Nếu bạn là một đứa trẻ, thật khó để bạn có thể không xem tivi (TV) khi mọi người trong nhà thường xuyên bật TV, kể cả bố mẹ và các anh chị lớn. Ở một số gia đình, TV lúc nào cũng ở trong tình trạng “sáng đèn” kể cả không có người xem. Đối với nhiều bậc phụ huynh và những người giữ trẻ, họ coi TV như một công cụ để giúp trông nom bọn trẻ tốt hơn. Hay cũng có rất nhiều bậc cha mẹ đã mua những băng đĩa về cho con xem với suy nghĩ rằng sẽ giúp trẻ thông minh hơn. Nhưng thực chất, xem TV có ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ?
Có một tin không tốt lắm rằng phần lớn các chuyên gia đều cho rằng xem TV hay video đều ảnh hưởng xấu đến trẻ em và trí thông minh của trẻ:
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, TV không mang lại bất kỳ lợi ích nào về mặt giáo dục. Tệ hơn nữa là nó làm trẻ không có nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động giúp phát triển não bộ như chơi đùa và tương tác với mọi người xung quanh. Một đứa trẻ có thể học được rất nhiều điều từ những tương tác thực tế một cách hiệu quả hơn là những điều mà chúng nhìn thấy trên màn hình TV.
- Xem TV làm “tê liệt” suy nghĩ của trẻ và làm cản trở con bạn thực hiện sáng kiến, trí tuệ được thách thức, suy nghĩ phân tích và sử dụng trí tưởng tượng của mình.
- Xem TV cũng làm mất đi khoảng thời gian tập đọc và cải thiện kỹ năng đọc thông qua luyện tập của trẻ (Comstock, 1991). Trẻ hay xem hoạt hình và các chương trình giải trí trong những năm mẫu giáo có kỹ năng đọc không tốt khi được 5 tuổi (Macbeth, 1996). Và những trẻ thích xem TV cũng thường không thích đọc sách và các hình thức báo in khác (Wright &Huston, 1995).
- Theo chuyên gia về ngôn ngữ, tiến sỹ Sally với 20 năm nghiên cứu cho biết, những trẻ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của TV ở nhà thường gặp khó khăn trong vấn đề tập trung vào tiếng nói khi có những âm thanh tương tự.
- Học sinh xem nhiều TV có xu hướng ít làm bài tập về nhà hơn. Và khi chúng thiếu ngủ vì xem TV, chúng không thể tỉnh táo vào ban ngày và dẫn đến kết quả học tập kém ở trường.
- Những trẻ xem TV quá nhiều sẽ gặp vấn đề trong trong việc chú ý tới thầy cô giáo giảng bài vì chúng đã quen với những kích thích thị giác nhịp độ nhanh trên truyền hình. Trẻ xem TV nhiều hơn là nói chuyện với mọi người trong gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cách học từ người nghe sang người nói khi chỉ quen nghe qua TV và khả năng tập trung của chúng cũng kém hơn so với các bạn.
- Theo một nghiên cứu dài hạn thực hiện bởi Millennium Cohort Study công bố năm 2013 cho rằng, trẻ xem TV quá 3 giờ đồng hồ mỗi ngày thường có nguy cơ cao hơn khi mắc phải các vấn đề về hành vi, các triệu chứng cảm xúc, và gặp khó khăn trong các mối quan hệ khác khi được 7 tuổi. Một điều cần lưu ý ở đây là người ta không tìm thấy những vấn đề tương tự với những trẻ chơi game trong cùng khoảng thời gian như vậy.
- Theo hiệp hội Y khoa Mỹ, những trẻ xem TV quá nhiều thường bị béo phì. Bởi vì chúng thường vừa xem TV vừa ăn những đồ ăn vặt, chúng cũng bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo của các loại thực phẩm không tốt cho sức khoẻ. Và tất nhiên, trong khi trẻ xem TV, chúng sẽ không chạy nhảy hay tham gia vào các hoạt động để đốt cháy calo và tăng cường trao đổi chất. Những trẻ béo phì sẽ có xu hướng thừa cân khi trưởng thành trừ khi chúng thay đổi thói quen xem TV quá nhiều của mình.
- Theo các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Sydney, có một sự liên hệ giữa thời gian xem TV và chiều rộng động mạch võng mạc ở trẻ em. Những trẻ ngồi trước màn hình TV quá nhiều thường có động mạch võng mạc hẹp và điều này liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Bình luận của bạn