Nhiều nước gia tăng bệnh đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch

Một số quốc gia đang ghi nhận số ca bệnh đường hô hấp, viêm phổi tăng mạnh - Ảnh: Dailymail.

Làn sóng dịch bệnh đường hô hấp "tấn công" Trung Quốc

Một số lưu ý để tránh các bệnh đường hô hấp trong dịp lễ Tết

Nguyên nhân gây viêm phổi kéo dài

Điều trị nhiễm mycoplasma như thế nào?

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian gần đây hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A (H5/N1), COVID-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Cụ thể, tại Trung Quốc, ngày 13/11 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp. Đồng thời, nước này cũng ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc.

Ngày 26/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa Đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm. Ngoài ra, còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, adenovirus...

Tại Malaysia, Singapore, số mắc COVID-19 cũng gia tăng 50-100% so với tuần trước đó, hầu hết có triệu chứng nhẹ. Giới chức y tế nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Campuchia hôm 24/11 cũng ghi nhận thêm một ca mắc cúm A/H5N1 ở người. Tích lũy năm nay, Campuchia đã ghi nhận 6 ca H5N1 ở người, trong đó có 3 ca tử vong.

Trong khi đó, tại Mỹ và 2 quốc gia ở Châu Âu là Đan Mạch, Hà Lan cũng ghi nhận số ca viêm phổi tăng đáng báo động, tương tự tình hình ở Trung Quốc.

Theo NYPost, Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch (SSI) vừa qua cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến của Mycoplasma, một loại vi khuẩn gây viêm phổi, tại nước này. Theo dữ liệu từ SSI, đã có 541 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận vào tuần trước, tăng 222% so với con số 168 ca cùng kỳ tháng 10.

Còn theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Hà Lan (NIVEL) công bố, có 103 ca nhiễm trùng viêm phổi trên 100.000 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trong tuần tính đến ngày 19/11. Dữ liệu cho thấy đây là mức tăng 24% so với 83 ca được báo cáo vào tuần trước đó. Tuy nhiên, NIVEL không giải thích nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ này. Ngoài ra, nước này cũng đang ghi nhận số ca mắc cúm, COVID-19 và virus đường hô hấp RSV cao. Cả 3 loại virus đều có thể gây viêm phổi.

Trong một diễn biến khác, các quan chức y tế Mỹ cũng báo cáo khoảng 142 trẻ em đã bị viêm phổi ở Quận Warren, Ohio, từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm bệnh là 8 và các triệu chứng phổ biến nhất là ho, sốt và mệt mỏi

Theo các chuyên gia y tế, Mycoplasma pneumoniae là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm phổi nhẹ, gây ra ho có thể kéo dài hàng tuần, thường kèm theo sốt và nhức đầu, nổi mẩn đỏ ở thân, lưng hoặc cánh tay.

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang tại các địa điểm tập trung đông người để phòng chống dịch đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang tại các địa điểm tập trung đông người để phòng chống dịch đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền

Tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa thống kê số ca bệnh đường hô hấp dịp này, song đánh giá hiện trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn