- Chuyên đề:
- Tai biến mạch máu não
Sơ cứu người bị đột quỵ đúng cách giúp giảm nguy cơ tử vong và di chứng sau đột quỵ
Việc cần làm giúp giảm nguy cơ đột quỵ khi gió mùa về
Vai trò của việc điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ
Đồ uống có gas liên quan đến nguy cơ đột quỵ
Người có những yếu tố nào thì dễ đột quỵ?
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xử trí ban đầu đột quỵ cấp tại cộng đồng, những điều nên làm và không nên làm”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi chương trình hội thảo kết hợp đào tạo trực tuyến “Cấp cứu ngoại viện” giúp người tham gia cập nhật thêm kiến thức trong xử trí các tình huống cấp cứu thường gặp.
Báo cáo tại Hội thảo, ThS.BS Ngô Đức Hùng – Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh vai trò của việc xử trí đột quỵ não đúng cách, kịp thời ngay tại tuyến cơ sở và trong cộng đồng. Sự gián đoạn đột ngột dòng máu tới não khiến các tế bào não bắt đầu chết nhanh chóng, cứ 1 phút trôi qua có tới 1,9 triệu neuron mất đi. Bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán và cấp cứu càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao.
Tuy nhiên, khó tránh khỏi có nhiều khoảng trống thời gian trong quá trình tiếp cận từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi nhập viện. Vì thế, sự hỗ trợ của hệ thống y tế cơ sở, cùng chính người thân trong gia đình và cộng đồng cũng đóng góp một phần quan trọng giúp nhân viên y tế điều trị hiệu quả.
BS. Hùng chỉ ra một số sai lầm tai hại thường gặp trong quá trình sơ cấp cứu đột quỵ não tại cộng đồng như: Cho người bệnh ăn uống, uống thuốc; Chọc kim 10 đầu ngón tay; Xoa dầu cao, đắp thuốc.
Đột quỵ não có biểu hiện rất đa dạng, trong đó có 3 nhóm dấu hiệu chính là mất định hướng, mất khả năng nói và mất khả năng vận động. Người bệnh còn có thể bị rối loạn nuốt, nếu chưa xem xét mà cho ăn uống vào lúc này có thể gây sặc và viêm phổi. BS. Hùng cảnh báo, việc dùng thuốc không đúng chỉ định, kể cả những loại thuốc tưởng chừng là tốt như thuốc hạ huyết áp cũng có thể khiến tình trạng bệnh nhân xấu đi.
Những kinh nghiệm dân gian như chọc kim (chích lể đầu ngón tay), xoa dầu, đắp thuốc… không thể giải quyết nguyên nhân gây đột quỵ là cục máu đông và các tổn thương về cơ học. Người bị đột quỵ thể nhẹ với biểu hiện liệt mặt, méo miệng cũng tuyệt đối không tự mình đi đến bệnh viện để tránh gặp thêm các tai biến không đáng có.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng cảnh báo khi phát hiện người bị đột quỵ không được coi là giả vờ, không được xem là bệnh nhẹ và tự khỏi. Việc tái thông mạch máu hay can thiệp xuất huyết não chỉ có thể thực hiện ở bệnh viện lớn, có đơn vị đột quỵ. Tuyệt đối không cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc; Kể cả thuốc bổ, thuốc có nhãn hiệu nhưng không được bác sĩ khuyên dùng.
PGS.TS Hải nhấn mạnh, việc tốt nhất có thể làm khi phát hiện người bệnh đột quỵ là gọi cấp cứu 115 hoặc liên hệ cơ sở y tế, đồng thời chuẩn bị các phương án an toàn để đưa nạn nhân đến bệnh viện. Trong thời gian chờ cấp cứu, đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu và tay chân vắt sang một bên để bảo vệ đường thở, tránh sặc chất tiết hoặc chất nôn của chính người bệnh vào phổi.
BS. Hùng bổ sung, gia đình hay người phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần thông báo cho nhân viên cấp cứu các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ càng sớm càng tốt. Mọi người không nên vây quanh hỏi thăm bệnh nhân vào lúc này, mà nên để người bệnh nằm nghỉ, kê cao đầu một góc 30 độ và tránh vận động mạnh.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Dù vậy, tỷ lệ người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp. Do đó, những hiểu biết về sơ cứu ban đầu giúp người dân phản ứng nhanh, đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng 4,5-6 giờ đầu.
Bình luận của bạn