Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh sốt rét

Hướng dẫn sử dụng màn chống muỗi như một biện pháp giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở Ethiopia - Ảnh: STR/EPA-EFE

Cách phòng sốt rét mùa mưa hiệu quả

Các nỗ lực kiểm soát bệnh sốt rét toàn cầu vẫn chưa đạt hiệu quả

Vì sao Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu như một vấn đề sức khỏe toàn cầu?

Biến đổi khí hậu và "cánh cửa đang dần đóng lại" đối với loài người

Theo Báo cáo Sốt rét Thế giới của WHO, sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa ảnh hưởng đến khả năng sống của muỗi mang mầm bệnh, với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và lũ lụt đang làm gia tăng số ca bệnh.

Theo WHO, mức nhiệt lý tưởng để muỗi sinh sản và sinh tồn là từ 20-27 độ C. Do đó, khi nhiệt độ gia tăng tại các vùng mát hơn và không có bệnh sốt rét có thể dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh mới. Năm ngoái, thế giới ghi nhận 249 triệu ca sốt rét, trong đó 608.000 ca tử vong. Cả hai con số này đều cao hơn mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Báo cáo của WHO cũng đề cập sâu đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh sốt rét, lưu ý những thay đổi về hành vi và tỷ lệ sống sót tăng lên của muỗi Anopheles thông qua nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa tăng lên.

Theo WHO, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như sóng nhiệt và lũ lụt, cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự lây truyền và gánh nặng bệnh tật. Cơ quan này dẫn chứng, trận lũ lụt thảm khốc năm 2022 ở Pakistan đã khiến số ca sốt rét ở nước này tăng gấp 5 lần (từ 500.000 trường hợp được báo cáo vào năm 2021 lên 2,6 triệu vào năm 2022). Ethiopia, Nigeria, Papua New Guinea và Uganda cũng ghi nhận số ca sốt rét gia tăng đáng kể, theo UN News.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định biến đổi khí hậu đặt ra nguy cơ lớn đối với tiến trình chống lại bệnh sốt rét, đặc biệt ở những khu vực dễ bị tổn thương. Ông Ghebreyesus cho rằng các biện pháp bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét là cần thiết hơn bao giờ hết bên cạnh các hành động khẩn cấp nhằm hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất và giảm tác động của hiện tượng này.

WHO cũng tuyên bố biến đổi khí hậu có thể có tác động gián tiếp đến xu hướng sốt rét, do các yếu tố như giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ sốt rét thiết yếu và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng màn tẩm thuốc và vaccine.

Ngoài ra, sự dịch chuyển dân số liên quan đến biến đổi khí hậu cũng có thể dẫn đến gia tăng các ca sốt rét khi những cá nhân không có khả năng miễn dịch di cư đến các vùng đang có dịch bệnh.

Theo đó, WHO cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu nói chung đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt rét và gióng lên hồi chuông cảnh báo để các nước nhận ra rằng đã đến lúc phải ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất.

Theo Reuters, Peter Sands, Giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét cho biết: “Hơn bao giờ hết, chúng ta có nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Báo cáo cho thấy tiến độ đã bị đình trệ và ở một số nơi đang bị đảo ngược. Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ, bệnh sốt rét có thể bùng phát trở lại một cách đáng kể, xóa sạch những thành quả khó khăn lắm mới đạt được trong hai thập kỷ qua."

Báo cáo của WHO cũng đã trích dẫn những thành tựu như việc triển khai theo từng giai đoạn vaccine sốt rét đầu tiên được WHO khuyến nghị, RTS, S/AS01, ở 3 quốc gia Châu Phi. Theo WHO, một đánh giá đã cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt rét nghiêm trọng giảm đáng kể và tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ do mọi nguyên nhân giảm 13% ở những khu vực đã tiêm vaccine so với những khu vực chưa tiêm vaccine.

Ngoài ra, vaccine sốt rét an toàn và hiệu quả thứ hai, R21/Matrix-M, đã được phê duyệt vào tháng 10/2023, dự kiến sẽ tăng nguồn cung và cho phép triển khai vaccine trên quy mô lớn trên khắp Châu Phi, nơi tập trung hầu hết các ca bệnh.

WHO cũng đặc biệt lưu ý đến tình trạng kháng thuốc artemisinin dùng trong điều trị bệnh sốt rét. Báo cáo của WHO cũng cho thấy trong năm ngoái, thế giới đã chi tổng cộng 4,1 tỷ USD cho bệnh sốt rét, thấp hơn nhiều so với mức 7,8 tỷ USD cần thiết để đạt được mục tiêu cắt giảm 90% số ca bệnh và tử vong trong giai đoạn 2015-2030.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/UN News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn