Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), riêng năm 2012 có khoảng 371 triệu người mắc bệnh này. Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, từ nay đến năm 2030, ở Việt Nam, cứ 10 người sẽ có một người mắc bệnh đái tháo đường. Các ca tử vong do bệnh này cũng tăng lên gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2030. Dự báo, từ nay đến năm 2030, số người Việt Nam có triệu chứng rối loạn chuyển hóa glucose, một dạng tiền đái tháo đường, sẽ lên đến 8 triệu người.
Người đái tháo đường bị mất cơ chế kiểm soát đường huyết. Hậu quả là mức đường huyết trong cơ thể dao động, tăng cao và cuối cùng dẫn đến các biến chứng nặng như suy thận, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, nhiễm trùng... Theo khảo sát từ Nielsen: đái tháo đường, ung thư và HIV hiện được xem là ba mối quan tâm sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu ung thư và HIV được đề cao cảnh giác và có nhiều hiểu biết về bệnh thì đại đa số người dân vẫn xem nhẹ sự tấn công lặng lẽ của đái tháo đường. Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho công tác truyền thông, giáo dục nhận thức về đái tháo đường.
Mới đây, tờ The New York Times đã đăng tải những thông tin đa chiều và cô đọng, cập nhật hiện trạng đái tháo đường Việt Nam. Trong đó, tờ báo này phân tích, sau chiến tranh, cuộc sống thanh bình ở Việt Nam đang bị đe dọa bởi những bệnh lý phát sinh do sự giàu có gây nên, gồm nhồi máu cơ tim, béo phì và đái tháo đường.
Rất khó để chỉ ra nguyên nhân cho sự tăng vọt về tổng lượng người đái tháo đường, nhưng các bác sĩ Việt Nam cho biết căn nguyên sâu xa chính là quá trình "Phương Tây hóa và đô thị hóa" thiếu bền vững, dẫn đến những thay đổi về lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người dân. Khi còn trẻ, nhiều người ở nông thôn, có lối sống thanh nhàn, khẩu phần ăn đa dạng và vừa phải, kết hợp với vận động thường xuyên. Khi điều kiện kinh tế khá hơn, hoặc khi chuyển đến các thành phố lớn, nếp sống cũng ít nhiều thay đổi. Chế độ dinh dưỡng thường giàu năng lượng cộng với lối sống ít vận động, chịu áp lực lớn từ công việc. Tất cả khiến năng lượng nạp vào sẽ dư thừa trong khi năng lượng tiêu hao thì giảm đi. Chính năng lượng dư thừa đó đã tạo ra những bệnh chuyển hóa, đặc biệt là đái tháo đường. Một điều đáng buồn là nhiều người đang suy yếu vì ăn uống thiếu khoa học chứ không phải vì thiếu ăn.
Hiện nay, đái tháo đường không còn là bệnh của người giàu, của người béo phì như người dân vẫn thường nghĩ. Thực tế, cả người giàu lẫn người nghèo, ốm hay gầy, ở vùng nông thôn hay thành phố, ai cũng có thể mắc bệnh.
Chương trình quốc gia về phòng, chống đái tháo đường cũng đã đề cập từ năm 2006-2010 rằng cần phấn đấu đạt 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do đái tháo đường gây ra; giảm tỷ lệ đái tháo đường không được phát hiện trong cộng đồng xuống dưới 60%. Tuy nhiên, thực tế, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, dẫn đến nguy cơ về một đại dịch đái tháo đường nếu không có những hành động ngăn chặn kịp thời.
Triệu chứng thường thấy của bệnh đái tháo đường là khát nước, mắt mờ, đi tiểu liên tục, cơ thể mệt mỏi và sụt cân… Tuy nhiên, những triệu chứng này thường rất khó nhận biết. Nhóm nguy cơ mắc đái tháo đường: Với những người trên 40 tuổi và có thêm hai trong số các yếu tố: trong gia đình có người thuộc thế hệ cận kề mắc đái tháo đường tuýp 2; huyết áp từ 130/80 trở lên; chỉ số BMI khối cơ thể từ 23 trở lên; phụ nữ từng sinh con trên 3,8 kg hoặc có tiền sử sẩy thai, thai lưu liên tục; người có công việc tĩnh tại, ít hoạt động thể lực... Để kịp thời phòng ngừa, quản lý và đẩy lùi biến chứng đái tháo đường, người dân nên tầm soát Đái tháo đường 6 tháng một lần. Nếu kiểm tra đường huyết đói từ 100mg/dL đến 125mg/dL (5,6mmol/L- 6,9 mmol/L) hoặc đường huyết 2h sau khi uống đường từ 140mg/dL đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,1 mmol/L) thì bị coi là tiền đái tháo đường. Nếu có đường huyết đói trên 125mg/dL hoặc đường huyết 2 giờ sau khi uống đường từ 200mg/dL trở lên thì đã mắc đái tháo đường.
|
Bình luận của bạn