Đau và nứt lưỡi là dấu hiệu bệnh gì?

Lưỡi bị nứt và sưng đau là dấu hiệu bệnh gì và có nguy hiểm không?

Vitamin B12

Thiếu vitamin B12 là tình trạng nhiều người gặp phải, thường do chế độ ăn uống kém. Theo hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ), triệu chứng thiếu vitamin B12 là đau lưỡi, khóe miệng nứt nẻ, mệt mỏi, buồn nôn hoặc tiêu chảy, ăn mất ngon, giảm cân, da có màu vàng. Nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn ở người trên 65 tuổi, ăn chay, mang thai hoặc dùng một số loại thuốc.

Để cải thiện tình trạng thiếu vitamin B12, nên bổ sung vào chế độ ăn uống các thực phẩm giàu vitamin B12 tự nhiên như trứng, cá hồi, cá ngừ, ức gà, sữa, sữa chua. Ngoài ra, có thể tham khảo cung cấp vitamin B12 dưới dạng dùng thực phẩm bổ sung.

Sắt

Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu. Theo hệ thống y tế Mayo Clinic (Mỹ), lưỡi bị viêm và đau là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Lúc này, cơ thể không sản sinh đủ các tế bào hồng cầu, có thể dẫn đến nứt lưỡi và loét miệng. Ngoài ra, bệnh thiếu máu còn có các triệu chứng khác như móng giòn, chóng mặt, thở hụt hơi.

Kẽm

Thiếu kẽm là một trong những yếu tố khiến lưỡi bị nứt

Thiếu kẽm là một trong những yếu tố khiến lưỡi bị nứt

Kẽm là khoáng chất vi lượng mà cơ thể cần với một lượng nhỏ nhưng tham gia nhiều chức năng của cơ thể như giúp phát triển tế bào, hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện khứu giác và vị giác. Để bổ sung kẽm từ chế độ ăn uống, bạn nên ăn các thực phẩm giàu kẽm như các loại ngũ cốc, động vật có vỏ, thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn, các loại đậu, các loại hạt. Bên cạnh từ thực phẩm ăn vào, bạn có thể cân nhắc bổ sung kẽm dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Biotin

Theo hệ thống y tế Mount Sinai, thiếu biotin có thể dẫn đến các triệu chứng như vết nứt ở khóe miệng, lưỡi sưng đau, khô mắt, ăn không ngon, mệt mỏi, khó ngủ, trầm cảm.

Theo Mount Sinai, nguy cơ cao thiếu biotin ở những người bị suy dinh dưỡng, người dùng thuốc chống động kinh hoặc kháng sinh trong thời gian dài, mắc bệnh Crohn, khó hấp thu.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các thực phẩm giàu biotin gồm lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, thịt lợn, thịt bò, khoai lang, hạnh nhân, rau chân vịt.

Các nguyên nhân khác gây nứt lưỡi

Không chỉ do thiếu một số vitamin hay khoáng chất, hiện tượng lưỡi bị nứt và đau có thể do di truyền, rối loạn tự miễn (như bệnh vảy nến, hội chứng Sjogren), rối loạn nội tiết hoặc hệ thần kinh.

Ngăn ngừa nứt lưỡi

Một trong những cách tự nhiên và hiệu quả để phòng ngừa lưỡi bị nứt là thông qua chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng với các thực phẩm đã được gợi ý trên, vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa, dùng dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ mảnh vụn thức ăn khỏi lưỡi, súc miệng bằng nước muối ấm.

 
Nguyễn Thanh (Theo Live Strong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt