Phòng ngừa lạc nội mạc tử cung

Hành kinh ngược chiều

Thông thường khi hành kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bong tróc và được "tống" ra ngoài. Khi những mảng niêm mạc tử cung bong tróc, không thoát ra ngoài mà bị chảy ngược trở lại buồng trứng, khoang bụng, bàng quang, trực tràng... được gọi là LNMTC.

Khi bị LNMTC, phần lớn bệnh nhân đều không có triệu chứng rõ ràng. Nếu thấy đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt thì rất có thể bạn bị LNMTC. LNMTC có thể gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.`

Những đối tượngnguy cơ

Viêm nhiễm phụ khoa: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng... cũng là những tác nhân có thể góp phần làm cho máu kinh chảy ngược trở lại và gây ra LNMTC.

Những người ít vận động, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị LNMTC gấp hai lần so với những người thường xuyên vận động thể chất.

Cơ thể hấp thụ và tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh sản phụ khoa, làm thay đổi lượng estrogen, gây mất cân bằng nội tiết. Điều này có thể làm tăng sự phát triển của lớp nội mạc tử cung, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của kinh nguyệt, làm cho kinh nguyệt dễ chảy ngược trở lại và tăng nguy cơ bị LNMTC.

Lạc ở đâu, hiểm nguy ở đó

Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây LNMTC, nhưng nguyên nhân thường được nhắc tới nhiều nhất là máu trào ngược qua vòi trứng vào ổ bụng. Theo đó, nội mạc sẽ bám vào các cơ quan trong ổ bụng và tiếp tục phát triển, gây bệnh.

Tuy vậy, LNMTC chủ yếu xảy ra trong cơ tử cung và vùng bụng dưới, nên triệu chứng thường là đau bụng khi hành kinh. Những cơn đau cứ ngày một nặng thêm (mỗi chu kỳ lại thấy đau, thậm chí đau quằn quại). Và các tổ chức niêm mạc tử cung bị lạc chỗ thì mỗi ngày mỗi to thêm.

LNMTC trong cơ tử cung: thường gặp ở độ tuổi sinh sản và biến mất sau khi mãn kinh… LNMTC ở buồng trứng, sẽ ảnh hưởng đến việc phóng noãn (trứng không lớn lên được). Còn LNMTC ở vòi trứng dẫn đến tắc thì gây cản trở cho việc có thai…

Đặc biệt, nếu LNMTC ở thận thì có triệu chứng đi tiểu ra máu (dễ nhầm với ung thư thận); ở phổi có thể ho ra máu (dễ nhầm với lao phổi)…

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác LNMTC, các bác sĩ (BS) sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và nội soi ổ bụng.

Siêu âm có thể cho thấy các nang nhỏ rải rác, đôi khi có thể thấy một hay vài nang lớn; nếu chụp tử cung có thể thấy tử cung thay đổi tư thế, tắc vòi trứng. Nội soi ổ bụng được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.

Tùy vào tình trạng bệnh cảnh, vị trí LNMTC mà các BS sẽ đưa ra chỉ định điều trị: có thể bằng phương pháp nội khoa hay phẫu thuật. Mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng của LNMTC.

BS sẽ chọn lựa phương pháp điều trị dựa trên từng bệnh cảnh cá nhân, tùy theo độ nặng hay nhẹ của triệu chứng, sự lan rộng của sang thương và nhu cầu có thai, độ tuổi của bệnh nhân, ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc, tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật…

Điều trị nội khoa

Chủ yếu điều trị bằng thuốc giảm đau: nếu đau vùng chậu nhẹ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, hoặc điều trị lâu dài bằng nội tiết tránh thai. Nếu đau vùng chậu trung bình, thuốc giảm đau không hiệu quả hoặc có khối u tiến triển thì phải sử dụng chất GnRH đồng vận. Dùng thuốc GnRH đồng vận còn để tránh các tác dụng phụ của thuốc nội tiết progestin như tăng cân, ra máu tử cung không đều…

Trường hợp nặng hơn, nếu dùng thuốc sau ba tháng không giảm, nhất là với các phụ nữ bị vô sinh do có tổn thương LNMTC làm biến dạng các tổ chức vùng chậu gây dính, co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung… sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Đáng nói là nguy cơ tái phát LNMTC sau phẫu thuật là điều phổ biến. Việc dùng nội tiết hợp lý hỗ trợ sau phẫu thuật cũng được cân nhắc, nhằm làm chậm thời gian tái phát cũng như giảm số lần tái phát.

Phòng ngừa như thế nào?

Để sớm phát hiện bệnh, phụ nữ từ tuổi 25 trở đi nên có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ sáu tháng một lần, theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp BS để kiểm tra sớm.

Vệ sinh, giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo. Cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo, không nên xối nước hay thụt rửa sâu bên trong âm đạo để tránh vi khuẩn có điều kiện ngược lên trên tử cung gây tái viêm loét, khó khăn trong việc điều trị viêm nhiễm. Không lạm dụng rửa bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, làm vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp