Làn sóng dịch bệnh đường hô hấp "tấn công" Trung Quốc

Các bệnh viện quá tải số trẻ em nhập viện liên quan đến các bệnh về đường hô hấp ở Trung Quốc - Ảnh: Dailymail.

70% trẻ vào viện mắc bệnh về đường hô hấp

Công nghệ thúc đẩy ngành chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc như thế nào?

Mycoplasma - không hẳn là vi khuẩn vô hại

Điều trị nhiễm mycoplasma như thế nào?

Số ca mắc bệnh đường hô hấp tăng nhanh ở miền Bắc Trung Quốc, trong đó nhiều bệnh nhân là trẻ em, làm dấy lên lo ngại về đại dịch sau COVID-19. Theo đó, hôm 20/11, hệ thống giám sát dịch bệnh công cộng ProMED, nơi từng đưa ra cảnh báo sớm về các trường hợp COVID-19, ghi nhận nhiều bệnh viện ở Trung Quốc bị quá tải do dịch viêm phổi bùng phát. Đợt dịch chủ yếu xảy ra ở Bắc Kinh, lan sang phía Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh và một số khu vực nhỏ lẻ khác.

Theo Independent, một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh trước đó nói với truyền thông nhà nước CCTV rằng, ít nhất 7.000 bệnh nhân được đưa vào viện mỗi ngày, vượt xa khả năng chứa của bệnh viện.

Tuần trước, bệnh viện nhi lớn nhất ở Thiên Tân được cho là đã tiếp nhận hơn 13.000 trẻ em tại các khoa cấp cứu và ngoại trú. Tỉnh Liêu Ninh, cách thủ đô khoảng 690km về phía Đông Bắc, cũng báo cáo đang phải "vật lộn" với số ca nhiễm bệnh về đường hô hấp tăng cao.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng hàng dài người xếp hàng dài tại các phòng khám nhi khoa ngoại trú và nội trú trên khắp đất nước, trong đó nhiều bệnh viện mở rộng dịch vụ để đáp ứng số lượng bệnh nhân lớn.

Theo Politico, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định, làn sóng bệnh về đường hô hấp đang "tấn công" Trung Quốc nhiều khả năng là sự quay trở lại của bệnh theo mùa mà nước này đã ngăn chặn bằng lệnh phong tỏa kéo dài do COVID-19 hơn là một mối đe dọa đại dịch khác. Điều này cũng xảy ra tương tự tại Mỹ một năm trước.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc phong tỏa và các biện pháp phòng ngừa trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 đã không chỉ bảo vệ mọi người khỏi COVID-19 mà còn ngăn chặn khả năng lây nhiễm của các bệnh hô hấp khác nguy hiểm hơn đối với trẻ em, chẳng hạn như cúm và RSV.

Tuy nhiên, tuần trước, yêu cầu của WHO với Trung Quốc về cung cấp thông tin “các cụm bệnh viêm phổi được báo cáo ở trẻ em ở miền Bắc Trung Quốc” đã nhắc nhở thế giới nhớ lại sự khởi đầu của đại dịch gần 4 năm trước và lo lắng rằng mầm bệnh mới có thể một lần nữa xuất hiện, gây ra một đợt bùng phát toàn cầu.

Trong khi, cơ quan y tế Trung Quốc trả lời rằng, họ không tìm thấy “căn bệnh bất thường hoặc mới lạ nào”. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, hiện chỉ có sự gia tăng các trường hợp liên quan đến các loại virus như cúm, rhovirus, virus hợp bào hô hấp hoặc RSV, adenovirus, cũng như các vi khuẩn như mycoplasma pneumoniae.

Đây có phải là một virus mới hay là "món nợ" miễn dịch?

Các bệnh nhi và người thân vừa rời khỏi một Bệnh viện Nhi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/11/2023 - Ảnh: Reuters

Các bệnh nhi và người thân vừa rời khỏi một Bệnh viện Nhi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/11/2023 - Ảnh: Reuters

Theo Politico, Mỹ đã chứng kiến một đợt bùng phát tương tự vào năm ngoái sau khi chính thức chấm dứt các biện pháp phòng ngừa đại dịch COVID-19. Tình trạng này lúc đó tại Mỹ được gọi là "tam dịch" (tripledemic), tức 3 dịch bệnh do COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) cùng lúc bủa vây.

Thuật ngữ “nợ miễn dịch” đã thu hút được giới khoa học chú ý khi mô tả về đợt bùng phát dịch bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc hiện tại và cho rằng nước này hiện có thể đang "trả nợ" theo lịch trình bị trì hoãn, sau khi việc duy trì lệnh phong tỏa do COVID-19 kéo dài hơn các quốc gia khác.

CDC đã tán thành quan điểm rằng, việc tránh các bệnh truyền nhiễm trong thời gian dài sẽ khiến người dân dễ mắc bệnh hơn khi lệnh phong tỏa, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa khác chấm dứt.

"Phần lớn người dân có thể thiếu khả năng miễn dịch và không bị nhiễm một số mầm bệnh khác trong giai đoạn đại dịch do phong tỏa và giãn cách xã hội. Nhưng những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự bùng nổ của tất cả những người này trong một năm” - Andrew Pekosz, một giáo sư miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết.

Cùng quan điểm, Amesh Adalja, một học giả cấp cao tại Johns Hopkins cho biết: “Điều này đã xảy ra ở Mỹ vào năm ngoái. Khi bạn cho những mầm bệnh đường hô hấp này nghỉ ngơi, số lượng người dễ mắc bệnh ở quốc gia của bạn sẽ tăng lên và sau đó có thể bùng phát ở quy mô lớn.”

Francois Balloux của Đại học College London, nói với AFP: “Vì Trung Quốc đã trải qua thời gian phong tỏa lâu hơn và khắc nghiệt hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái đất, nên người ta dự đoán rằng làn sóng ‘thoát phong tỏa’ cũng có thể trở nên rất lớn ở Trung Quốc”.

Nguy cơ lây lan toàn cầu cao đến mức nào?

Các chuyên gia cho biết, vì cho đến nay đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc chưa phát hiện có mầm bệnh mới nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang những người sống bên ngoài Trung Quốc là thấp. Hệ lụy lớn nhất có thể sẽ chỉ căng thẳng đối với hệ thống bệnh viện của Trung Quốc.

Giáo sư Andrew Pekosz cho biết, ở Trung Quốc, đợt bùng phát có thể là khởi đầu cho sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bởi vì trẻ em thường là "nguồn truyền bệnh” cho gia đình chúng.

“Đôi khi, sự gia tăng số ca nhiễm trùng thực sự có thể gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia, và vì vậy việc theo dõi xem liệu điều này có chuyển từ nhóm trẻ nhỏ sang các nhóm tuổi khác hay không và có bao nhiêu trường hợp gia tăng hàng tuần thực sự là điều quan trọng" - Giáo sư Andrew Pekosz nhận định.

Amesh Adalja cho biết, khả năng dịch bệnh lây lan sang Mỹ trong năm nay cũng thấp vì nước này đã "trả nợ” cho những căn bệnh về đường hô hấp vào năm ngoái.

Trung Quốc và WHO nói gì?

Trong tuyên bố ngày 22/11, WHO kêu gọi người dân Trung Quốc tiêm phòng, giữ khoảng cách với người bệnh, rửa tay thường xuyên và sử dụng khẩu trang để giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Đối với người mắc bệnh hô hấp, cơ quan này khuyến nghị theo dõi sức khỏe tại nhà và hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm.

Một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết, các nhóm tuổi khác nhau bị ảnh hưởng bởi các mầm bệnh khác nhau. Các bệnh viện ở Trung Quốc được yêu cầu cải thiện khả năng phân loại bệnh nhân theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Theo các chuyên gia, trong khi virus là nguyên nhân chính gây ra sự bùng phát dịch bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc, thì một loại vi khuẩn có tên Mycoplasma cũng đang lây lan. Mycoplasma thường gây nhiễm trùng phổi nhẹ nhưng có thể gây bệnh nghiêm trọng ở một số người, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần phải nhập viện. Nó cũng có thể dẫn đến các cơn hen suyễn, sưng não hoặc rối loạn chức năng thận nhưng hiếm khi gây tử vong.

Wang Huaqing, Trưởng phòng kế hoạch tiêm chủng của CDC Trung Quốc cho biết, nhiễm trùng mycoplasma pneumoniae chủ yếu xảy ra ở nhóm tuổi từ 5 đến 14, trong khi những người còn lại chủ yếu bị bệnh do các loại virus khác nhau.

Trước đó, bệnh cúm được dự báo sẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa Đông và mùa Xuân này tại Trung Quốc, trong khi tỉ lệ nhiễm mycoplasma pneumoniae sẽ vẫn ở mức cao ở một số khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát ca nhiễm COVID-19 có thể tăng trở lại ở đất nước tỉ dân.

Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố: "Tất cả địa phương nên tăng cường báo cáo về các bệnh truyền nhiễm để đảm bảo thông tin được báo cáo kịp thời và chính xác".

Trước yêu cầu cung cấp thông tin của WHO, Trung Quốc cho biết không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào đằng sau sự gia tăng đột biến nói trên.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Independent/Politico)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin