Ông Phạm Đình Đoàn: “Phải ý thức là mình là người làm thuê cho xã hội"

Cựu TGĐ FPT: Thành doanh nhân, dễ "đo" bản thân

TGĐ Sơn Kim: Thành công đến từ một tập thể

TGĐ Vietnamcacao: Kỳ vọng tạo nên kỳ tích

Nữ GĐ Thủy sản Đắc Lộc: Gia đình là nền tảng thành công!

TGĐ Nguyễn Vĩnh Trân: Không chấp nhận "chưa đánh đã hàng"

Gần 20 năm gắn bó và phát triển cùng Phú Thái, với niềm tin, sự say mê và bản lĩnh, doanh nhân Phạm Đình Đoàn đã tạo dựng và không ngừng phấn đấu đưa các thương hiệu của Phú Thái đi xa hơn nữa, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Trước cơn bão khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản. Trong bối cảnh này, Phú Thái vẫn trụ vững và duy trì tốc độ phát triển ổn định. Ông vui lòng cho biết, bí quyết nào đã giúp Phú Thái làm được điều này?

Thực ra đây không hẳn là bí quyết, mà Phú Thái đã định hướng rõ chiến lược phát triển của mình ngay từ đầu. Phú Thái không tham gia vào bất động sản - lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của khủng hoảng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Phú Thái là phân phối và bán lẻ. Ngoại trừ một số ngành hàng bị giảm sút do nhu cầu của thị trường, thì đa số các ngành hàng của Phú Thái không bị ảnh hưởng nhiều.


Từ trước đến nay, Phú Thái luôn có định hướng phát triển một cách chuyên nghiệp và quốc tế hóa, gần với mô hình hoạt động của các công ty nước ngoài, do đó đã mở ra nhiều cơ hội liên doanh, liên kết hoạt động với các công ty nước ngoài. Tập đoàn Phú Thái gồm nhiều công ty thành viên, mỗi một công ty thành viên đã lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp để hợp tác phát triển và hội nhập kinh tế được tốt hơn. Trong thời gian tới, Phú Thái có thể tăng tốc để phát triển như mở rộng ngành hàng, mở rộng quy mô, mạng lưới bán hàng, mua bán, sáp nhập (M&A)... phấn đấu từ 2-5 năm tới Phú Thái có thể trở thành một tập đoàn lớn mạnh trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ.

Ông có thể cho biết Phú Thái đã chuẩn bị cho việc hợp tác nước ngoài như thế nào, và họ đã giúp Phú Thái những gì để có thể phát triển mạnh hơn?

Việc liên doanh, hợp tác với nước ngoài cũng không phải dễ. Các doanh nghiệp Việt cần phải đạt một tiêu chuẩn nào đó thì doanh nghiệp nước ngoài mới ngỏ ý muốn liên doanh, liên kết. Phú Thái đã chuẩn bị từ lâu, với hướng phát triển minh bạch và chuyên nghiệp nên đã có rất nhiều doanh nghiệp mạnh từ nước ngoài mong muốn hợp tác cùng Phú Thái. Phú Thái đã cố gắng liên kết với từng đối tác riêng lẻ và cố gắng giữ được tỉ lệ phần trăm chủ đạo từ 75% - 80% hoặc ít nhất cũng trên 51%. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã đưa vốn, công nghệ, kinh nghiệm và cả thương hiệu vào, nên Phú Thái đã nắm bắt được cơ hội để mở rộng quy mô sang một số nước có nền kinh tế kém phát triển hơn Việt Nam trong khu vực Châu Á.

Ông nghĩ gì về các đối thủ cạnh tranh nước ngoài vào Việt Nam mở rộng quy mô hoạt động?

Một số tập đoàn phân phối và bán lẻ lớn của nước ngoài đang vào Việt Nam, doanh thu của họ rất lớn, tương quan về quy mô hoạt động cũng có sự chênh lệnh rõ, nên tôi nghĩ để cạnh tranh được với những tập đoàn lớn như vậy thật sự rất khó. Việc liên kết, liên doanh với các đối tác tốt (trong và ngoài nước) có lẽ là một phương thức hợp lý nhất trong giai đoạn khó khăn của kinh tế Việt Nam hiện nay, miễn sao các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững để tạo nhiều việc làm, tạo ra nhiều lợi nhuận để có thể đóng thuế cho nhà nước. Đây hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của nhà nước.

Phú Thái đã có gần 20 năm tồn tại và phát triển, ông đã nghĩ đến thế hệ kế thừa tiếp bước mình để điều hành và lãnh đạo Phú Thái chưa?

Tôi nghĩ trong vòng 10 năm nữa sẽ có một thế hệ kế thừa. Phú Thái là một doanh nghiệp gia đình, thế hệ sau đã được định hướng đào tạo ở trong và ngoài nước rất bài bản với mong muốn có thể tiếp nối và phát triển Phú Thái. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất trọng dụng nguồn nhân lực bên ngoài và họ đều được Phú Thái quan tâm và chăm sóc phát triển con đường sự nghiệp.

Sắp tới VCCI có chỉ đạo sẽ thành lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình. Với tư cách là Chủ tịch của Hội đồng này, ông có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của việc thành lập hội đồng này?

Với mong muốn tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc để phát triển trong kinh doanh, VCCI có chỉ đạo thành lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình với mục đích tập hợp những gia đình thật sự tiêu biểu, uy tín, phát triển bền vững để làm những mô hình điểm cho việc phát triển quy mô kinh tế gia đình. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của kinh tế gia đình trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Chúng tôi cũng sẽ có sự kết hợp với các gia đình kinh tế lớn ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... để giúp cho kinh tế gia đình Việt Nam có tầm nhìn dài hạn hơn, phát triển bền vững và hội nhập tốt với kinh tế thế giới.

Giới kinh doanh thường quen gọi ông là “Đoàn Phú Thái” vì sự bản lĩnh trong kinh doanh. Ông nghĩ sao về việc tạo dựng thương hiệu cá nhân bên cạnh việc phát triển thương hiệu cho một doanh nghiệp?

Chúng ta đều biết, giá trị thương hiệu của một sản phẩm hay của một công ty là một giá trị vô hình (khoảng từ 5 - 20 lần giá trị hữu hình). Quan tâm xây dựng phát triển thương hiệu là vô cùng quan trọng. Thương hiệu cá nhân không thể đem bán được nhưng nó sẽ có tác động rất lớn khi cá nhân đó tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nếu một công ty vừa có thương hiệu của người đứng đầu, vừa có thương hiệu của sản phẩm, vừa có thương hiệu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó thực sự có giá trị cao và được nâng tầm lên rất nhiều.

Để lãnh đạo và chèo lái con thuyền lớn Phú Thái phát triển ổn định, ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình?

Ngoài việc phát triển doanh nghiệp theo định hướng của quốc gia, doanh nhân nên sống thật hơn, khiêm tốn hơn, không nên nói về những dự án quá sức với mình, nên tính toán cẩn trọng với ngành nghề cốt lõi của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, doanh nhân cần phải học cách tiết kiệm, quản lý tài chính; đặc biệt người đứng đầu doanh nghiệp nên thật sự quan tâm đến việc nâng cao trình độ cũng như từng bước hoàn thiện chính bản thân mình. Việc một doanh nghiệp sinh ra và phá sản là quy luật của kinh tế thị trường, nên doanh nghiệp cần phải chấp nhận và quan trọng là doanh nhân giữ được sức khỏe, ý chí để nỗ lực làm lại.

Ông có thể nói rõ hơn về việc phân định rõ những quyền hạn mà những người trong gia đình nắm giữ tại một công ty và nhân lực bên ngoài?

Chúng ta phải hiểu là tại một công ty gia đình, không nhất thiết là gia đình đó nắm toàn bộ số vốn, mà gia đình đó có số vốn đủ để quyết định được cơ cấu thành viên của hội đồng quản trị. Sự tham gia của nguồn nhân lực bên ngoài là rất cần thiết và phải được tạo điều kiện để họ có thể thể hiện năng lực, công hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mô hình công ty gia đình đang là một thực tế của nhiều nền kinh tế. Có thể thấy tại các nước ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan… các tập đoàn gia đình đóng vai trò rất quan trọng của nền kinh tế đất nước đó. Chúng ta nên ủng hộ và động viên những mô hình kinh doanh gia đình minh bạch, phát triển chuyên nghiệp, quy mô lớn và hội nhập tốt.


Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của rất nhiều công ty thành viên, vậy ông đã làm gì để đạt được điều đó?

Hiện nay Phú Thái có gần 5.000 cán bộ công nhân viên, quy mô phát triển năm 2014 ước tính phải đạt được 10 nghìn tỷ đồng doanh thu. Với quy mô hoạt động tại 30 tỉnh thành, rất nhiều vị trí chủ chốt là nhân lực bên ngoài nắm giữ, thậm chí có những công ty không có người nhà nhưng công ty vẫn hoạt động và phát triển tốt. Phú Thái luôn mong muốn là một môi trường làm việc 3 trong 1: Vừa là trường đào tạo thu hút nhân tài, vừa là nơi để các nhân viên cống hiến, khẳng định mình, vừa là một đại gia đình để mọi người có thể chia sẻ và phấn đấu.

Theo ông, những yếu tố nào tạo nên bản lĩnh của một doanh nhân?


Tôi rất tâm đắc câu nói: “Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”, tự mình phải cố gắng hoàn thiện, phải gương mẫu trong cách sống, cách đối nhân xử thế lẫn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Tôi luôn đề cao và đầu tư cho việc học tập trong nước và cả ở nước ngoài để mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết. Người đứng đầu luôn phải tự ý thức được rằng mình là “người làm thuê của xã hội”, mình đang tạo ra cơ hội để nhiều người làm theo, cống hiến cho cộng đồng xã hội nên không thể sống không có định hướng.

Ông làm gì để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc?

Mong muốn có một cuộc sống hài hòa nhưng điều này quả thực không dễ. Tôi luôn có 5 chữ "H" dành cho mình: Health - Happiness - Học tập - Hiệu quả - Hài hòa. Tôi cũng rất thích câu nói “Thành công không bằng thành nhân”. Sự thành đạt của con người trong cuộc sống không thể đo lường được bằng tiền bạc, địa vị, mà được đánh giá bởi nhiều yếu tố khác. Để đạt được hiệu quả đó, thì phải luôn tư duy, hoàn thiện bản thân, sống tích cực để cống hiến cho gia đình và xã hội. Thời gian rảnh rỗi, tôi có tham gia đánh golf, vui chơi cùng con cái và gia đình. Tôi và vợ cũng đã thống nhất việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, dù vẫn biết công việc kinh doanh bận rộn và luôn đẩy tôi vào thế không cân bằng được nhưng sẽ số gắng khắc phục dần dần.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện