Hơn 60 quốc gia trên thế giới đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi
Pfizer cam kết sớm chuyển vaccine COVID-19 tiêm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho Việt Nam
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả
Johnson & Johnson tạm dừng sản xuất vaccine COVID-19
Chính phủ thông qua việc mua vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Tọa đàm “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, với sự tham gia của TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các bác sỹ, chuyên gia y tế gồm: PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Nguy cơ và hậu quả nặng nề với bệnh nhi COVID-19
Có thể nói, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.
Dẫn chứng từ TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho hay: “Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết.”
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin thêm, sau khi nhiễm COVID-19, 4 đến 6 tuần, trẻ có thể bị tổn thương đa cơ quan, đe dọa tử vong. Cho đến nay Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận 60 trường hợp nặng, may mắn được điều trị tích cực nên không có trường hợp nào tử vong.
Tại miền Bắc, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có tiếp nhận 200 em bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị COVID-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi, và đặc biệt là những hậu quả của hậu COVID-19 ở trẻ em.”
Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế. Nhóm yếu thế ở đây đang là nhóm trẻ em. PGS.TS Dương Thị Hồng chia sẻ, theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Thấu hiểu sự lo lắng của phụ huynh
Trước sự e ngại của nhiều phụ huynh về tiêm vaccine cho con, các chuyên gia đã đưa ra nhiều bằng chứng khoa học xác thực.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: “Tới đây tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine chúng ta đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng.”
Vaccine của Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ di truyền mRNA. Không ít phụ huynh lo ngại các phản ứng lâu dài sau tiêm vaccine cho trẻ như về sinh sản, di truyền. Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Minh Điển giải thích: “Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin KHÔNG XÂM NHẬP vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm cho trẻ lớn hơn và người lớn.”
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.
Lợi ích lớn hơn rủi ro
Nói tới lợi ích của vaccine, PGS.TS Dương Thị Hồng nhắc lại bài học về những hậu quả thương tâm khi trẻ không được tiếp cận tiêm chủng, cụ thể là vaccine sởi vài năm trước.
Bà nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng tôi rất mong muốn rằng các bậc cha mẹ hãy tin tưởng, tới đây công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai một cách an toàn, từ kinh nghiệm của các đợt tiêm chủng trước đây và đặc biệt là đối với đợt triển khai cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Chúng ta sẽ có một chiến dịch thành công, công tác tiêm chủng an toàn.”
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại.” Ông khẳng định, nguy cơ sẽ giảm thiểu hết mức nếu chúng ta tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Minh Điển khẳng định: “Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế. Do vậy tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là điều mà với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ như vậy.”
Bình luận của bạn