Phương pháp châm cứu chữa tự kỷ tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương
Mỗi ngày, tại khoa Tự kỷ - Bại não (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) có rất đông các bé được phụ huynh đưa đến khám - điều trị chứng tự kỷ và bại não. Theo chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Tự kỷ - Bại não Bệnh viện Châm cứu Trung ương thì nếu được phát hiện và điều trị tích cực sớm, khả năng tiến triển của các bé là hết sức khả quan. Chỉ cần cha mẹ đừng chủ quan…
Cứ tưởng con mình “chậm”!
Chị Nguyễn Minh Tâm - mẹ của bé Vũ Thành Công (10 tuổi, quê Quảng Ninh) kể: “Khi bé Công được 3 tuổi thì bắt đầu thấy những biểu hiện bất thường: không biết nói, không biết đi dép, không chịu mặc quần áo... Trong giao tiếp hàng ngày, khi mọi người đùa hay mẹ “hỏi chuyện”, bé không tiếp nhận, không nhìn vào mắt mẹ… Đặc biệt, cháu chỉ thích thơ thẩn chơi một mình…” Bằng cảm nhận của người mẹ, chị Tâm biết con mình “khác thường”, không được như những đứa trẻ khác nên đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đó, chị “chết đứng” khi nghe bác sỹ kết luận bé Công mắc chứng tự kỷ.
Qua tìm hiểu các phương pháp cũng như gặp các chuyên gia, chị Tâm kiên trì theo hướng điều trị của các bác sỹ là cho con dùng thuốc kết hợp với tập luyện. “Tuy vậy, hai mẹ con tôi theo tập và chữa trị ở Viện Nhi hơn một năm nhưng cháu không chuyển biến mấy. Chuyển sang những trung tâm điều trị tự kỷ khác cũng vậy. Tôi hoang mang lắm, không biết phải chữa cho con bằng cách nào…”- chị Tâm kể. “Cách đây 2 tháng, tôi nghe mấy mẹ có con cùng cảnh ngộ mách ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương có phương pháp điều trị cho trẻ tự kỷ bằng cách châm cứu và nhiều trẻ có kết quả tốt. Thế nên hai mẹ con lại dắt díu nhau đến đây…”
“Khi cho con đến đây khám, được bác sỹ tư vấn tôi mới biết con mình đã có những biểu hiện của chứng tự kỷ từ 6 tháng tuổi. Chẳng hạn, 6 tháng tuổi, cháu không biết cười lớn tiếng hoặc biểu hiện thích thú; không chia sẻ qua lại với những âm thanh, nụ cười, nét mặt…; Đến 9 tháng tuổi, cháu chơi với mẹ hời hợt, không biết nhìn mẹ; 12 tháng tuổi cháu chưa biết bập bẹ… Nhưng do thiếu hiểu biết, tôi chỉ nghĩ con mình chậm hơn trẻ khác và nên để con đến 3 tuổi mới cho đi khám và điều trị”, chị Tâm cười buồn.
“Thời gian đầu điều trị tại viện, giao tiếp cơ thể của cháu rất
kém, không thể hiện tình cảm, không biết sợ, không thể hiện được cái mình muốn…
Sau 2 tháng điều trị tại viện, tôi thấy cháu có những thay đổi rõ rệt. Bây giờ
cháu biết giao tiếp với tôi bằng hành động như ôm mẹ, vuốt má, vuốt tóc mẹ; biết
nhìn vào mắt mẹ để đòi thứ mình thích; biết sợ bác sỹ (nép vào người mẹ khi bác
sỹ đến, đánh lại bác sỹ khi bị tiêm đau); cháu biết tạo khẩu hình để nói từ
mình muốn nói nhưng âm chưa bật ra được; biết chơi chung đồ chơi với bạn; khi ở
viện ra về tôi bảo cháu lấy dép, mũ, ba lô và cháu lấy đúng đồ của mình… Ở nhà,
theo tư vấn của bác sỹ và những kinh nghiệm học được khi đưa con đi chữa trị tại
bệnh viện, trung tâm, tôi thường chơi cùng con các trò chơi vận động như nhận mặt
chữ, nhận thức đồ ăn, xâu hạt, tập nói (tôi tạo khẩu hình và nói từ để con bắt
chước)… Cũng là những tiến bộ đáng kể phải không?!” Chị Nguyễn Minh Tâm - mẹ của bé Vũ Thành Công
Cùng tâm trạng với chị Tâm, mẹ bé Luân (Hà Giang) bùi ngùi
chia sẻ: “Tôi cũng thấy con mình “chậm” như vậy: 24 tháng tuổi mà chỉ nói được
từ đơn nhưng không rõ, không nói được từ ghép.
Khi tôi hỏi chuyện cháu trả lời nhưng mắt nhìn đi chỗ khác. Đặc biệt là cháu
chỉ chơi một mình, đồ chơi không đa dạng và hay nhại lại lời người khác… Tôi
cho bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì các bác sỹ kết luận là bé chậm
phát triển trí não. Hơn một năm điều trị tại đó nhưng thấy
cháu vẫn nói từ đơn, thích chơi một mình nên tôi quyết định tìm cách khác. Cách
đây hơn 1 tháng, qua tìm hiểu tôi thấy phương pháp điều trị mới tại Bệnh viện Châm cứu
Trung ương đã chữa cho nhiều trẻ tự kỷ có kết quả tốt nên đưa con đến đây khám và
điều trị. Sau khi khám, các bác sỹ kết luận bé Luân mắc chứng tự kỷ và có dấu
hiệu bại não ở mức nhẹ…”.
Có phải do cha mẹ ghẻ lạnh, hắt hủi?
Có không ít ý kiến cho rằng trẻ bị tự kỷ là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Điều này là không đúng. Tự kỷ là một chứng rối loạn, khuyết tật thuộc về sinh học và chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nguyên nhân rõ ràng.
Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Văn, y học hiện đại cho rằng yếu tố
di truyền là nguyên nhân quan trọng nhất trong rối loạn phổ tự kỷ (trên gene yếu),
chiếm trên 90% các trường hợp. Ngoài ra, còn do các yếu tố như: môi trường, sự
nhiễm trùng virus, nhân tố quái thai, tác hại của pyrethin đối với phụ nữ có
thai, sự thiếu hụt tyroxin, sự căng thẳng của người mẹ trong tuần 8 -
12 của thời kỳ thai nghén…
Bác sỹ Nguyễn Quốc Văn - Trưởng đơn vị Tự kỷ - Bại não - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
Theo Đông y, hội chứng tự kỷ được quy về chứng “ngũ trì”, bao gồm: 1 - chậm phát triển vận động (tinh và thô); 2 - chậm phát triển ngôn ngữ; 3 - chậm phát triển trí tuệ; 4 - giao tiếp xã hội kém; 5 - rối loạn hành vi... Trẻ được xác định tự kỷ khi có dấu hiệu của 3 trong 5 triệu chứng này trở nên. Nguyên nhân hội chứng tự kỷ là do “khí tiên thiên bất túc” (nghĩa là khí do bố mẹ cho không được đầy đủ) nên làm ảnh hưởng đến chức năng của lục phủ ngũ tạng, từ đó, ảnh hưởng tới công năng các tạng phủ và dẫn tới bị bệnh).
Chữa trị với châm cứu
Căn cứ vào việc Đông y quy hội chứng tự kỷ về chứng ngũ trì, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đưa ra một phác đồ điều trị tự kỷ là “thanh nhiệt” (làm giảm nóng trong cơ thể do âm hư sinh nội nhiệt), “tỉnh thần” (giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn), “khai khiếu” (mở khiếu vì đông y coi tiếng nói là một khiếu), bổ ích ngũ tạng, bổ khí bổ huyết (bồi bổ lục phủ ngũ tạng : tâm, can, tỳ, phế, thận…).
Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tự kỷ
“Tùy từng trẻ đã được khám và chẩn đoán mà chúng tôi xây dựng phác đồ điều trị cụ thể(phương pháp điều trị, công thức huyệt...): điện châm kết hợp với thủy châm, cấy chỉ (đưa chỉ tự tiêu vào các huyệt) cùng với xoa bóp bấm huyệt và giáo dục kỹ năng sống…”, bác sỹ cho biết. Hiện tại, khoa Tự kỷ và Bại não có khoảng 40 – 50 trẻ đang được điều trị, với các mức độ bệnh khác nhau.
Với điện châm, trẻ được châm cứu vào các huyệt giúp thanh nhiệt, tỉnh thần, khai khiếu, bổ ích ngũ tạng, bổ khí, bổ huyết... Sau khi điện châm sẽ là thủy châm, với phương thức tiêm thuốc dưỡng não, bổ não, tăng dẫn truyền thần kinh…vào các huyệt như Phong trì, huyệt Á môn, Thượng liêm tuyền, Túc tam lý, Khúc trì, Hợp cốc... Với những trẻ không có điều kiện để điện châm và thủy châm hoặc nghỉ giữa các đợt điều trị thì sẽ được cấy chỉ (chỉ tự tiêu – Catgut). Chỉ được đưa vào các huyệt, thời gian chỉ tự tiêu sẽ gây kích thích các huyệt giống như phương pháp điện châm.
Thực tế cho thấy, mỗi trẻ có thể trạng và mức độ bệnh khác nhau, nên bác sỹ sẽ chọn các phương pháp khác nhau để điều trị. “Các bé bị tự kỷ thường có khiếm khuyết về vận động nên cần phải được xoa bóp bấm huyệt cho mềm cơ và khớp. Cùng đó là những bài tập vận động như: vận động thô (các động tác mạnh đòi hỏi sự gia lực như ném bóng vào rổ, xếp hình), vận động tinh (cử động nhỏ, khéo léo như xâu vòng, viết, tô màu) để trẻ có thể cầm bút viết và học; giáo dục kỹ năng sống có tác dụng kích thích phát âm, dạy giao tiếp, dùng các dụng cụ hỗ trợ để dạy trẻ…” bác sỹ Văn cho biết thêm. “Hiện nay, bệnh viện đang áp dụng phương pháp 1 giáo viên kèm 1 học sinh trong vòng 60 phút/ngày. Thời gian điện châm, thủy châm và học kỹ năng của các cháu kéo dài khoảng gần 2 giờ/ngày”.
Bảng tham khảo các dấu hiệu để nhận biết trẻ tự kỷ - Không biết cười lớn tiếng hoặc biểu hiện thích thú trước 6 tháng tuổi - Không chia sẻ qua lại với những âm thanh, nụ cười, nét mặt… ở lúc 9 tháng tuổi - Không biết bập bẹ (nói bập bẹ) lúc 12 tháng tuổi - Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi - Không nói được cụm từ một cách tự nhiên lúc 24 tháng tuổi - Không chú ý đến lời nói của người khác lúc 24 tháng tuổi - Không nhìn vào mặt, mắt người khác lúc 24 tháng tuổi - Mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất kỳ tuổi nào - Quan tâm về xã hội: không biết cười, chơi một mình, giao tiếp bằng mắt kém, không hòa nhập - Thường lặp lại một số hành vi hoặc cử động cơ thể nhất định nào đó - Sự tập trung chú ý cực kỳ ngắn hoặc không có - Quan tâm về giao tiếp: không đáp ứng khi gọi tên, giống như bị điếc, không biết chỉ hoặc vẫy tay chào tạm biệt - Quan tâm hành vi: xuất hiện những cơn nổi dậy, tăng động, không hợp tác, chống đối, nhón gót, gắn bó khác thường với một đồ chơi nào đó, quá nhạy cảm với xúc giác và âm thanh, có những biểu hiện vận động ngón tay khác lạ hoặc cơ thể khác lạ. Nếu trẻ có 50% trong số các biểu hiện thì nên thăm khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên môn (Nguồn: Bệnh viện Châm cứu Trung ương)
|
Bình luận của bạn