Ý nghĩa thực sự của món quà Tết ngày nay đã thay đổi?
Lựa chọn quà Tết Ất Mùi độc đáo
Văn hóa Đông - Tây khác nhau như thế nào?
Quà Tết: Nên tặng gì, kiêng gì?
6 điềm lành và 5 điều cần kiêng kỵ ngày Tết
Tặng quà ngày Tết là nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời. Các loại quà tặng thường được cân nhắc chọn lựa kỹ càng, vì đó không chỉ là quà mà còn chuyên chở nhiều thông điệp về sự an khang thịnh vượng, những mong muốn tốt đẹp nhất giành cho người nhận trong năm mới. Những món quà không nặng về vật chất ấy là một nét đẹp khiến tình cảm giữa con người và con người càng thêm gắn bó.
Chẳng phải nịnh nọt hay hối lộ, việc chúc Tết cấp trên, lãnh đạo vào mỗi dịp Tết đến xuân về là một nét đẹp văn hoá thể hiện sự biết ơn, kính trọng của cấp dưới đối với những người đồng nghiệp cấp trên.
Biếu quà cho "sếp" thể hiện tình cảm chân thành của cấp dưới
Tuy nhiên, việc tặng quà Tết hiện đang bị lạm dụng và biến tướng bởi nhiều người đi tặng quà trong dịp này mang nhiều toan tính: Chạy chức, chạy quyền, mong được ưu ái trong công việc... Cũng có không ít người nhận quà có tư tưởng không trong sáng và xem đây là dịp để thu chiến lợi phẩm. Và phong bì giờ đây là lựa chọn số một khi đi Tết lãnh đạo.
Phân định đâu là quà Tết đâu là hối lộ là việc không hề dễ. PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, chỉ có người trong cuộc (người tặng quà và người nhận quà) mới có thể biết được gói quà đó có gì, chứ xã hội rất khó biết. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rằng, quà Tết khác hẳn với hối lộ. Quà Tết chỉ mang tính tượng trưng, thể hiện tình cảm, chứ không mang tính định lượng về vật chất lớn. Còn hối lộ thì chắc chắn không phải như thế, nó có định lượng lớn nhằm đạt được mục đích gì đó.
Thực trạng này do hai nguyên nhân, chủ yếu là do lãnh đạo thích nhận quà. Bên cạnh đó, cấp dưới chẳng ai vui vẻ gì khi phải bỏ khoản tiền lớn ra tặng "sếp" (ngoại trừ nhân viên quý mến "sếp" thật sự). Chẳng qua là bất đắc dĩ, nhân viên nghĩ rằng có quà sẽ được "sếp" ưu tiên hơn, hoặc ai cũng có quà cho "sếp", mình không có thì sẽ bị thiệt thòi, thậm trí bị trù dập.
PGS Đặng Ngọc Dinh khẳng định: "Khi mà tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phổ biến thì việc lợi dụng quà tặng để đưa hối lộ vẫn sẽ xảy ra, khó mà ngăn chặn được".
Trong bối cảnh tham nhũng còn diễn biến phức tạp, không ít lãnh đạo của các ngành, địa phương phải ra những chỉ thị, văn bản nghiêm cấm việc cán bộ, nhân viên tặng quà và nhận quà trong dịp. Song việc chấp hành tốt quy định này đến đâu thì còn là một dấu hỏi lớn.
Thanh tra Chính phủ công bố năm 2014, cả nước có 32 người nộp lại quà Tết. Con số này quá ít và cũng không thể nói hết được bản chất vấn đề. Bởi vì có những người ngại nộp lại quà Tết, có người quyên quà Tết cho những cơ sở từ thiện, người có hoàn cảnh khó khăn... Với "hủ tục" mọi người đua nhau đi biếu quà Tết cho sếp với ý đồ không trong sáng là một việc đáng lên án. Nhưng đừng vì thế mà quy chụp, đánh đồng để rồi làm mất đi cả một nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay.
Biếu quà Tết là một phong tục không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới
Để đấu tranh chống nạn chống hối lộ, biếu xén không hề khó. Chỉ cần đưa xã hội trở lại vận hành một cách bình thường, đúng theo quy luật. Chẳng hạn như, lương phải trả xứng đáng với công sức người lao động bỏ ra, chứ không phải là đồng lương chết đói. Hoặc bổ nhiệm quan chức có đức có tài, dẹp bỏ nạn chạy chức, chạy quyền. Chừng nào còn cơ chế xin – cho chừng đó khó mà dẹp được quà Tết biến tướng - mà bản chất của nó chính là hối lộ.
Không có luật nào cấm tặng quà cho lãnh đạo khi Tết đến, xuân về. Nhưng chúng ta phải biết tôn trọng "sếp", đừng để những món quà ấy đi kèm theo một điều kiện nào đó. Thế nên, phải chú trọng vào "văn hóa tặng quà" chứ không phải là giá trị vật chất của món quà. Món quà tinh thần mới luôn là món quà đáng quý nhất, và thể hiện một cách rõ nét văn hóa con người hiện đại.
Bình luận của bạn