Đó là thông tin được các chuyên gia tai mũi họng đưa ra trong Hội thảo Thông tin cập nhật về giải pháp mới giúp tăng cường thính lực, do Hội Tai mũi họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tổ chức ngày 26/4.
Suy giảm thính lực (hay điếc) là tình trạng bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 40% người trên 65 tuổi bị suy giảm thính lực do bộ phận dẫn truyền âm thanh thoái hóa hay bộ phận thần kinh dẫn đến tín hiệu nghe lên não bị ảnh hưởng. Khi thính lực giảm sút, người cao tuổi sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề này ít được quan tâm vì nhiều người nghĩ đó là chuyện bình thường của tuổi già. Tình trạng suy giảm thính lực đang ngày càng gia tăng, không những ở những người cao tuổi mà cả trẻ tuổi. Trong đó, khoảng 50% trẻ em bị mất thính lực nhưng thường bị chẩn đoán sai là do tâm thần, chậm phát triển… mà không được xác định chính xác thủ phạm là tivi, âm thanh nổi, máy móc, giao thông, máy hát, MP3… Bởi vậy, người bệnh chưa ý thức được đầy đủ về tầm quan trọng cũng như việc chẩn đoán và điều trị bệnh này.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc: “Điếc là một khuyết tật mà mọi người không nhìn thấy được và người bệnh bị mất hoàn toàn khả năng nghe của một hoặc cả hai tai. Hiện, khoa học hiện đại phân thành 3 loại là điếc dẫn truyền, điếc tiếp nhận và điếc hỗn hợp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điếc, trong đó yếu tố di truyền chiếm 35% trong các trường hợp điếc ở trẻ em, 50% các trường hợp điếc sâu bẩm sinh là do di truyền”.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (2014) trên 5% dân số thế giới bị điếc với mức độ khác nhau. 360 triệu người trên thế giới bị khiếm thính. 50% điếc có thể tránh hoặc điều trị dễ dàng. Ở trẻ em, điếc chiếm khoảng 3/1000 và một trong những nguyên nhân chính là nhiễm khuẩn tai, không được điều trị. Một số bệnh nhiễm khuẩn có thể tránh được bằng tiêm vaccine (sốt ban, quai bị, viêm màng não). Điếc có thể ổn định trong cuộc sống nhưng có thể tiến triển.
Trong điều trị suy giảm thính lực có nhiều biện pháp như: Sử dụng thuốc tây y, dùng máy trợ thính hoặc các dụng cụ bịt tai chuyên dùng, vật liệu có khả năng hấp thụ âm thanh, sử dụng sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, ít tác dụng phụ cho cơ thể…
Với điếc tiếp nhận việc phòng tránh đóng vai trò quan trọng: - Giảm thiểu các thuốc độc với tai - Điều trị viêm tai giữa mạn - Phòng tránh và giáo dục mất thính lực do tiếng ồn - Loại bỏ hoặc giảm thiểu các ảnh hưởng của khiếm thính và điếc bằng cách hướng dẫn về máy trợ thính cho các nước đang phát triển, chăm sóc thính giác toàn cầu. |
Bình luận của bạn