Một nghiên cứu mới giúp xác định những gì Viện Nha khoa Nhi Mỹ khẳng định, rằng sốt cao hơn 39 độ không nên quy kết cho bất cứ vấn đề gì về răng, bao gồm mọc răng. Điều này cũng giúp đánh tan niềm tin xưa nay rằng tiêu chảy có liên quan đến mọc răng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩMichael L. Macknin, khoa nhi và chăm sóc vị thành niên tại Bệnh viện Cleveland ở Ohio (Mỹ) và các đồng nghiệp đã theo dõi 125 trẻ ở độ tuổi 3-6 tháng trong suốt 8 tháng. Trong quá trình này, bố mẹ các bé giữ một cuốn nhật ký hằng ngày ghi lại nhiệt độ của con, thời điểm răng nhú và danh sách 18 triệu chứng. Tất cả những lần bị bệnh, dùng thuốc và chủng ngừa cũng được ghi lại.
Giai đoạn mọc răng được xác định là giai đoạn 8 ngày, gồm 4 ngày trước khi răng nhú và kéo dài 3 ngày sau đó.
Kết thúc nghiên cứu, trong số các trẻ được theo dõi, hơn 35% không có triệu chứng gì suốt giai đoạn 8 ngày mọc răng. Những trẻ khác thì chán ăn, hay cắn, nhỏ dãi, xoa tai, cọ xát lợi, nổi mẩn đỏ trên mặt, nhiệt độ bất thường và khó ngủ. Hay cắn, nhỏ dãi, cọ xát lợi, khó chịu và hay mút xảy ra với tần suất lớn hơn trong quá trình mọc răng.
Nhiệt độ cao, nhưng dưới 39 độ, là một dấu hiệu của mọc răng nhưng chỉ một ngày trước và một ngày răng thực sự nhú. Nhiều người tin là mọc răng gây ra tiêu chảy nhưng nghiên cứu cho thấy dấu hiệu này chỉ rất nhẹ, ở hai bé.
Sau khi xem xét nghiên cứu này, Zuhair Sayany, giáo sư về nha khoa nhi ở Đại học Pennsylvania School of Dental Medicine, Philadelphia (Mỹ) nói rằng, thực tế nhiều triệu chứng được cho là do mọc răng nhưng thực sự là vì bệnh nghiêm trọng khác.
Rachel Berger, giáo sư nhi tại Bệnh viện Nhi ở Pittsburgh khuyên, bố mẹ nên chú ý khi thấy các triệu chứng như nhiệt độ tăng cao hơn 39 độ, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những dấu hiệu khác như ho, chảy nước mũi, giảm đi tiểu, nôn vì nó không liên quan đến mọc răng. Nếu trẻ không chơi đùa như bình thường, đó thực sự là dấu hiệu bệnh, và bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ. Tiêu chảy nặng và nhiệt độ cao hơn 39 độ không phải do mọc răng và bạn cần hỏi ý kiến thầy thuốc.
Thông thường, chiếc răng đầu tiên xuất hiện khi bé 6-8 tháng. Hai chiếc răng cửa dưới nhú ra đầu tiên, tiếp đó là răng cửa trên. Bạn thường thấy những chiếc răng hàm đầu tiên xuất hiện khi bé lên 1 tuổi.
Joana Ramos-Jorge, một nha sĩ nhi khoa ở Brazil, cũng đã thực hiện một nghiên cứu 8 tháng về quá trình mọc răng của trẻ và các triệu chứng liên quan sau quá trình, cô thấy các bậc phụ huynh thường tìm đến mình nhờ chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé trong khi thực sự trẻ bị bệnh khác, như bệnh do virus.
Nghiên cứu của cô cho thấy các triệu chứng liên quan đến mọc răng bao gồm phát ban, chảy dãi, chảy nước mũi, tiêu chảy nhẹ trong thời gian ngắn, cáu kỉnh, chán ăn và tăng nhiệt độ nhẹ. Các triệu chứng này không nghiêm trọng và không kéo dài, thường bắt đầu khi răng nhú lên và kéo dài đến ngày hôm sau. Các bé bị bệnh thì triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng hơn.
Để giảm bớt khó chịu cho bé, đầu tiên có thể thử cho bé dùng thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol. Nếu bé mọc răng, con sẽ cảm thấy khá hơn. (Nếu nó không có tác dụng, có thể không phải bé bị mọc răng). Ngoài ra có thể đưa cho bé một vòng nướu ngậm lạnh và bế bé đi dạo chơi.
Bình luận của bạn