Hiện, Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức nào về thực trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (hay còn gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức - Obsessive Compulsive Disorder – OCD), là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, là rối loạn của não bộ có nguyên nhân từ sự bất thường trong xử lý thông tin. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.
Nỗi ám ảnh… bẩn thỉu
Julia Adams, 15 tuổi, ở bang California, Hoa Kỳ, đang phải theo những buổi trị liệu tâm lý vì căn bệnh rối loạn ám ảnh của mình. Julia có sự ám ảnh về sạch và bẩn. Trước khi trị liệu, Julia sợ bẩn đến nỗi ngay cả chiếc ghế mà mẹ em vừa ngồi vào cũng phải được khử trùng, mà phải tự em lau chùi thật sạch mới dám ngồi vào. Quần áo của em luôn được giặt riêng, sau khi tự em khử trùng chiếc máy giặt của nhà. Và tắm thì phải hàng giờ mới thấy sạch bẩn. Ở lớp, mọi vật dụng của Julia luôn phải để theo đúng quy tắc, sắp xếp theo đúng trình tự. Và em luôn phải đạt vị trí cao nhất ở lớp, nếu không, đó là một nỗi buồn khiến em phải tự “tẩy rửa” mình trong nhiều giờ. Julia cũng không chơi với nhiều bạn bởi luôn lo sợ mình bị nhiễm bẩn từ bạn bè... Em luôn nghi ngờ mọi người có ý định làm mình bị ốm bằng cách nhiễm bẩn.
Trước những biểu hiện kỳ quặc của em, mẹ của Julia đưa em đi khám và biết được Julia bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Và nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ khi em mới bắt đầu đi học. Và Julia buộc phải theo những khóa trị liệu tâm lý kết hợp với dùng thuốc.
Người bệnh luôn sợ nhiễm bẩn từ người thân, bạn bè và đồ vật xung quanh
Sau khoảng 6 tháng điều trị tâm lý, bệnh tình của em có giảm bớt, nhưng vẫn còn những lo sợ kỳ quặc như sợ bị bệnh do nhiễm bẩn. Nhưng em không còn nhốt mình trong phòng tắm nhiều giờ, cũng như không còn phải lau ghế nhiều lần trước khi ngồi xuống nữa. Sự giúp đỡ của gia đình cũng giúp em giảm bớt sự nghi ngờ người khác. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc điều trị của Julia bằng các liệu pháp tâm lý có sự giúp đỡ từ người thân sẽ phải kéo dài, bởi tình trạng bệnh của Julia khá nặng khi được đưa đến viện.
Hiểu mình sai nhưng không cưỡng lại được
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng trong nhóm bệnh có liên quan trực tiếp đến stress và được xếp vào nhóm 10 bệnh lý gây ra tàn phế nặng nề nhất trên toàn cầu.
Người bị ảnh hưởng của bệnh có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được như rửa tay hàng chục lần dù tay rất sạch hay dành quá nhiều thời gian để sắp xếp đồ vật trong nhà quá mức gọn gàng không cần thiết. Những triệu chứng này thường bị nhẫm lẫn với một số hành vi hàng ngày (như phải nghe kể chuyện mới đi ngủ ở trẻ nhỏ) hoặc các nghi lễ tôn giáo lặp đi lặp lại, hay những lo lắng vừa phải trong một thời điểm nào đó của cuộc sống khi gặp những vấn đề khó giải quyết – thường chỉ diễn ra ở mức độ cảm xúc bình thường. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh thường diễn ra ở mức quá cần thiết và gây đau khổ, khó chịu cho người bệnh, khiến họ không cảm thấy thoải mái trong chính căn nhà của mình, tốn nhiều thời gian cho những hành vi này mà không tập trung được vào công việc. Bệnh thường biểu hiện rõ ở lứa tuổi thanh niên hoặc đầu trưởng thành, nhưng có tới 1/3 khởi phát từ khi tuổi còn nhỏ và thường để lại những tác động xấu lên sự phát triển của đứa trẻ.Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIMH) cho thấy có 2% dân số bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh ngang nhau, không phân biệt dân tộc, quốc gia. Tại Mỹ, có khoảng 2,2 triệu người trưởng thành bị ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Hơn 50% khởi phát sau các sang chấn tâm lý. 50% khởi phát một cách đột ngột. Đa phần bệnh nhân có những rối loạn kèm theo như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu khác hay trầm cảm.
Hầu hết những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế đều hiểu rõ tính chất vô ích của sự ám ảnh. 80% số người mắc bệnh thừa nhận những hành vi của mình là vô lý. Họ đấu tranh mãnh liệt với những ý muốn không mong muốn và hành vi cưỡng chế này. Nhưng, phần nhiều chỉ hiệu quả khi họ đang ở trong một môi trường bó buộc hoặc đang phải thực hiện một công việc nghiêm túc. Nhưng qua thời gian đó, sự kháng cự yếu đi và họ bị hành vi đó chi phối.
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân để người bệnh hiểu
và nhận thức đúng về những vấn đề gặp phải
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Nhưng những người có tính cầu toàn, hoàn hảo trong mọi việc thường gặp các rối loạn này hơn. Ví dụ, một đứa trẻ học giỏi, là sự kỳ vọng của cha mẹ và thầy cô, dần dần có những biểu hiện kỳ lạ như luôn phải là người hoàn hảo, sách vở, quần áo luôn phải đặt đúng một vị trí nào đó. Sự ám ảnh đó còn kéo theo cả ám ảnh về thời gian thực hiện và phải tự mình làm mọi việc, nếu không thì lo lắng sợ bẩn...
Dùng thuốc + trị liệu hành vi
Hiện nay, trị liệu hành vi là phương pháp điều trị kết hợp với dùng thuốc đang cho kết quả tốt dù thời gian điều trị kéo dài. Phương pháp này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về rắc rối của bản thân và giúp họ đối diện với vật thể hoặc ý tưởng khiến họ sợ hãi. Phương pháp này được gọi là “đối diện và đáp trả”. Tức là, bệnh nhân suy nghĩ và chủ động lựa chọn để đối diện với vật thể hoặc ý nghĩ khiến họ lo sợ – trực tiếp hoặc qua trí tưởng tượng. Đồng thời, họ được khuyến khích để kiểm hoát hành vi cưỡng chế cùng với người giúp đỡ – có thể là bác sỹ trị liệu hoặc người thân mà họ tin tưởng. Ví dụ, với một bệnh nhân có hành vi cưỡng chế rửa tay nhiều lần thì được khuyến khích là kiềm chế ham muốn rửa tay trong vài giờ cho đến khi cường độ lo âu này giảm. Quá trình điều trị này được tiến hành từng bước theo khả năng kiểm soát lo âu và hành vi cưỡng chế của bệnh nhân. Khi quá trình điều trị có kết quả, phần lớn bệnh nhân dần dần giảm bớt lo âu do các ý nghĩ ám ảnh gây nên và họ cũng giảm được hành vi cưỡng chế. Ước tính, có khoảng 76% số bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế được điều trị khỏi sau từ 3 tháng đến 6 năm với phương pháp “đối diện và đáp trả” này.
Một yêu cầu trong trị liệu với bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế là sự giúp đỡ của người thân. Trước hết là để giúp người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế uống thuốc và chăm sóc, giúp đỡ họ khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Thứ hai là động viên và khích lệ khi họ có bất kỳ tiến bộ nào, dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, người giúp đỡ cần hiểu rõ ràng và đầy đủ về căn bệnh này để giúp việc điều trị trong phạm vi tốt nhất có thể và giữ cho các rắc rối trong vòng kiểm soát.
Tương tự các dạng bệnh lý tâm thần khác, áp dụng phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh bằng thiền định cũng cho hiệu quả rõ rệt và lâu dài. Qua những khóa thiền, người bệnh có khả năng kiềm chế tốt hơn những hành vi lệch chuẩn, đồng thời, tìm được biện pháp để thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống bằng cái nhìn tươi mới hơn.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh
Bình luận của bạn