Tai biến y khoa: Kỳ tích và tội đồ trong gang tấc

Khi tai biến xảy ra, nhất định ai đó phải có tội và phải có người đền tội?

Tai biến y khoa: "Vết sẹo lòng" của mỗi bác sỹ

“Khổ đơn, khổ kép” vì tai biến y khoa

Bàn cách giảm thiểu các tai biến Y khoa

Tai biến y khoa, không chỉ đổ lỗi cho cá nhân

30.000 sản phụ bị tai biến không được chăm sóc?

Phải có người đền tội?

Tại Mỹ, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 200.000 ca tử vong có liên quan đến sự cố y khoa không mong muốn, ở Australia là khoảng 470.000 người, còn ở Anh cũng có gần 1.400.000 sự cố/năm.

Tại Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu hệ thống về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa, nhưng hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều phải đương đầu với các sự cố với các mức độ nặng nhẹ và ảnh hưởng khác nhau.

Gần đây, truyền thông đưa tin nhiều về các tai biến y khoa. Trên các trang mạng, ngoài các ý kiến của giới truyền thông, phản hồi của bạn đọc cho thấy đa số người dân cảm thấy rất bất bình với các cơ sở y tế và nhân viên y tế để xảy ra tai biến. Các ý kiến cho thấy, đa số người dân nghĩ rằng khi tai biến xảy ra, nhất định ai đó phải có tội và phải có người đền tội.

Điển hình như gần đây, ngày 17/8, dư luận "dậy sóng" về vụ việc sản phụ Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) đã tử vong sau khi sinh con tại Bệnh viện An Bình (quận 5, TP.HCM). Cho rằng nguyên nhân khiến vợ mình tử vong là do sự tắc trách của y bác sỹ, anh Dũng – chồng sản phụ – đã yêu cầu Bệnh viện An Bình bồi thường 1,5 tỷ đồng, đồng thời cũng gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Y tế và cơ quan Công an để điều tra làm rõ.

Người nhà đau đớn trước cái chết của chị Hạnh (Ảnh: Dân trí)

Cả bệnh nhân và thầy thuốc đều thiệt hại

Có thể nói rằng, xảy ra tai biến, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân. Người bệnh bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong, còn thầy thuốc, trách nhiệm sẽ bị đè nặng, đôi khi là mất nghiệp, mất nghề. 

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn nhìn nhận: "Khi vào một cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, người bệnh ủy thác tài sản quý giá nhất của mình là sức khỏe cho các thầy thuốc. Thế nhưng, các cơ sở y tế lại là nơi dễ xảy ra nhiều rủi ro nhất cho người bệnh, vì đó là nơi sử dụng các phương pháp để chẩn đoán và điều trị như sử dụng thuốc, hóa chất, vaccine, phẫu thuật… Thêm vào đó, ở các BV lớn, cán bộ y tế thường xuyên bị áp lực do công việc quá tải và áp lực về mặt tâm lý, nên các sự cố không mong muốn là điều rất dễ xảy ra".

Xét về nguyên nhân gây tai biến, GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, cho rằng: Tình trạng quá tải bệnh nhân; Thiếu nguồn nhân lực; Trang thiết bị chẩn đoán bệnh không đồng bộ, sử dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị có mức an toàn hẹp… Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ đặc thù y khoa như mỗi bệnh nhân có cơ địa và sức đề kháng khác nhau. Đa phần các tai biến y khoa nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thậm chí, ngay cả khi không xảy ra sai sót nào, biến chứng vẫn có nguy cơ xảy ra.

Tai biến trong y khoa là điều không mong muốn, nhưng khi không may xảy ra, thái độ của y bác sỹ đã gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân. GS.TS Bùi Đức Phú cho rằng, việc này là do các bác sỹ chưa có sự tương tác, giao tiếp và giải thích chu đáo cho bệnh nhân hoặc người nhà dẫn đến những bức xúc trên.

Nếu thầy thuốc không vi phạm các quy định về y đức, thực hiện đúng quy trình mà tai biến vẫn xảy ra, thì cũng đừng nên nhân danh bất cứ điều gì mà bắt thầy thuốc phải đền tội. Nếu bệnh nhân có quyền không chấp nhận rủi ro thì thầy thuốc cũng có quyền không chấp nhận rủi ro do quá trình điều trị cho bệnh nhân mang lại.

Khi xảy ra tai biến, cả bệnh nhân và thầy thuốc đều thiệt hại

"Thuốc" nào giảm tai biến y khoa?

Tai biến y khoa và kinh nghiệm chuyên môn là 2 vấn đề nhưng liên quan mật thiết với nhau. Ở các nước tiên tiến, việc đào tạo bác sỹ cần từ 10 đến 15 năm; Ở Việt Nam, quá trình này được thực hiện trong vòng 6 năm. Một chuyên gia nhận định: “Để nâng cao tay nghề của các y bác sỹ, vấn đề đào tạo phải được coi trọng hơn. Chất lượng sinh viên ngành y phải được siết chặt từ đầu vào, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá trong quá trình đào tạo. Về vấn đề này, ngành giáo dục phải đưa ra luận bàn một cách nghiêm túc".

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng, để hạn chế tai biến y khoa thì ngoài việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cấp trang thiết bị y tế, các nhân viên y tế cần phải trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: "Bác sỹ phải có tâm, có tầm và thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, khi đó mới mong hạn chế được tai biến y khoa".
An An H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý