Những sai lầm dẫn đến béo phì


Ảnh minh họa

Không kể những rối loạn về nội tiết gây ra chứng béo phì, đa số các trường hợp thừa cân là do chế độ ăn uống và vận động thể lực không hợp lý. Khi sự cung cấp năng lượng vượt hơn mức tiêu hao (là năng lượng cần thiết cho cơ thể sống, vận động và phát triển) thì lượng calori dư đó sẽ được chuyển thành mỡ, tích trữ lại trong cơ thể, và chuyện bắt đầu xảy ra khi sai lầm này tiếp theo sai lầm khác...

Để muộn: Mỗi ngày chỉ cần dư ra 50kcal (tức khoảng 1 trái chuối hay 1/4 chén cơm) liên tục trong vòng một, hai tuần thì bạn sẽ lên được 0,5kg! Béo phì là một quá trình tích lũy mỡ dần dần, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm chứ không thể một sớm một chiều là béo ngay.

Do đó bạn phải quan tâm ngay khi tăng 1-2kg không cần thiết đều đều mỗi tháng trong ba tháng liên tiếp. Quan tâm và phải can thiệp ngay lúc này, để nếu không thể trở lại thân trọng lý tưởng như cũ thì ít nhất cũng không bị tăng cân thêm.

Khi vừa mới dư mỡ trong một thời gian ngắn thì việc làm tan lớp mỡ này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với lớp mỡ đã tạo lâu ngày, khi các tế bào mỡ đã bị xơ hóa thì không thể nào làm giảm bề dày lớp mỡ được.

Buông xuôi: Không có ý chí chiến thắng bản thân, không chống lại nỗi cám dỗ của thức ăn hoặc ngại khó, lười biếng trong vận động là nguyên nhân chính gây ra béo phì.

Ngay khi nhận thức được điều đó, hãy hành động lập tức để dừng tốc độ tích mỡ lại. Chỉ cần đứng cân đã là thành công đầu tiên. Bạn đừng nản chí, vì đối với sức khỏe, không lúc nào là quá muộn.

Giảm ăn và tập luyện không đúng cách: Nhịn đói không phải là cách giảm lượng ăn vào hiệu quả. Khi bị đói quá cơ thể sẽ kích thích làm bạn ăn nhiều hơn số lượng đã nhịn.

Nhiều người thường có thói quen nhịn ăn buổi sáng, buổi trưa ăn qua loa để tối về đói quá đành làm một bữa thịnh soạn (vì nghĩ là sáng giờ nhịn rồi tối ăn bù thì có sao) và hậu quả là tăng cân chứ không thể giảm.

Vì vậy, hãy cứ ăn lai rai suốt ngày, đừng để đói quá, nhưng phải chọn món nào ăn no mà không nhiều năng lượng, như trái cây ít ngọt, sữa tươi không đường, không béo, canh rau, dĩa rau luộc, khoai củ, củ sắn... và tốt nhất là ăn tối trước 19 giờ.

Việc tập thể dục tuần ba buổi thường chỉ làm cho bạn thấy khỏe hơn, đói hơn và ăn ngon hơn chứ khó mà giảm cân. Phải tập mỗi ngày, tập toát mồ hôi kéo dài trên 30 phút mới tiêu thụ được một ít năng lượng.


Nôn nóng giảm cân nhanh: Các bệnh nhân đến phòng khám béo phì đều mong muốn được giảm cân ngay trong thời gian ngắn. Điều đó không khoa học vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làn da.

Sụt cân nhiều và nhanh làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên dễ bị cảm cúm, mệt mỏi, uể oải, không thể duy trì cách làm việc, học hành bình thường. Làn da vốn dĩ bị căng giãn quá mức đột ngột không còn lớp mỡ lót sẽ chùng lại, nhăn nheo, thay vì khả năng da có thể co lại từ từ cùng với lượng mỡ giảm dần.

Các phương pháp giảm cân sai lầm: Tắm ốm, xông hơi, quấn nóng... sẽ giúp bạn sụt cân rất mau, có thể làm mất vài kg chỉ trong vòng 20-60 phút, nhưng đó là mất nước chứ lớp mỡ chẳng giảm đi được và cân nặng sẽ được lấy lại ngay. Massage bụng giúp làm mềm lớp mỡ dưới da chứ chẳng tan mỡ đi đâu được.

Vì vậy, chỉ có kiên trì tập luyện và tuân thủ chế độ ăn kiêng trong một thời gian dài thì mới là cách giảm cân hiệu quả và an toàn. Lượng mỡ tích lũy càng dày thì thời gian "diệt" càng lâu, và chỉ nên giảm tối đa 0,5-1kg mỗi tuần.

Ăn kiêng giảm cân hợp lý

Trong điều trị thừa cân, béo phì, ăn kiêng là biện pháp bắt buộc. Mặc dù phương pháp ăn kiêng nào cũng dựa vào nguyên lý cơ bản là giảm tổng năng lượng đưa vào cơ thể, tuy nhiên cũng có một số chế độ ăn kiêng không hợp lý làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người giảm cân mà đôi khi lại không có hiệu quả.

Trong điều trị thừa cân, béo phì, ăn kiêng là biện pháp bắt buộc. Mặc dù phương pháp ăn kiêng nào cũng dựa vào nguyên lý cơ bản là giảm tổng năng lượng đưa vào cơ thể, tuy nhiên cũng có một số chế độ ăn kiêng không hợp lý làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người giảm cân mà đôi khi lại không có hiệu quả.

Một số chế độ ăn kiêng nóng vội đã cắt giảm quá mức năng lượng cung cấp hằng ngày cho cơ thể, gây tình trạng mệt mỏi, cảm thấy chán nản, thậm chí không thể đi đứng mà chỉ có thể nằm dài trên giường.

Một số thực đơn ăn kiêng có mức năng lượng tương đối phù hợp nhưng lại phân bố không cân đối, làm cho người ăn kiêng bị thiếu dinh dưỡng, như thiếu đạm, thiếu vitamin và khoáng chất.

Thiếu năng lượng thì thấy tác hại ngay lập tức, nhưng tình trạng thiếu vi chất đôi khi rất mơ hồ, khó biết, như thiếu máu gây xanh xao nhẹ, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh, da khô, lở miệng, lưỡi, ăn khó tiêu, cơ nhão, mệt mỏi, đau nhức lưng...

Đặc biệt ở những người ăn kiêng giữ dáng hoặc vì bệnh tật như tiểu đường, việc ăn kiêng thường mắc rất nhiều sai lầm và việc ăn thiếu chất kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đôi khi phải nhập viện vì suy nhược, thiếu máu, hoặc hôn mê do tăng hoặc giảm đường huyết, hạ canxi và loãng xương, gãy xương...

Giảm năng lượng là hạn chế chất bột, đường và chất béo, chất đạm vẫn cần thiết phải cung cấp đủ theo nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ... nên thay đổi trong từng bữa ăn với khoảng 30-50g thịt hoặc 70-90g cá, 100-150g đậu hũ cho một chén cơm. Tối ưu là sử dụng khoảng 50g thịt, 100g cá, 1 miếng đậu hũ trong một ngày.

Tính trong một tháng, một người trưởng thành cần ăn khoảng 1,5-2kg thịt, 2-3kg cá và 3-4kg đậu hũ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tăng sử dụng đạm thực vật từ tàu hũ, nấm, đậu đỗ... trong bữa ăn hằng ngày.

Các thực phẩm nhiều đường tinh như chè, sôcôla, bánh ngọt, nước ngọt, kem... cần hạn chế, chỉ nên dùng khoảng 1-2 lần mỗi tuần với lượng nhỏ. Cơm cũng là thực phẩm dễ làm tăng cân, chỉ nên ăn vừa đủ mỗi bữa, nghĩa là đừng ăn đến no.

Thực phẩm nhiều chất béo là thịt mỡ, da, óc heo, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên, xào... càng ăn ít càng tốt.

Các loại rau, củ, trái cây ít ngọt (thanh long, bưởi, củ sắn, cóc, ổi, mận, táo, lê...) cần tăng cường nhiều hơn để cung cấp nước, chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất cần thiết như vitamin C, beta carotene, vitamin E, vitamin nhóm B, acid folic, canxi, chất sắt, magiê...

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày nên ăn khoảng 300g rau và 200g trái cây các loại. Phối hợp một, hai loại rau lá, một loại rau củ hay bí, bầu với 2-3 loại trái cây với nhiều màu sắc, nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau trong một ngày sẽ giúp bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết cho sức khỏe người ăn kiêng.

Nên chế biến kiểu hấp, luộc sẽ ít mất chất dinh dưỡng đồng thời hạn chế chất béo, có lợi cho người ăn kiêng. Một mẹo nhỏ rất hữu ích là khi ngồi vào bàn ăn, hãy ăn trái cây hay tô canh rau, dĩa bầu luộc trước, sau đó mới ăn cơm với thịt, cá. Hãy ăn chậm, nhai kỹ, từ từ hẵng nuốt. Có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày sẽ tốt hơn dồn vào bữa ăn chính.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp