Các vấn đề về da mà người bệnh đái tháo đường thường gặp

Người bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết có thể xuất hiện các biến chứng về da liễu.

Làm sao phòng ngừa biến chứng tim mạch do bệnh đái tháo đường?

Người bị tiền đái tháo đường đã cần dùng thuốc chưa?

Mới mắc đái tháo đường, đường huyết cao 400mg/dL phải làm sao?

Làm sao phòng ngừa nhồi máu cơ tim cho người bệnh đái tháo đường?

1. Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Các bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn thường gặp ở người bệnh đái tháo đường bao gồm: viêm bờ mi (lẹo mắt), viêm nang lông (nhọt), nhiễm trùng quanh móng (chín mé) và viêm mô tế bào (nhiễm trùng sâu ở da và các mô dưới da). Các dấu hiệu thường thấy ở vùng da bị nhiễm trùng là nóng, đỏ, đau và sưng. Các vấn đề này thường được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh dạng kem bôi hoặc thuốc uống.

2. Nấm

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhiễm nấm, đặc biệt là nấm Candida albicans. Loài nấm men này sẽ gây ra các tổn thương da đặc trưng bởi phát ban đỏ, gây ngứa, thường có viền là các mụn nước nhỏ và vảy, ở các khu vực ấm và ẩm của cơ thể như nách hoặc kẽ ngón chân.

Bệnh hắc lào cũng là một trong những biến chứng của đái tháo đường

Bệnh hắc lào cũng là một trong những biến chứng của đái tháo đường

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng có thể mắc các loại nấm khác như hắc lào, nấm bẹn, nấm bàn chân và nấm âm đạo ở phụ nữ.

3. Ngứa da

Ngứa da ở người bệnh đái tháo đường thường có nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng nấm men, khô da hoặc suy giảm tuần hoàn máu. Đặc biệt khi tuần hoàn máu kém là nguyên nhân gây ngứa, vùng cẳng chân thường là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Để làm gỉam tình trạng này, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp như giảm tần suất tắm và ưu tiên sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ. Bên cạnh đó, thoa kem dưỡng ẩm cũng có thể giúp duy trì độ ẩm cho da khô, tuy nhiên, cần tránh thoa kem vào các kẽ ngón chân.

4. Bệnh bạch biến khiến da mất màu

Bệnh bạch biến gây đổi màu da không đều

Bệnh bạch biến gây đổi màu da không đều

Bệnh bạch biến thường xảy ra ở những người bệnh mắc đái tháo đường type 1 và có liên quan đến phản ứng tự miễn dịch của cơ thể gây ảnh hưởng tới sắc tố melanin (sắc tố quyết định màu sắc của da). Hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để, nhưng liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng để kiểm soát bệnh. Bệnh nhân bạch biến cũng cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để bảo vệ vùng da mất sắc tố khỏi tác hại của tia UV.

5. Các vấn đề về da liên quan đến bệnh thần kinh ngoại biên

Biến chứng thần kinh ngoại biên ở người bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, bắt buộc phải cắt cụt chi. Đến nay, không có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn biến chứng này. Các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm đau, làm chậm diễn tiến và phục hồi biến chứng.

6. Xuất hiện các bọng nước phồng rộp

Mụn nước ở người bệnh đái tháo đường còn được gọi là Bullosis diabeticorum. Đây là tình trạng hiếm gặp, được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các bọng nước không đau ở mu bàn tay, bàn chân, cẳng tay và có hình dạng tương tự như vết bỏng. Các bọng nước có khả năng tự lành sau vài tuần và kiểm soát đường huyết chặt chẽ là biện pháp điều trị chính cho tình trạng này.

7. Bệnh u vàng phát ban

Đái tháo đường không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng triglyceride máu nghiêm trọng và gây ra u vàng phát ban. Đây là các khối u da nhỏ, cứng, màu vàng, có thể có quầng đỏ và gây ngứa. Chúng thường xuất hiện ở mu bàn tay, chân, cánh tay và mông. Tình trạng da này thường gặp ở nam giới trẻ tuổi có nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu rất cao.

8. Xơ cứng ngón tay

Khoảng 1/3 bệnh nhân đái thào đường type 1 có biểu hiện xơ cứng ngón tay, đặc trưng bởi tình trạng da mu bàn tay dày lên, căng và có bề mặt bóng như sáp. Các khớp ngón tay bị hạn chế vận động và trở nên cứng. Tình trạng tương tự có thể xuất hiện ở ngón chân và trán. Hiếm gặp hơn, các khớp gối, cổ chân hoặc khuỷu tay cũng có thể bị ảnh hưởng.

9. U hạt vòng

Dấu hiệu của u hạt vòng.

Dấu hiệu của u hạt vòng.

Đây là một vấn đề da liễu đặc trưng bởi các sẩn, nốt sần hoặc mảng hình vòng có màu da, hồng ban hoặc nâu đỏ. U hạt vòng thường xuất hiện ở ngón tay và dái tai. Một số trường hợp có thể gây ngứa nhẹ. Bệnh thường tự khỏi mà không cần can thiệp y tế và không để lại sẹo.

10. Bệnh gai đen

Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans) là một bệnh da liễu đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mảng da sẫm màu, dày lên và có bề mặt mịn như nhung, thường phát triển ở các nếp gấp của cơ thể. Tình trạng này phổ biến ở người thừa cân và liên quan mật thiết đến tình trạng kháng insulin trên người bệnh đái tháo đường type 2. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, việc giảm cân có thể cải thiện đáng kể biểu hiện trên da. Ngoài ra, bệnh gai đen có thể còn là dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường, do đó, người có các triệu chứng này nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và quản lý kịp thời.

 
Hà Chi (Theo Everyday Heath)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu