Phận buồn người già phải dưỡng lão ở chùa


Giờ cơm trưa của các cụ già tại chùa Lâm Quang

“Tầm gửi” nơi cửa Phật

Chúng tôi ghé thăm chùa Lâm Quang, Bến Bình Đông, Q.8 vào đúng giờ cơm trưa. Các cụ già lật đật tay cầm chiếc bát sắt to đi tới chiếc nồi cơm khổng lồ xới vội bát cơm, gắp vài miếng thịt rồi lại lật đật trở về chiếc giường nhỏ của mình.

Thấy khách tới, nhiều cụ già dừng bát đũa, ngước lên hỏi: “Các cô đến thăm hay tìm ai?”. Khi nhận được câu trả lời rằng chúng tôi tới thăm tất cả các cụ thì ai nấy đều cười móm mém. Một cụ bất giác nói: “Lâu lắm rồi mới có người đến thăm. Giá mà…”.

Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi mỗi cụ kể về mình, có người vì không nhà, không chồng con, cũng có người bị con cái hắt hủi hay có những người lâm vào bước đường cùng, sa cơ lỡ vận nên phải vào nương nhờ nơi cửa Phật.


Sau cuộc hội ngộ ngắn ngủi với người chị gái, cụ Liên phải sống một mình những ngày cuối đời ở đây

Cụ Nguyễn Kim Liên, 74 tuổi kể về hành trình đi tìm người chị ruột của mình. Cụ nói quê cụ ở tận miền Rạch Giá – Kiên Giang xa xôi và đói khổ. Cụ mồ côi mẹ từ năm lên 10, người chị gái lên Sài Gòn mưu sinh biền biệt không về. Mẹ mất, chị đi biệt xứ, một mình cụ chỉ biết bấu víu vào những người họ hàng nơi thôn quê.

Năm 15 tuổi, cụ quyết định rời xứ lên Sài Gòn vừa để kiếm việc làm vừa để tìm người chị ruột của mình. Từ bán đồng nát cho đến bán vé số, cụ lăn lộn khắp ngõ ngách Sài Gòn. Cuộc sống cứ thế trôi qua rồi cụ cũng chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện lập gia đình. Cho đến một buổi chiều năm 2007, theo cụ đây là thời khắc “duyên trời run rủi” nên cụ tình cờ gặp lại được người chị gái mình trong ngôi chùa Lâm Quang này. Hai chị em mừng mừng tủi tủi cùng dắt díu nhau vào chùa để được ở cạnh nhau lúc tuổi già sức yếu.

Những tưởng cuộc hội ngộ sẽ kéo dài mãi mãi đến cuối cuộc đời người đàn bà này, sẽ bù đắp cho cụ những mất mát thời thơ ấu. Ai ngờ chỉ được 5 năm thì chị cụ Liên mất. Chỉ tay lên tấm ảnh người chị để ở đầu giường, cụ Liên rưng rưng nói: “Chị đã đi rồi, chị ơi!”.

Thèm người, thèm tình thân máu mủ

Trường hợp cụ Phạm Thị Nguyệt Ánh, 65 tuổi quê ở Cai Lậy – Tiền Giang được coi là may mắn hơn những cụ khác bởi vẫn còn một người em gái hiện đang ở quê và thỉnh thoảng có lên chùa thăm cụ đôi lần. Cụ Ánh thở dài: “Cả đời tôi nghèo, lại chẳng chồng con gì sất nên phải nhờ nơi cửa Phật. Còn cô em gái thì cũng nghèo nốt, lại phải gánh trên vai cả một đàn con nên tui cũng thương và nhớ nó nhiều lắm. Dù họa hoằn lắm, nó mới lò dò lên đây thăm tui nhưng như thế cũng là hạnh phúc lắm so với các cụ ở trong này rồi”.

Theo sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, năm 1990 khi tiếp quản ngôi chùa này, sư cô thấy nhiều bà cụ ban ngày đi ăn xin, ban đêm lại vào chùa tá túc. Nghẹn lòng trước những hình ảnh đó, sư cô Huệ Tuyến đã đưa các cụ vào chùa chăm sóc.


Tụng kinh niệm Phật là tất cả đời sống tinh thần của các cụ nơi đây

24 năm trôi qua, kể từ khi đến trụ trì chùa, sư cô Huệ Tuyến đã cưu mang không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khổ. Người đến cũng đông, người mất đi cũng nhiều. Chỗ cũ chưa nguội hơi đã có người mới lấp vào. Hiện tại chùa đang chăm sóc 137 cụ. 137 con người với 137 tính cách và 137 hoàn cảnh. Ai cũng già và run rẩy như nhau, thậm chí có những cụ đã phải nằm liệt giường liệt chiếu, có cụ mất trí nhớ, có cụ tâm thần…

Những cụ còn khỏe mạnh thì có thể tự chăm sóc cho bản thân mình chứ nhất định không đành ngồi yên một chỗ, phó mặc cho các sư cô và phật tử cho ăn uống hay tắm rửa, vệ sinh. Họ cũng thường tìm đến những bài kinh kệ để khuây khỏa tuổi già. Cụ Điệp, 84 tuổi nói: “Hồi trước còn lang thang kiếm sống không có thời gian đi chùa. Giờ thì chiều tối nào cũng xuống đánh chuông và tụng kinh niệm Phật. Đó là tất cả đời sống tinh thần của các chị em trong này”.

Một cụ khác tiếp lời: Ở cái tuổi gần đất xa trời thế này, tui chỉ muốn yên phận, ăn nhờ lộc Phật thôi. Khi tui chết, hài cốt tui sẽ đem về chùa để hưởng sự an lành nơi cửa Phật.


Nhiều cụ mong muốn khi chết đi sẽ đem về chùa để hưởng sự an lành nơi cửa Phật

Còn chuyện có một người thân đến thăm là điều vô cùng xa xỉ đối với các cụ. Vì thế, tuy được quan tâm của các sư cô, phật tử thường xuyên lui tới chùa giúp đỡ, chăm sóc nhưng cảm giác thèm người, thèm tình thân máu mủ vẫn luôn hiện hữu trên những gương mặt nhăn nheo vì sương gió.

Rời chùa Lâm Quang khi nắng xối đỉnh đầu, nhiều cụ còn ngó theo bóng dáng chúng tôi và nói với: “Lần sau lại tới nói chuyện nữa nghe cô”. Điều ấy khiến chúng tôi mang nặng nỗi cám cảnh cho những số phận bất hạnh phải tìm đến nương nhờ cửa Phật. Trời Sài Gòn nắng rát, bức bối như số kiếp lênh đênh đã từng bám đuổi họ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già