Suy giảm miễn dịch: Dễ mắc, khó trị

PGS.TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng Khoa Miễn dịch - Sinh lý bệnh, Đại học Y Hà Nội

4 nhóm thực phẩm hủy hoại hệ miễn dịch

Tăng cường hệ miễn dịch bằng thực phẩm

Khi hệ miễn dịch "đánh" chúng ta

Tăng cường hệ miễn dịch: Giải pháp phòng dịch hiệu quả

Suy giảm hệ miễn dịch đang trở thành mối quan tâm của y tế toàn cầu bởi nó đe dọa sức khỏe, tính mạng con người. Hệ lụy của sự suy giảm miễn dịch thể hiện rõ nhất ở nguy cơ mắc bệnh cao, thời gian phục hồi lâu… Trong khi đó, điều trị suy giảm miễn dịch cực khó bởi: Xác định nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch không dễ và các biện pháp điều trị chỉ là hỗ trợ. Đó là những chia sẻ đầu tiên của PGS.TS Phạm Đăng Khoa - Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, Đại học Y Hà Nội - về tình trạng suy giảm miễn dịch hiện nay.

Suy giảm miễn dịch: Hiểu thế nào là đúng?
Thưa PGS.TS Phạm Đăng Khoa, có thể hiểu thế nào về suy giảm miễn dịch? 
Suy giảm miễn dịch là tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các kháng nguyên thấp dưới mức bình thường, gây ra các biểu hiện bệnh lý cho cơ thể.
Suy giảm miễn dịch là tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các kháng nguyên thấp dưới mức bình thường, gây ra các biểu hiện bệnh lý cho cơ thể. Suy giảm miễn dịch được chia thành hai dạng: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh và Suy giảm miễn dịch mắc phải.
Suy giảm miễn dịch bẩm sinh (nguyên phát) là tình trạng suy giảm miễn dịch biểu hiện ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra, do các tế bào miễn dịch không phát triển đầy đủ, bệnh thường liên quan đến các tổn thương về gene. Suy giảm miễn dịch bẩm sinh lại được chia ra thành nhiều thể bệnh khác nhau: suy giảm miễn dịch riêng dòng tế bào lympho T, suy giảm miễn dịch riêng dòng tế bào lympho B và suy giảm miễn dịch phối hợp (tức là suy giảm miễn dịch cả dòng B và dòng T). Suy giảm miễn dịch mắc phải (thứ phát) là tình trạng suy giảm hệ miễn dịch xảy ra ở một cá thể hoàn toàn bình thường về đáp ứng miễn dịch lúc sinh ra, nhưng trong cuộc sống sau đó bị suy giảm miễn dịch do một tác nhân bên ngoài tác động vào. Tình trạng này có thể được phục hồi nếu tình trạng bệnh hoặc nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch được giải quyết triệt để. 
Người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh, thời gian điều trị thường lâu hơn, nhất là ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm miễn dịch này, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, suy giảm miễn dịch bẩm sinh thường là do sự đột biến gene trong quá trình phát triển phôi thai, làm cho những đứa trẻ này bị suy giảm miễn dịch ngay từ lúc mới sinh.  
Suy giảm miễn dịch thứ phát thường liên quan đến một số tác nhân bên ngoài như sử dụng thuốc (các loại thuốc ức chế phân bào), hóa chất hoặc suy dinh dưỡng và đặc biệt nguyên nhân gây suy giảm được nói đến nhiều nhất trong những năm gần đây là sự nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV: human immuno-deficiency virus). Ngoài ra, người ta còn nói tới vai trò của ô nhiễm môi trường sống và ô nhiễm thực phẩm. Mặc dù, chúng được coi là các tác nhân gián tiếp nhưng lại có khả năng gây ra những đột biến của tế bào miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của cơ thể.
Dễ mắc phải, khó điều trị
Vậy, dấu hiệu để chẩn đoán sự suy giảm miễn dịch của cơ thể là gì, thưa ông?
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là nhiễm khuẩn. Tùy theo loại vi khuẩn gây nhiễm, bác sỹ có thể hướng tới suy giảm miễn dịch thể nào. Các xét nghiệm về miễn dịch cũng giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán suy giảm miễn dịch. Đó là, đếm số lượng tế bào lympho B, tế bào lympho T trong máu hoặc đo các sản phẩm được tạo ra khi các tế bào miễn dịch được hoạt hoá (ví dụ đo IL-2 để đánh giá chức năng của tế bào lympho T). Ngoài ra, những người bị suy giảm miễn dịch có thể dễ bị bệnh hơn, thời gian điều trị bệnh có thể lâu hơn so với những người bình thường khác. 
Sức đề kháng của cơ thể một khi đã bị suy giảm thì việc khôi phục trở lại hoàn toàn như trước khi bị bệnh không phải là điều có thể thực hiện được dễ dàng.
Ông đã khẳng định ngay từ đầu rằng, suy giảm miễn dịch không thể điều trị triệt để mà chỉ là hỗ trợ?
Đúng vậy. Ví dụ, với suy giảm miễn dịch bẩm sinh riêng dòng tế bào lympho T – do sự suy giảm hoạt động của tuyến ức, cơ quan huấn luyện các tế bào lympho T – các bác sỹ có thể ghép tuyến ức của phôi cho trẻ bị bệnh nhưng hiệu quả không cao, đứa trẻ thường tử vong trong vài năm đầu do nhiễm khuẩn. 
Với suy giảm miễn dịch mắc phải, về lý thuyết là có thể điều trị theo nguyên nhân, nhưng thực tế hiện nay cho thấy, sức đề kháng của cơ thể một khi đã bị suy giảm thì việc khôi phục trở lại hoàn toàn như trước khi bị bệnh không phải là điều có thể thực hiện được dễ dàng. Hơn nữa, việc xác định nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch nhiều khi không dễ.
Tập luyện + dinh dưỡng hợp lý là cách tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch tốt
Vậy, làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này, thưa ông? 
Đó là tự mỗi người nên chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch cho bản thân và các thành viên trong gia đình từ trước khi bị bệnh. Đó là, chăm sóc cơ thể bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý (lựa chọn đồ ăn, uống hợp lý, không ảnh hưởng đến cơ thể); Tập luyện đúng, hàng ngày và cuối cùng là lựa chọn lối sống khoa học, lành mạnh, tránh xa các tác nhân gây hại. 
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng sử dụng TPCN hoặc các thảo dược giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Theo ông, để sử dụng TPCN tăng cường hệ miễn dịch, mỗi người nên lưu ý điều gì?
Về mặt lý thuyết, tăng cường hệ miễn dịch là kích thích chức năng của các tế bào tham gia trong hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc sử dụng các hoạt chất sinh học hay các loại thảo dược có thể tăng cường hệ miễn dịch hay không thì còn tùy thuộc vào từng cá thể. Do đó, mỗi người nên tham vấn bác sỹ/chuyên gia miễn dịch trước khi sử dụng các hoạt chất sinh học/thảo dược này để tăng cường sức đề kháng cho bản thân.
Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của ông!
Hiên Vân (H+)
  • Tags
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi