Không đồng ý đổi tên lễ hội, “ông Ỉn” vẫn sẽ bị khai đao

Lệ hội Chém lợn diễn ra hàng năm ở làng Ném Thượng, Khắc Niệm, Bắc Ninh

Lễ hội chém lợn: Tục lệ đẹp hay tàn bạo và độc ác?

Những tục lệ, đức tin truyền thống gây sốc dư luận

Cứu em bé khỏi "ma rừng" và mê tín

Phạt 30 triệu đồng vì chữa bệnh theo kiểu mê tín

Như đã thông tin, ngày 5/2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phát đi công văn tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội "Chém lợn" làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh) thành Lễ hội "Rước lợn". Việc tế, rước, lễ vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống, tuy nhiên sẽ phải chuyển hình thức chém lợn giữa sân đình sang giết mổ trong khu vực riêng để tránh hình ảnh phản cảm.

Sau đó, ngày 8/2, Ban tổ chức Lễ hội Chém lợn làng Ném Thượng cùng cán bộ Phòng Văn hóa thành phố, UBND phường đã họp với hơn 150 người cao tuổi của làng về cách tổ chức lễ hội truyền thống năm 2015 theo những đề xuất trên. Cuộc họp chưa đi đến quyết định cuối cùng khi đại đa số bô lão đều phản đối quyết liệt.

Ông Nguyễn Đình Lợi có nhiều năm chỉ huy khai đao trong Lễ hội Chém lợn của làng Ném Thượng (Ảnh: VnExpress)

Ông Nguyễn Đình Lợi - Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi khu phố Thượng, Phó Ban tổ chức Lễ hội Chém lợn Ném Thượng cho biết: "Toàn bộ cao niên trong làng đã phản ứng mạnh lắm. Các cụ nhất quyết không cho đổi tên lễ hội".

Theo ông Lợi, người dân địa phương mong muốn giữ lại nguyên trạng Lễ hội Chém lợn với đầy đủ các nghi thức từ xưa đến nay. Nhất là nghi thức "Khai đao chém ông Ỉn" giữa sân đình cần phải giữ nguyên trạng.

Về tên lễ hội, những năm trước, các pano, áp phích tuyên truyền cho lễ hội cũng chỉ ghi "Lễ hội truyền thống làng Ném Thượng" chứ không viết "Lễ hội Chém lợn". Nghi thức làm cỗ ngọc tế Thánh cũng như rước lợn, chỉ là một phần trong nhiều hoạt động của lễ hội nên không có tính chất tổng quát để thay tên được.

Ông Trần Văn Đức - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, chỉ đạo của cấp trên là sau khi rước lợn sẽ làm cỗ ngọc tế Thánh ở phía Tây đình, hạn chế người tham gia. Tuy nhiên, các cụ cao tuổi ai cũng ý kiến muốn duy trì nghi thức truyền thống. Các vị bô lão ở đây khẳng định Lễ hội Chém lợn Ném Thượng có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, lễ hội cũng không vi phạm pháp luật và để giữ gìn bản sắc quê hương nên không thể đổi tên cũng như thay đổi hình thức chém lợn ở sân đình. 

Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng có truyền thống lâu đời, gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý tên Đoàn Thượng khi đánh trận đã trốn trên núi Nghè, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây thoát ra. Để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Lý Thành hoàng và hàng năm tổ chức Lễ hội Chém lợn, nhắc nhau về truyền thống xưa.

Lễ hội Chém lợn được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Phần đông dư luận chứng kiến trực tiếp màn tế lễ hoặc qua phim ảnh đều cảm thấy lễ hội mang tính bạo lực và có phần man rợ.

Người phát ngôn Bộ Văn hóa Phạm Đình Tân nêu quan điểm của Bộ là "không ủng hộ những lễ hội mang tính bạo lực" và cho rằng, đừng nên lấy lý do truyền thống của cộng đồng làng để giữ hủ tục gây bức xúc cho cộng đồng lớn là nhân dân cả nước.

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa