Sơ cứu sai - Dễ mất mạng!

Chưa cố định vết thương mà vội vã di chuyển nạn nhân khỏi hiện trường có thể khiến họ gặp phải tình huống nguy hiểm

Đứt dây thắng - Tai nạn phòng the thường gặp

Đuối nước là tai nạn gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Việt

Những vụ tai nạn thủy điện chấn động

Thuốc "góp phần" gây tai nạn

5.000 người cùng cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông

Nhẹ thành nặng nếu xử trí không đúng

Qua cuộc điều tra với quy mô nhỏ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thì hầu hết những người dân được hỏi đều không biết xử lý thế nào khi gặp phải người bị tai nạn giao thông. Còn nếu cứ yêu cầu họ đưa ra phương pháp xử lý của mình thì phần lớn người tham gia đều có phương pháp xử lý không đúng, có thể làm cho tình trạng của nạn nhân trở nên nguy hiểm hơn.

Theo thông tin từ các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức, có rất nhiều trường hợp người bị tai nạn chỉ đơn giản là gãy chân, gãy tay nhưng do không được sơ cứu đúng cách nên cuối cùng chân, tay đã phải cắt đi do bị hoại tử. Nhiều trường hợp bị tổn thương đốt sống cổ ở tình trạng nhẹ, người xung quanh không biết cách sơ cứu lại bế xốc nạn nhân rời khỏi hiện trường khiến tổn thương thêm nặng, dẫn đến liệt toàn thân, có trường hợp còn không thể cứu được.

Thạc sỹ điều dưỡng Trần Văn Oánh (Bệnh viện Việt Đức) cho hay, đây là thời điểm người bị tai nạn giao thông gia tăng. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt, lao động hay chơi thể thao, người dân nếu sơ ý đều sẽ gặp phải những tai nạn không đáng có. Ở các trường hợp này, tai nạn thường gặp nhất là gãy xương. “Khi bị tai nạn cần phải đưa nạn nhân tới bệnh viện để được chữa trị, tuy nhiên, trước đó cần phải sơ cứu tạm thời cho bệnh nhân”, BS. Oánh nói.

Giải thích nguyên nhân, bác sỹ cho hay, với một số vết thương như chấn thương cổ, đứt động mạch nếu không được sơ cứu ngay, sơ cứu đúng cách thì từ một chấn thương nhỏ cũng có thể phải cắt bỏ cả một bộ phận của cơ thể, thậm chí nạn nhân có thể tử vong.

Cũng đồng quan điểm, ThS.BS Võ Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết thêm, để sơ cứu đúng cách, điều đầu tiên khi gặp người bị tai nạn là kiểm tra xem họ còn tỉnh hay không. Nếu còn tỉnh, phải hỏi rõ họ đau ở đâu để có hướng xử lý đúng. Đặc biệt, đừng vội vã di chuyển nạn nhân vì có thể họ đã bị gãy xương nên việc xốc vội nạn nhân lên khi chưa cố định sẽ rất nguy hiểm.

Kiểm tra nạn nhân còn thức hay tỉnh, hỏi họ đau ở đâu để đưa ra hướng xử lý (Ảnh: Hoichuthapdo)

Loại gãy xương thường gặp

Gãy đốt sống cổ: Biểu hiện là nạn nhân sẽ đau ở vùng cổ phía sau. Khi gặp phải trường hợp này, không được để cổ nạn nhân vận động mà phải đỡ đầu và cổ họ cho đến khi cán bộ y tế đến cấp cứu. Trong khi chờ xe cứu thương, việc nên làm là giải phóng bệnh nhân khỏi các vật cản như mũ, xe, nới rộng cổ áo và lót một vòng đệm cổ.

Có thể tự chế vòng đệm cổ bằng cách gấp một tờ báo lại với bề rộng khoảng 10cm. Sau đó dùng băng tam giác gói lại hoặc nhét tờ báo đã gấp lại đó vào trong một chiếc tất dài, đặt phần giữa của vòng đệm cổ vào phía trước của cổ ngay phía dưới cằm, xé quần áo nạn nhân quấn xung quanh cho êm, tạo thành một mảng nẹp. Quấn vòng đệm quanh cổ nạn nhân và buộc nút ở phía trước của cổ. Việc quấn phải bảo đảm chắc chắn rằng vòng đệm cổ không gây cản trở đường thở. Khi vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế phải cho nạn nhân nằm, tuyệt đối không được ngồi.

Gãy xương sống (gãy cột sống): Gãy cột sống khó phát hiện hơn gãy những xương khác vì vùng này không bị rời ra, do đó cần để nạn nhân nằm yên, gấp vải, chăn để dọc sát 2 bên thân. Đỡ vai và khung chậu của nạn nhân rồi đặt đệm mềm vào giữa 2 chân. Buộc băng hình số 8 ở quanh cổ chân và bàn chân, buộc các dải băng to ở đầu gối và đùi. Khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế, cần nhiều người nâng đỡ đặt nạn nhân nằm cố định trên đệm cứng với tư thế duỗi thẳng trên một mặt phẳng.

Gãy khung chậu: Xương chậu là xương xốp nên khi gãy gây chảy máu nhiều, dễ bị sốc, hay tổn thương đến nội tạng và gây nhiều tai biến, có thể dẫn tới tử vong.

Cần đặt nạn nhân nằm ngửa, chân duỗi thẳng, dùng gối, chăn, màn mỏng kê ở dưới gối. Buộc 2 vòng băng to bản ở khung chậu, băng số 8 xung quanh mắt cá chân và bàn chân và băng một băng rộng bản ở đầu gối. Người sơ cứu cần khuyên nạn nhân bất động, chờ nhân viên y tế đến vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở y tế gần nhất để được điều trị (Ảnh: Hoichuthapdo)

Chấn thương cột sống lưng - thắt lưng: Đây là đoạn cột sống hay bị chấn thương nhất. Khi bị chấn thương, các đốt sống có thể bị gãy, các dây chằng đĩa đệm bị rách, đứt và vỡ. Chấn thương vùng thắt lưng có thể phối hợp với các thương tổn trong ổ bụng như chảy máu trong ổ bụng, vỡ ruột hoặc các nội tạng rỗng, tổn thương niệu quản, bàng quang, gan, lách. Trường hợp này cần đặt nạn nhân lên một tấm ván cứng có chiều dài bằng cơ thể. Trong khi nâng nạn nhân lên cáng, cố gắng đừng để cột sống bị xoắn và gấp góc. Dùng vải buộc 2 chân bệnh nhân với nhau, buộc thân người và cố định đầu bệnh nhân vào cáng. Khi vận chuyển tới cơ sở y tế, không để bệnh nhân bị dịch chuyển, người bị nghiêng.

Người bị nạn ở tư thế phức tạp, xử lý như người bị thương ở cột sống cổ         

Với những người bị nạn đã bất tỉnh nhân sự thì ưu tiên cấp cứu vẫn là hồi sinh tim bằng biện pháp ép tim song song với việc cố định cột sống cổ. Tiếp theo là kiểm tra đường thở xem có thông suốt hay không. Kế đến mới là hô hấp nhân tạo và kiểm tra các hoạt động thần kinh khác. Nếu sửa tư thế nạn nhân để tiến hành các bước sơ cứu khác mà không đánh giá được tổn thương cột sống cổ thì rất có thể làm tắc đường dẫn truyền thần kinh, tác động đến hệ thần kinh tự trị chi phối tim, phổi, từ đó có thể làm nạn nhân ngưng tim, ngưng thở.

Nếu nạn nhân bị nạn ở tư thế phức tạp, ngã từ trên cao xuống… thì dù chưa xác định được cũng phải xử lý như người đã bị thương ở cột sống cổ. Có thể để họ nằm ngửa và dùng vật chèn như cục gạch, miếng gỗ có quấn thêm vải… hoặc đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn (dù tư thế nào cũng phải bảo đảm việc hô hấp dễ dàng). Sau khi cố định chắc chắn thì mới tiến hành các bước sơ cứu khác.

Trong trường hợp không biết rõ cách sơ cứu nạn nhân, cần gọi 115, chờ đội cấp cứu đến và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế trực đường dây nóng này. "Nếu tình huống quá khẩn cấp, tốt nhất đưa nạn nhân bằng taxi sau khi đã sơ cứu đúng cách. Không nên chở họ bằng xe máy vì nạn nhân sẽ ngồi ở vị trí không thuận lợi, khiến tổn thương càng thêm nặng", BS. Oánh cho hay.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp