Sứ mệnh Xanh và khát vọng một đời

TGĐ Sơn Kim: Thành công đến từ một tập thể

TGĐ Vietnamcacao: Kỳ vọng tạo nên kỳ tích

TGĐ Bảo Tín Minh Châu:"Biết tiêu tiền thông minh mới là người giàu"

TGĐ Nguyễn Vĩnh Trân: Không chấp nhận "chưa đánh đã hàng"

TGĐ Nguyễn Xuân Đình: Tâm tạo thế

25 năm trong chuỗi biến thiên của lịch sử chỉ như một chớp mắt. Nhưng với một đời người lại là một chặng đường đủ dài để ghi nhận, trải nghiệm những thăng trầm, những được và mất… Ông Nguyễn Hữu Sơn không phải người hay thay đổi. 14 năm quân ngũ và sau đó là gần 25 năm gắn với “nghiệp xe đạp”, đủ thấy, độ kiên nhẫn và sức bền của ông đến đâu. Ông đã chứng kiến sự hưng thịnh của chiếc xe đạp Việt như một phương tiện di chuyển không thể thiếu khi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn. Rồi ông cũng chứng kiến sự khốn khó của thân phận xe đạp Việt khi hàng nhập lậu Trung Quốc tràn về, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất xe đạp trong nước lụn bại và tan rã. Ông và Thống Nhất phải kiên cường và sáng tạo để tìm ra lối đi cho mình nhằm đưa thương hiệu có bề dày lịch sử hơn 50 năm không chỉ qua khúc khó khăn mà còn tiến lên phía trước…


Tôi nhớ, cái thời nền kinh tế chuyển mình mở cửa đầy khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên trông thấy, chiếc xe đạp thất thế để nhường chỗ cho sự chạy đua sắm sanh những chiếc xe máy. Rồi sau đó là ô tô… Phố xá đông vui và phố xá cũng ách tắc, ô nhiễm theo tỷ lệ thuận của sự xuất hiện các loại xe cơ giới…

Ở cái thời hoàng kim tăng trưởng đến chóng mặt của xe máy, rồi sau đó là ô tô, chiếc xe đạp dường như bị đẩy xuống thứ yếu trong đời sống cũng như trong hệ thống chính sách, ông Sơn cũng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đưa xe đạp trở lại đời sống cộng đồng. Tự nhủ - có đi ắt có đến – ông lại bền bỉ theo cách riêng để chèo lái doanh nghiệp gia tăng giá trị cho chiếc xe đạp Thống Nhất, để đưa nó vượt ra ngoài biên giới, lăn bánh trời Âu và nhiều nước khác nữa…

Những vòng quay trở lại

Là một người chịu khó đi, ông từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới. Mắt thấy và không thể không trăn trở, khi mà, càng những nước phát triển, chiếc xe đạp càng có vai trò trong đời sống cộng đồng. Không chỉ dân thường mà cả những nhân vật VIP cũng lựa chọn xe đạp như một lời tuyên bố cá nhân về bảo vệ môi trường, tuân thủ lối sống Xanh. Ấy thế mà ở quê hương mình, đi xe đạp vẫn đồng nghĩa với thân phận thấp kém hơn trong xã hội. Thay đổi nhận thức ấy quả là không dễ, nhưng không phải là không thể, ông Sơn từng khẳng định với tôi trong cuộc gặp vài năm trước. Cái cách ông lực chọn từ ngữ “đánh thức” khi nói về những tác động đến cộng đồng và Chính phủ để có được một chiến lược cho xe đạp từng khiến tôi rất tâm đắc cho dù không tránh khỏi hồ nghi…

- Có một thực tế, giờ đây, ra đường, đã nhận thấy sự tham gia giao thông ngày một nhiều của chiếc xe đạp với đủ loại hình – xe đạp thường, xe thể thao, xe đạp điện… Ông hẳn nhiên là thấy vui vì điều đó?

Dĩ nhiên là rất vui chứ! Còn nhớ 3 năm về trước, ở Thống Nhất, để khuyến khích cán bộ công nhân viên đi xe đạp đến cơ quan, công ty hỗ trợ mỗi người được nhận 10 nghìn đồng cho một ngày đi xe đạp. Thống Nhất cũng hợp tác với tập đoàn FPT để phát động phong trào đi xe đạp…. Giờ đây, chúng tôi đã bỏ chế độ hỗ trợ tiền cho cá nhân thay vào đó là những hỗ trợ tài chính cho các câu lạc bộ đạp xe của công ty và cộng đồng. Nhờ vậy, đến giờ phong trào đạp xe đi làm ở Thống Nhất ngày một lan rộng… Đó là nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Còn nhìn rộng ra cộng đồng, thật vui vì đã có rất nhiều người lựa chọn đạp xe như loại hình luyện tập và sử dụng để đi làm hàng ngày… Tôi có niềm tin, chiếc xe đạp sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn nữa trong đời sống người dân đô thị.

- Tôi thì đang tự hỏi, việc có ngày một nhiều người đạp xe đạp cho thấy một trào lưu, có thịnh rồi có suy. Hay sẽ là một xu thế tất yếu, thưa ông?


Có một thực tế, cơ sở hạ tầng của chúng ta kém, những dịch vụ đi kèm để phát triển việc đi xe đạp (những bãi cho thuê xe…) chưa có nhiều, lại cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa hè nắng nóng, mùa đông thì quá rét buốt…. vậy nên, phong trào đạp xe đạp khó nhân rộng. Có nhiều người dân chọn loại hình thể thao là xe đạp nhưng lại không đủ kiên nhẫn để đạp đi làm cũng vì những bất cập nói trên. Tuy nhiên, từ thực tế ở nhiều nước, tôi tin rằng, xu thế sử dụng xe không khói trong giao thông là tất yếu. Việt Nam cũng sẽ phát triển như vậy, có điều là nhanh hay chậm mà thôi. Một khi đã tạo được chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân, cộng thêm cơ chế thích hợp từ nhà nước thì điều đó hiển nhiên là sẽ sớm thành hiện thực, bầu khí quyển sẽ được cứu kịp thời hơn…


- Ông từng trăn trở về việc đánh thức cộng đồng, giờ điều đó phần nào đã thành hiện thực. Vậy còn vế “đánh thức những nhà soạn thảo” cơ chế chính sách, liệu bao giờ có được chiến lược cho xe không khói?

Đất nước chúng ta phát triển nhanh, đó là điều đáng mừng, nhưng mặt khác, chúng ta buộc phải trả giá khá đắt về môi trường, cho việc coi xe gắn máy và ô tô là thước đo cho sự giàu có, sang trọng. Thực ra, khi xã hội phát triển đến một mức nào đó, người ta lại muốn quay về với “ngày xưa”. Như ở Mỹ, châu Âu, hay một số nước châu Á, ai đi xe đạp đến công sở đều được sự trân trọng của đồng nghiệp vì đó là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ở nhiều nước, họ còn phân luồng giao thông riêng cho xe đạp, xe đạp được quyền đi trên vỉa hè, vậy nên họ tinh tế đến mức khi xây dựng vỉa hè, luôn làm thoai thoải để tiện cho việc lên xuống của xe đạp. Có nước còn có những ý tưởng kinh doanh cổ súy cho xe đạp như rạp chiếu phim vừa xem phim vừa đạp xe đạp, hay vào một quán ăn, nếu bạn đạp xe sẽ được trừ tiền ăn… Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam có một chiến lược cấp quốc gia về phát triển xe đạp trong đời sống cộng đồng để có thể nhân rộng phong trào đi xe đạp. Chính phủ cần sớm có cơ chế khuyến khích cho công nghiệp xe đạp của Việt Nam để có được đội ngũ doanh nghiệp Việt đủ khỏe để phát triển xe đạp thương hiệu Việt trên sân nhà và cả ở sân khách.

Những vòng quay về phía trước

Có một thực tế, là người trong cuộc, ông Nguyễn Hữu Sơn thấy tương lai sáng sủa hơn từ chính việc người Việt đã hào hứng trở lại với chiếc xe đạp. Theo lý giải của ông thì triển vọng thị trường xe đạp vô cùng lớn, vì đây không còn là trào lưu mà là nhu cầu thiết yếu của người dân. Việt Nam đang theo xu hướng đi từ tiêu dùng xe đạp đến mức cao hơn, hưởng thụ xe đạp. Nhưng khi ông nhận thấy cơ hội cũng có nhiều đối thủ kinh doanh nhận thấy, và không ít người đã nhanh chân chia sẻ miếng bánh thị trường.

- Ông có cảm thấy sức nóng cạnh tranh ngày một rát hơn không? Ngày trước xe đạp nhập khẩu Trung Quốc có đủ khả năng khiến không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước phải điêu đứng. Giờ lịch sử liệu có lặp lại?

Thức lâu mới biết đêm dài. Tôi đã bám trụ đủ lâu với ngành sản xuất xe đạp đủ để không cảm thấy e ngại với cạnh tranh. Càng cạnh tranh càng cần phải có bản lĩnh và sự sáng tạo trong kinh doanh. Những điều ấy, Thống Nhất đã được tôi luyện trong lịch sử phát triển 50 năm của mình. Chúng tôi đang kéo hẹp dần khoảng cách giữa xe bình dân và xe cao cấp, giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu bằng việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã cho tất cả các dòng xe của Thống Nhất. Chúng tôi cũng đẩy mạnh mạng lưới bán hàng, tự tin mở các siêu thị xe đạp, thậm chí ở ngay phố chính như Tràng Thi (Hà Nội) để chất lượng dịch vụ bán hàng và hậu mãi được tốt nhất có thể. Trong cuộc đua này, chúng tôi có lợi thế vì đã thấu hiểu ngành nghề này và thực tế là đang kinh doanh tốt. Giờ là câu chuyện khiến cho mình tốt hơn, để từ đó bứt phá so với các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi không cho phép mình tụt lại trong chặng đua này.

- Ông có nói đến việc, làm cho chất lượng xe tốt hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhưng rõ ràng, thị trường có nhu cầu thực tế về hàng nhập khẩu, thưa ông?


Tâm lý của người mua xe là gì? Nếu họ cần một cái xe phục vụ nhu cầu đi lại thông thường với mức giá phù hợp thì tôi tin họ sẽ chọn xe Thống Nhất vì chất lượng được đảm bảo, giá cả cạnh tranh, hậu mãi tốt, thay vì chọn xe nhập khẩu mà không rõ chất lượng ra sao. Nhưng với những người có nhu cầu ở mức độ là thú chơi xe, hưởng thụ xe thì sẽ muốn tìm kiếm các loại xe nhập khẩu có thương hiệu. Đây là phân khúc khách hàng cũng triển vọng không kém để khai thác. Cho dù khủng hoảng kinh tế, vẫn có những chủ đầu tư rót vốn cho các trung tâm thương mại cao cấp, những sản phẩm xa xỉ vẫn có khách hàng của mình. Xe đạp cũng vậy, ngoài dòng phổ thông thì dòng xe cao cấp ngày càng có lượng khách hàng của mình. Và những doanh nghiệp nhạy bén thì không thể bỏ qua cơ hội này.

- Nếu dạo quanh thị trường xe đạp bây giờ, dễ có cảm giác ngợp vì nhiều cửa hàng nhập khẩu hoành tráng với nhiều thương hiệu lạ, quen. Người mua nhiều khi cảm thấy khó lòng mà lựa chọn?

Đúng là chưa bao giờ xe nhập khẩu về lại đa dạng như lúc này. Cũng có những nỗi e ngại về việc xe nhập khẩu có đảm bảo thiết bị, chi tiết, phụ tùng đi kèm có phải chính hãng hay không? Giá mua đã chuẩn chưa? Để chọn được loại xe mình cần thì người mua lúc này buộc phải tỉnh táo khảo sát và chọn lựa.

Để đáp ứng nhu cầu xe cao cấp, chúng tôi có hợp tác với Merida – thương hiệu xe thể thao hàng đầu thế giới nhập khẩu xe nguyên chiếc xe vào thị trường Việt Nam với sự trợ giá từ công ty mẹ. Có thể nói, đến lúc này, đây là dòng xe được nhập khẩu nguyên chiếc duy nhất tại thị trường Việt Nam. Xe được sản xuất tại Đài Loan nhưng thiết kế là của Đức, các chi tiết được tối ưu từ các nhà sản xuất hàng đầu của Đức và Italia. Chúng tôi thường ví von nhà sản xuất làm việc chặt chẽ đến mức, mỗi xe đều có một “lý lịch tư pháp riêng”. Vậy nên, khi bán sản phẩm, chỉ riêng viết bảo hành thôi đã rất công phu. Các loại xe Merida cũng rất phong phú có xe chưa đến 10 triệu đồng /chiếc nhưng cũng có xe lên đến gần 200 triệu đồng/ chiếc. Có thực tế khá thú vị, khi nhập khẩu bộ phận nghiên cứu thị trường nhìn nhận dòng xe có giá khoảng 10 triệu đồng/ chiếc sẽ hút hàng nhưng thực ra, dòng xe hot lại có mức giá 20 triệu đồng/ chiếc. Và ngay cả xe đắt nhất cũng đã có người mua. Đúng là thực tế kinh doanh luôn thú vị, có làm mới khám phá ra được nhiều điều.


- Ông từng nói, muốn thắng trong cuộc đua, mỗi tay đua đều phải có chiêu thức riêng của mình. Lúc này mới đưa dòng xe nhập khẩu cao cấp ra thị trường có phải một bước chậm chân so với đối thủ? Và đã chậm rồi thì phải sao đây?

Có nhiều cách đi, tôi thì chọn cách chậm nhưng phải chắc. Và phải có được nét riêng của mình. Phải thẩm định rất kỹ chúng tôi mới chọn hợp tác với Merida. Không chỉ dựa vào danh tiếng và thực lực của nhà sản xuất, điều chúng tôi hướng đến sâu sa hơn là mục đích của Merida là gì. Một khi họ khẳng định cam kết đi đường dài tại thị trường Việt Nam chúng tôi mới quyết định hợp tác. Thêm vào nữa, chúng tôi muốn đưa đến một khái niệm mới mẻ trong kinh doanh xe đạp nhập khẩu của Việt Nam theo hướng không chỉ dựa vào tên thương hiệu mà cần mang đến chuẩn mực mới trong kinh doanh. Chúng tôi cung cấp đồng bộ từ xe nguyên chiếc, thiết bị, dụng cụ thay thế, đồ đồng bộ đi kèm như mũ bảo hiểm, trang phục đạp xe, găng tay chuyên dụng… cùng thương hiệu và phẩm cấp của Merida cho khách hàng. Ngoài ra điều quan trọng nữa là, chúng tôi mang đến dịch vụ hoàn chỉnh khép kín cho khách hàng. Showroom không chỉ bày và bán sản phẩm, chúng tôi có phòng kỹ thuật để bảo dưỡng, sửa chữa, chăm sóc xe định kỳ cho khách hàng. Như vậy, khách hàng không chỉ chọn mua xe, mà quan trọng hơn là chọn được cả gói dịch vụ hậu mãi đảm bảo cho mình. Kinh doanh trong một thị trường đầy cạnh tranh hiện nay, yếu tố đảm bảo niềm tin cho khách hàng là tiêu chí số một của chúng tôi. Đây cũng là tiêu chí đảm bảo thành công mà chúng tôi đặt cược vào!

Và một sứ mệnh Xanh

Câu chuyện xoay quanh chiếc xe đạp không ngờ lại phong phú và thi vị vượt ra ngoài những con số hay dự định kinh doanh. Người đàn ông đối diện tôi đây không chỉ nói về xe đạp như nghề nghiệp kinh doanh chính mà với ông, đó đơn giản là đam mê cả một đời. Vì đam mê mà ông muốn truyền lửa cho đội ngũ kế cận để họ có thể bền gan gắn với chiếc xe đạp đến một cái đích – XANH, cho dù xung quanh người ta có thể đạt mục tiêu bằng những cách nhanh hơn.

Trong thâm tâm ông vẫn mong muốn chiếc xe đạp được trao sứ mệnh môi trường. Ông vẫn muốn lên tiếng, vẫn gõ cửa và đánh thức những ai còn thờ ơ với xe đạp. Cho đến khi nào, có một chiến lược cho xe không khói, chắc khi ấy ông mới yên tâm để tạm rút về với cuộc sống thường nhật điền viên khi được chính mình đạp xe hòa giữa dòng người mỗi ngày. Tôi chợt nghĩ người đàn ông này lựa chọn cho mình sứ mệnh Xanh. Ông có thể từng lạc điệu với thời cuộc khi khư khư bám trụ ngành nghề xe đạp. Nhưng giờ đây, ông không đơn độc!

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện