Sự khác nhau giữa cảm lạnh và cúm: Hiểu đúng để điều trị đúng

Cả cảm lạnh và cúm đều do virus gây ra

12 bí mật để không bao giờ bị cảm lạnh và cảm cúm

Trẻ bị cảm lạnh khi nào cần đi khám?

Bị cảm lạnh có nên dùng thuốc kháng sinh?

Chăm sóc trẻ bị cảm lạnh và cúm thế nào để bé nhanh khỏe?

Cảm lạnh và cúm có gì khác biệt?

Cả cảm lạnh và cúm đều là nhiễm trùng đường hô hấp. Cách đơn giản nhất để phân biệt là xem xét các triệu chứng. 

Nếu bị cảm lạnh, có thể bạn sẽ bị: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, hắt hơi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. 

Các triệu chứng cúm gồm: Ho khan, sốt cao (mặc dù không phải ai bị cúm cũng sốt), viêm họng, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu, nghẹt mũi, buồn nôn và nôn (phổ biến ở trẻ nhỏ), vô cùng mệt mỏi. 

Cảm lạnh thường nhẹ hơn cúm, xảy ra trong vài ngày, thường trở nên tốt hơn sau 7 - 10 ngày, mặc dù các triệu chứng có thể kéo dài đến 2 tuần. Các triệu chứng cúm xuất hiện rất nhanh và có thể nặng. Chúng thường kéo dài từ 1 - 2 tuần. Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị cúm, hãy đi khám để được xét nghiệm và điều trị.

Rửa tay sạch là cách đơn giản nhất giúp phòng ngừa cảm lạnh và cúm

Cảm lạnh là gì? 

Cảm lạnh là nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra. Theo Mayo Clinic, hơn 100 loại virus khác nhau có thể gây cảm lạnh. Tuy nhiên, rhinovirus thường là loại khiến mọi người hắt hơi và ngạt mũi, virus này rất dễ lây lan. Bạn có thể bị cảm lạnh bất cứ lúc nào trong năm, nhưng thường gặp nhất vào mùa Đông. Điều này là do hầu hết các virus gây cảm lạnh phát triển mạnh ở độ ẩm thấp. 

Cảm lạnh lan truyền khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Nước bọt, nước mũi chứa đầy virus bay trong không khí. Nếu bạn chạm vào bề mặt (như mặt bàn, tay nắm cửa) bị dính virus này, sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt, bạn sẽ bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh sẽ bùng phát sau 2 - 4 ngày. 

Cách điều trị cảm lạnh 

Bởi vì cảm lạnh là do virus, nên dùng thuốc kháng sinh không có hiệu quả. Các loại thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, acetaminophen có thể làm giảm nghẹt mũi, đau nhức người và các triệu chứng cảm lạnh khác. Người bệnh nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Bổ sung kẽm, vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng cảm lạnh. 

Bạn nên đi khám nếu như các triệu chứng cảm lạnh không cải thiện sau 1 tuần, hoặc bị sốt cao bởi rất có thể bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn cần phải dùng thuốc kháng sinh, như viêm xoang hay viêm họng. Ho dai dẳng mãi không khỏi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản. 

Cách phòng ngừa cảm lạnh 

Vì cảm lạnh lan truyền dễ dàng nên cách phòng ngừa tốt nhất là tránh xa bất cứ ai bị bệnh. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, như bàn chải đánh răng hoặc khăn tắm. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, chất sát trùng tay có chứa cồn để giúp loại bỏ virus. Nếu tay không được rửa sạch, thì đừng đưa tay lên mũi, mắt và miệng. 

Xem thêm: Bệnh cúm, cách điều trị cúm và phòng ngừa bệnh cúm


Cúm là gì?

Không giống như cảm lạnh, cúm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Bệnh cúm mùa thường xảy ra từ mùa Thu đến mùa Xuân, đỉnh điểm là trong những tháng mùa Đông. Với cúm mùa, bạn có thể bị cúm nếu tiếp xúc với những giọt tiết từ cơ thể người bệnh. Sau khoảng 1 ngày, thậm chí 5 - 7 ngày, các triệu chứng bệnh sẽ bùng phát. 

Cúm mùa là do virus cúm A, B và C gây ra, trong đó, cúm A và B là loại phổ biến nhất. Các chủng virus cúm hoạt động khác nhau từ năm này sang năm khác. Đó là lý do tại sao vaccine cúm mới được phát triển sau mỗi năm. 

Không giống như cảm lạnh, cúm có thể tiến triển thành bệnh nghiêm trọng hơn, như viêm phổi. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, những người có hệ miễn dịch suy yếu chẳng hạn như mắc bệnh hen suyễn, bệnh tim và đái tháo đường. 

Điều trị bệnh cúm thế nào? 

Trong hầu hết các trường hợp, uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ là những cách tốt nhất để điều trị cúm. Uống nước giúp tránh mất nước. Thuốc thông mũi và thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen và acetaminophen, có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh và giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, đừng bao giờ cho trẻ em uống aspirin, bởi nó làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Bác sỹ có thể kê đơn thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), hoặc peramivir (Rapivab) để điều trị cúm. Những loại thuốc này có thể rút ngắn thời gian bị bệnh và ngăn ngừa biến chứng viêm phổi. 

Liên hệ với bác sỹ ngay nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Đi khám ngay nếu bạn có dấu hiệu viêm phổi, như: Khó thở, đau họng nghiêm trọng, ho ra chất nhầy màu xanh lá cây, sốt cao, đau ngực. Gọi cho bác sỹ ngay nếu trẻ em xuất hiện các triệu chứng: Khó thở, cáu gắt, không ăn hoặc không uống, quấy khóc nhiều. 

Phòng ngừa bệnh cúm thế nào? 

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vaccine phòng cúm. Để tránh bị nhiễm virus cúm, hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, sử dụng chất sát trùng tay có chứa cồn. Tránh đưa tay lên mũi, mắt và miệng. 

Để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau củ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và có biện pháp để kiểm soát căng thẳng.

Nếu bữa ăn không cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết, bạn nên dùng thêm thực phẩm chức năng. Nhớ hỏi ý kiến của bác sỹ, dược sỹ, chuyên gia để lựa chọn và sử dụng sản phẩm phù hợp nhất.
Vân Anh H+ (Theo healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp