn cần sạch sẽ, thoáng mát. Thức ăn nên đa dạng màu sắc, hình khối và cách trình bày tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Cha mẹ cũng nên khen ngợi khi trẻ ăn một món nào đó không thích; quan tâm gần gũi nhưng đúng mức, không nên quá chiều theo ý thích của trẻ. "Nên chấp nhận cho trẻ tự chọn món ăn và cùng vào bếp, chấp nhận các ý thích "trái khoáy" của trẻ. Kích thích trẻ ăn bằng cách làm mẫu ăn cùng gia đình; âu yếm, động viên, khen ngợi mỗi khi trẻ ăn tiến bộ hơn. Để trẻ ăn tốt, nên tạo cảm giác đói trước bữa ăn; giảm số bữa và các món ăn vặt, nước trái cây, bánh kẹo... Bữa ăn chỉ cần 20-30 phút vì nếu kéo dài, thức ăn để quá lâu sẽ mất chất" - BS Tín khuyến cáo.
Theo các BS dinh dưỡng, nếu thấy trẻ biếng ăn có nguy cơ suy dinh dưỡng, cha mẹ cần tăng năng lượng khẩu phần ăn như tăng dầu, mỡ. Nấu đặc, ít nước kết hợp với men tiêu hóa, tăng bữa ăn, thêm bữa phụ (thức ăn đậm đặc, sữa năng lượng cao)…
Không nên ép trẻ ăn Theo ThS-BS Hoàng Thị Tín, trẻ em cũng như người lớn chỉ ăn khi đói. Vì thế, cha mẹ không nên ép ăn khi trẻ chưa đói. Không ép những gì trẻ không thích mà phải tập cho trẻ ăn từ từ. Không giấu những thứ trẻ không thích vào thức ăn vì như thế càng làm các cháu sợ ăn. Không nên ép trẻ ăn đến muỗng cuối cùng để tạo cho các cháu có một tâm lý thoải mái khi ăn. Như thế, bữa ăn của trẻ sẽ thú vị hơn, các bé sẽ không sợ ăn nữa. |
Bình luận của bạn