Một số bệnh lây nhiễm do virus đang bùng phát bất thường
Tổng vệ sinh nhà ở, phòng muỗi vằn gây sốt xuất huyết
Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ
33 quốc gia ghi nhận viêm gan "bí ẩn", Việt Nam ứng phó thế nào?
Giải đáp những thắc mắc thường gặp về bệnh cúm A
COVID-19 chưa qua, sốt xuất huyết đã tới
Theo báo Tuổi Trẻ, tại kỳ họp sáng 7/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng lo ngại nguy cơ COVID-19 tái bùng phát và chồng lên dịch sốt xuất huyết.
Tính đến ngày 5/7, thành phố đã có hơn 23.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 11 trường hợp tử vong (có cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn). Năm nay, Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo sự gia tăng dần chủng virus sốt xuất huyết DEN-2 sẽ khiến số ca mắc và số ca bệnh nặng sẽ tăng cao.
Thành phố cũng đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 qua tầm soát ngẫu nhiên. Số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ, bởi 2 biến thể phụ này được cho là có tốc độ lây lan nhanh hơn. Tại Mỹ, BA.4 và BA.5 dần áp đảo các biến thể đang lưu hành, chiếm 70,1% số ca mắc mới. Các chuyên gia dự báo 2 biến thể này đang dần chiếm chủ đạo và số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tuần tới.
Sau 2 năm nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, ngành y tế TP.HCM đang đối mặt với 3 “thách thức”: Nguy cơ dịch chồng dịch; Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập. Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhận định: “Nếu để dịch chồng dịch thì nguy cơ quá tải hệ thống y tế là hiện hữu, nguy cơ đứt gãy hệ thống y tế là khó tránh khỏi.”
Cúm A trái mùa
Các tỉnh miền Bắc cũng đã ghi nhận lẻ tẻ các ca mắc sốt xuất huyết. Đa phần trong nhóm này có tiền sử trở về từ các tỉnh, thành phố miền Nam.
Ngành y tế dự báo, cao điểm dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc năm nay có thể xảy ra vào tháng 8. Chia sẻ với báo chí, BS Nguyễn Thu Hường – Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, sự thay đổi thời tiết có thể khiến chu kỳ phát triển của muỗi thay đổi, dẫn đến dịch sốt xuất huyết đến chậm hơn. Do đó, nhiều khả năng, dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ phát triển trong khoảng thời gian từ tháng 7-11.
Cũng theo BS Hường, tình trạng bất thường năm nay là số ca mắc cúm A (H1N1) tăng vọt trước cả dịch sốt xuất huyết. Cúm A vốn phát triển mạnh vào mùa Đông Xuân, trong thời tiết lạnh và nồm ẩm. Mùa Hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát.
Nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận số bệnh nhân đến khám vì cúm A tăng vọt. Trong hàng trăm trường hợp đến khám mỗi ngày tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A. Các bác sỹ lý giải, một trong những nguyên nhân có thể do 2 năm qua, virus này bị SARS-CoV-2 chiếm mất “vật chủ” là con người. Do đó, khi dịch COVID-19 lắng xuống, các virus khác bùng lên.
Từ thực tế này, có thể thấy, khi trở về “bình thường mới” với dịch COVID-19, chúng ta phải lường trước và chấp nhận sự quay trở lại của một số bệnh lây nhiễm do virus khác, như: Cúm mùa, sốt xuất huyết, hay thậm chí là sự xuất hiện của virus đậu mùa khỉ. Adenovirus cũng gia tăng bất thường sau đại dịch, được cho là có liên quan tới tình trạng viêm gan "bí ẩn" ở trẻ em trong 6 tháng đầu năm.
Thêm gánh nặng cho hệ thống y tế
Hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia. Không ngoại lệ, ở Việt Nam, theo Bộ Y tế tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Riêng TP.HCM năm 2021 có 1.154 người, 6 tháng đầu năm 2022 có 874 người, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng thiếu bác sỹ có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết đã khiến tình hình chống dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM căng thẳng hơn.
Không chỉ thiếu nhân lực, nhiều bệnh viện lớn trên cả nước đang phản ánh tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Trong đó, tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị sốt xuất huyết đang là vấn đề cấp bách nhất. Dịch COVID-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, dẫn tới tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 ở nhiều địa phương. Hiện các bệnh viện đang sử dụng một số dịch truyền thay thế nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa, giải pháp chủ động ngăn chặn bệnh lây lan là củng cố miễn dịch, tiêm nhắc định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế. Hiện nước ta có đủ vaccine phòng COVID-19 để triển khai tiêm nhắc lại cho người dân. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19.
Với cúm A, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cúm hàng năm; Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng để có sức đề kháng; Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Đeo khẩu trang cũng giúp hạn chế lây nhiễm với nhiều virus lây qua đường hô hấp, từ SARS-CoV-2 đến cúm A.
Giữ vệ sinh nơi ở cũng là biện pháp chính giúp phòng tránh sốt xuất huyết: Loại bỏ nơi cư trú của bọ gậy, lăng quăng; Lật úp, đậy kín các dụng cụ chứa nước đọng; Phun hóa chất diệt muỗi.
Bình luận của bạn