Phân biệt hiếu động và tăng động ở trẻ

Bin vừa xúc cơm vừa đung đưa ghế. Chiếc ghế đổ rầm xuống đất. Cậu bé 5 tuổi đứng dậy mắm môi mắm lợi đá chân cho ghế lăn thêm mấy vòng. Chị Hoa quát: "Con dừng lại ngay, mẹ cho ăn đòn bây giờ". Bin tảng lờ, thậm chí còn đập muỗng vào ghế. Trong lúc mải "trừng trị" cái ghế, bé va người vào bàn khiến bát cơm đổ, canh lênh láng trên bàn. Mẹ bực quá, cầm cây đũa nấu ăn đánh vào mông con. Đó là chuyện thường ngày ở nhà chị Hoa (quận 5, TP HCM).

adhd-kid-2-8702-1383800835.jpg
Trẻ hiếu động thái quá có thể mắc chứng tăng động giảm chú ý. Ảnh:pitterpatter

Vợ chồng chị Hoa nhiều lần cãi nhau vì tính hiếu động, nghịch ngợm nhưng cũng rất lì lợm của cậu con đầu lòng. Không có món đồ chơi nào của Bin có tuổi thọ quá một ngày. Cậu bé xem quảng cáo trên tivi xong cũng bắt chước đi từ lầu 2 xuống lầu 1 bằng đường... tay vịn cầu thang. Nhiều khi, chị Hoa có cảm giác con chẳng sợ cái gì. Ở lớp, cô giáo thường xuyên phàn nàn Bin không tập trung lúc học, không nghe lời cô, hay gây mất trật tự, bị bạn tẩy chay không thèm chơi chung…

Mỗi lần nghe vợ than thở không hiểu cậu nhóc giống ai mà nghịch thế, thì anh Luận lại cười khà khà cho rằng bé nhận được hết gene của bố. Hồi còn nhỏ, anh Luận nổi tiếng nghịch nhất xóm, hầu như ngày nào cũng bị ăn đòn vì tội phá phách trong nhà ngoài ngõ. Mới đây nghe lời khuyên của một người bạn là bác sĩ nhi, chị Hoa đưa Bin đi khám tâm lý và phát hiện ra bé bị mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD - Attention-deficit hyperactivity disorder).

Theo các chuyên gia tâm lý, đa số phụ huynh không nghĩ là bé bị bệnh thật sự, cần phải được đưa đến khám và điều trị sớm, mà chỉ cho là bé hiếu động quá mức mà thôi. Thật sự không ít trẻ bị tăng động, giảm chú ý có chỉ số thông minh cao, nhưng kết quả học tập không tốt do trẻ kém chú ý, bất cẩn và hay quên.

Tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp nhất ở trẻ em, với tỷ lệ mắc bệnh 3-17,6% tùy theo từng quốc gia, bệnh nhân nam nhiều gấp 3 lần nữ. Đó là những hành vi hiếu động thái quá như bồn chồn, vặn vẹo, hay chạy nhảy leo trèo, không thể ngồi yên, nói quá nhiều, vội trả lời trước khi chấm dứt câu hỏi, không kiên nhẫn chờ đến lượt mình, ngắt lời, quấy nhiễu người khác. Hành vi hiếu động có thể đơn thuần và hoặc đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý, ví dụ lỗi bất cẩn, không lắng nghe, duy trì chú ý kém, không theo hướng dẫn, chần chừ, xao lãng, mất đồ vật, hay quên.

Trẻ mắc ADHD được chia theo 3 loại là rối loạn phối hợp tăng động và giảm chú ý; rối loạn trội về giảm chú ý; rối loạn trội về tăng động/ xung động. Trẻ ở dạng kém chú ý có tỷ lệ thấp hơn so với dạng rối loạn phối hợp vừa tăng động/ xung động và giảm chú ý.

Các chuyên gia khuyên khi trẻ có nhiều hơn 6 triệu chứng ở mỗi nhóm với thời gian kéo dài trên 6 tháng, thể hiện ở ít nhất hai môi trường trong và ngoài gia đình (như trường học, xã hội), phụ huynh hãy đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần kinh - nhi để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất. Chẩn đoán là sự tổng hợp của các đánh giá thông tin từ cha mẹ, người chăm sóc trẻ, nhà trường, bản thân trẻ, trắc nghiệm IQ, khả năng chú ý, phát triển tâm thần, thể chất…


Ảnh minh họa.

Tăng động giảm chú ý khởi phát trước 7 tuổi. Có đến 65% trẻ bị ADHD tiếp tục trải qua rối loạn này ở thời kỳ trưởng thành. Nếu phát hiện bệnh muộn thì khả năng chữa khỏi là vô cùng khó khăn. Các triệu chứng về lâu dài thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của trẻ, gây khó khăn trong tất cả các lãnh vực cuộc sống như quan hệ gia đình - xã hội, thất bại trong nghề nghiệp, nghiện ngập, phạm pháp,...

Theo tiến sĩ SuSan Shur - Fen Gau, Chủ tịch Hiệp hội tâm thần Đài Loan, gia đình có vai trò rất quan trọng trong điều trị tăng động giảm chú ý. Nếu con mắc ADHD, cha mẹ cần phải thay đổi cách nghĩ và lối sống không thích hợp với trẻ (ví dụ chuyên quyền, độc đoán, đòn roi, bạo lực..); tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn, huấn luyện của các bác sĩ, các chuyên gia trị liệu hành vi, tâm lý giáo dục.

Tăng động giảm chú ý không phải là rối loạn về tâm lý, do giáo dục hay môi trường sống không thuận lợi nên chỉ chẩn đoán và chữa trị bằng tâm lý giáo dục là không hiệu quả. Theo nghiên cứu khoa học, đây là bệnh lý có yếu tố di truyền, với sự khiếm khuyết được ghi nhận trong não của trẻ. Cách điều trị là phối hợp các trị liệu hành vi, nhận thức - hành vi, biện pháp tâm lý - giáo dục song hành với phác đồ điều trị bằng thuốc. Tùy theo độ tuổi, mức độ bệnh nặng nhẹ mà các hướng trị liệu được sắp xếp theo những ưu tiên khác nhau.Một số trường hợp bệnh nặng bắt buộc phải điều trị bằng thuốc để làm giảm triệu chứng giảm chú ý và tăng động. Nhờ đó làm giảm các hành vi tiêu cực ở lớp học, cải thiện kết quả trong học tập, kỹ năng tương tác xã hội, gia đình…

Không hiếm trẻ mắc chứng ADHD từ học sinh cá biệt đã trở thành học sinh xuất sắc khi được chẩn đoán sớm và điều trị một cách tối ưu toàn diện. Tiến sĩ Susan Shur-Fen Gao kể lại ca điều trị điển hình của mình là một bệnh nhân nam sinh năm 1993. Em bắt đầu điều trị từ khi học lớp 5. Từ một học sinh kém và sợ trường học, sau một năm điều trị tích cực với các huấn luyện trị liệu hành vi, giáo dục cho cha mẹ bệnh nhân, song hành với phác đồ điều trị thuốc phù hợp, bệnh nhân đã được chọn vào lớp khoa học xuất sắc của một trường trung học nổi tiếng.

Học cấp 3, bệnh nhân này tự bỏ thuốc, các triệu chứng nhanh chóng quay trở lại (khó tập trung, nghiện Internet, thích khiêu khích…) với kết quả học tập sa sút, thi hỏng vài môn… Khi tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị, thành tích học tập của em đã trở lại tích cực cùng với các kỹ năng tương tác xã hội cải thiện rõ rệt. Em trở thành sinh viên ĐH Y khoa ở Đài Loan.

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt rối loạn hành vi này, hoàn toàn có thể cải thiện các chức năng xã hội và học tập của trẻ, giúp thúc đẩy sự phát triển bình thường các kỹ năng cá nhân, xã hội và học tập của bé.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ