Mục tiêu của giáo dục là "tự lập"!

Giáo dục đối với Adler không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm mà còn là mong mỏi lớn nhất.

Mọi niềm vui đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người

5 lầm tưởng về vitamin C bạn cần biết

Dòng chảy Sức khỏe+: WHO kêu gọi đẩy mạnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Cách làm món gà viên chiên giòn các bé thích mê

Câu chuyện giữa chàng thanh niên và triết gia trong cuốn "Dám hạnh phúc" lại xoay quanh nhiệm vụ giáo dục. Để có thể phát huy tâm lý học Adler, chàng thanh niên chọn làm nghề giáo, dạy những đứa trẻ học tập. Và rồi, chàng thanh niên nhận thấy những mâu thuẫn giữa tâm lý học Adler với những gì thực tế ở trường.

Cuộc tranh luận lại diễn ra trong căn phòng của triết gia trong một buổi tối.

Triết gia: Nào, chúng ta sẽ đi từ đâu bây giờ?

Chàng thanh niên: Vấn đề cấp bách tôi đang gặp phải lúc này là giáo dục/ Chúng ta hãy làm rõ mâu thuẫn của Adler xoay quanh giáo dục. Bởi về căn bản, tư tưởng của Adler có những nội dung trái ngược với mọi quan điểm được gọi là "giáo dục".

Triết gia: Nghe có vẻ thú vị đây.

Chàng thanh niên: Trong tâm lý học Adler có quan điểm "phân chia nhiệm vụ" nhỉ? Quan điểm phân chia rõ "nhiệm vụ của mình", "nhiệm vụ của người khác" ở tất cả các hoạt động của cuộc đời thông qua câu hỏi "đây là nhiệm vụ của ai?". Chẳng hạn, tôi bị sếp ghét. Tất nhiên, tôi không dễ chịu gì. Và thường thì sẽ nỗ lực để được yêu mến, được thừa nhận. Tuy nhiên, Adler lại khẳng định như vậy là sai. Người khác (sếp) đánh giá lời nói hành động hay đánh giá con người tôi như thế nào là nhiệm vụ của người sếp đó, không phải điều mà tôi có thể kiểm soát được. Cho dù tôi có nỗ lực đến thế nào để được yêu mến thì có thể sếp vẫn ghét tôi.

Vì vậy nên Adler nói "Không phải anh sống để đáp ứng mong đợi của người khác". Và "người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của anh". Không e ngại ánh mắt của người khác, không bận tâm đến đánh giá của người khác, cũng không đòi hỏi người khác thừa nhận mình. Chỉ lựa chọn con đường tốt nhất mà mình tin tưởng. Thêm nữa, không được can thiệp vào nhiệm vụ của người khác, cũng không được để người khác can thiệp vào nhiệm vụ của mình. Đối với những người lần đầu tiên tiếp xúc với tâm lý học Adler, đây là một khái niệm gây tác động lớn.

Dam-Hanh-Phuc-3

Triết gia: Vâng. Nếu có thể "phân chia nhiệm vụ" được, những phiền muộn trong mối quan hệ giữa người với người sẽ giảm đi khá nhiều.

Chàng thanh niên: Thầy còn nói thế này. Cách phân biệt nhiệm vụ của ai đơn giản lắm. Chỉ cần nghĩ "Ai là người cuối cùng thụ hưởng kết quả do lựa chọn đó mang lại?" là được. Tôi nói không sai phải không ạ?

Triết gia: Không hề sai.

Chàng thanh niên: Dẫn chứng thầy đưa ra lúc đó là việc học của trẻ. Trẻ không chịu học. Lo lắng cho tương lai của con nên bố mẹ bắt trẻ phải học. Tuy nhiên, ở đây, ai là người cuối cùng phải chịu hậu quả của việc "không học" mang lại - nghĩa là không vào được trường theo đúng nguyện vọng, khó xin việc? Đó là bản thân trẻ chứ không phải là bố mẹ. Nghĩa là việc học là "nhiệm vụ của trẻ", không phải vấn đề bố mẹ cần can thiệp. Tôi nói không sai nhỉ?

Triết gia: Vâng.

Chàng thanh niên: Ở đây xuất hiện một nghi vấn lớn. Việc học là nhiệm vụ của trẻ. Không được can thiệp vào nhiệm vụ của trẻ. Nếu vậy thì "giáo dục" sẽ là gì? Những người làm công việc giáo dục như chúng tôi là làm nghề gì vậy? Nếu cứ theo lý lẽ của thầy thì, những nhà giáo thúc đẩy việc học như chúng tôi là những kẻ xâm nhập trái phép, giẫm chân vào nhiệm vụ của trẻ. Ha ha, sao nào, thầy có trả lời được không?

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Đôi lúc có xuất hiện câu hỏi này trong các cuộc trò chuyện về Adler với những nhà giáo. Đúng là việc học là nhiệm vụ của trẻ. Kể cả cha mẹ cũng không được phép can thiệp. Nếu tiếp nhận một chiều "phân chia nhiệm vụ" do Adler đề xướng thì mọi hình thức giáo dục đều trở thành can thiệp vào nhiệm vụ của người khác, là hành vi cần phủ định. Tuy nhiên, vào thời Adler, không có một nhà tâm lý nào lại đóng góp nhiều cho giáo dục như ông. Giáo dục đối với Adler không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm mà còn là mong mỏi lớn nhất.

Chàng thanh niên: Ồ, xin thầy nói cụ thể hơn.

Triết gia: Chẳng hạn, tâm lý học Adler không coi tư vấn (counseling) là "trị liệu" mà là để "giáo dục lại".

Chàng thanh niên: Giáo dục lại ư?

Triết gia: Vâng. Cả tư vấn lẫn giáo dục trẻ về bản chất đều giống nhau. Chuyên gia tư vấn là nhà giáo dục, nhà giáo dục là chuyên gia tư vấn.

Chàng thanh niên: Ha ha. Tôi không hề biết đấy. Không ngờ tôi lại là chuyên gia tư vấn. Thầy nói vậy nghĩa là sao?

Triết gia: Đây là một vấn đề quan trọng. Tôi sẽ nói một cách có hệ thống. Trước hết, mục đích của giáo dục ở gia đình và nhà trường là gì? Cậu có thể cho tôi biết ý kiến của mình không?

Chàng thanh niên: ...Không thể nói hết trong một câu được. Đó là thông qua việc học tập để tiếp thu kiến thức, học hỏi tính xã hội, trưởng thành thành người biết lẽ phải, có một thân thể lẫn tâm hồn lành manhj...

Triết gia: Vâng. Mục đích nào cũng quan trọng cả, nhưng chúng ta hãy suy nghĩ đến một mục đích lớn hơn. Cậu mong muốn trẻ sẽ trở nên như thế nào nhờ vào giáo dục?

Empty

Chàng thanh niên: ...Muốn trẻ trở thành một người lớn độc lập, chăng?

Triết gia: Đúng vậy. Mục đích của giáo dục, nói ngắn gọn là "tự lập".

Chàng thanh niên: Tự lập... Uhm, cũng có thể nói như vậy.

Triết gia: Tâm lý học Adler cho rằng con người là những tồn tại có nhu cầu thoát khỏi tình trạng bất lực của bản thân, mong muốn tiến bộ hơn, nghĩa là "theo đuổi sự vượt trội". Em bé thoạt đầu là bước đi chập chững, sau đó tự mình đứng vững trên hai chân, học nói rồi có thể chuyện trò được với những người xung quanh. Nghĩa là con người, ai cũng mưu cầu "tự do", mong muốn "tự lập", thoát khỏi tình trạng bất lực, thiếu tự do. Đây là nhu cầu căn bản.

Chàng thanh niên: Thầy nói rằng chính giáo dục thúc đẩy sự tự lập đó?

Triết gia: Đúng vậy. Và không chỉ trong quá trình trưởng thành thể chất mà cả trong quá trình tự lập về mặt xã hội, trẻ cũng cần biết thêm nhiều điều. Cá tính xã hội hay lẽ phải và tri thức mà cậu nói nữa. Tất nhiên, với những điều trẻ chưa biết thì những người biết sẽ phải dạy trẻ, những người xung quanh sẽ phải hỗ trợ. Giáo dục không phải "can thiệp" mà là "hỗ trợ" để trẻ tự lập.

Chàng thanh niên: Ha, sao tôi nghe những những lời chống chế tuyệt vọng thế nhỉ!

Triết gia: Chẳng hạn, nếu cứ để mặc trẻ ra ngoài xã hội khi chưa biết về các luật lệ giao thông, chưa biết về ý nghĩa của tín hiệu đèn đỏ, đèn xanh thì sẽ như thế nào? Hoặc để cho một người chưa biết gì về kỹ thuật lái xe ngồi vào ghế lái thì sao? Đương nhiên có những luật lệ cần phải nhớ, có những kỹ thuật cần phải học. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho cả tính mạng của người khác. Nói một cách khác, nếu trên trái đất này không có bất cứ ai khác mà chỉ có một mình mình thì sẽ chẳng cần biết gì cũng chẳng cần đến giáo dục. Ở đó không cần đến "tri thức".

z3642395986003_8a55330d0a425f29e5e9e1759e74fd67 (1)

Chàng thanh niên: Thầy muốn nói rằng vì có người khác nên xã hội mới có "tri thức" cần học?

Triết gia: Đúng vậy. "Tri thức" ở đây không chỉ là học vấn mà còn bao gồm cả những "hiểu biết" để con người sống hạnh phúc với tư cách là một con người. Nghĩa là, cần phải sống như thế nào trong một tập thể? Cần phải tiếp xúc với những người khác như thế nào? Làm thế nào để tìm được chỗ đứng của mình trong tập thể đó? Là biết "mình", biết "người". Là biết được bản chất của con người, hiểu được cách tồn tại với tư cách một con người. Adler gọi những tri thức đó là "tri thức về con người".

Chàng thanh niên: "Tri thức về con người"? Lần đầu tiên tôi nghe đến từ đó.

Triết gia: Có lẽ là vậy. Những "tri thức về người" này không phải kiến thức thu được qua sách vở mà là những tri thức chỉ có thể học được từ thực tế mối quan hệ giữa người với người. Với ý nghĩa đó, có thể nói trường học với rất nhiều người khá xung quanh là một môi trường giáo dục có ý nghĩa lớn hơn gia đình.

Chàng thanh niên: Thầy nói rằng, chìa khóa của giáo dục nằm ở cái gọi là "tri thức về con người" sao?

Triết gia: Vâng. Việc tư vấn cũng như vậy. Chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để người tới trao đổi có thể "tự lập". Và cùng suy nghĩ về "tri thức về người" cần thiết để "tự lập"... Phải rồi, cậu còn nhớ mục tiêu tâm lý học Adler đưa ra mà tôi đã nói lần trước không? Mục tiêu hành động và mục tiêu tâm lý ấy.

Chàng thanh niên: Vâng, tôi vẫn nhớ. Mục tiêu hành động gồm hai nội dung là:

 

 

1. Tự lập

2. Sống hài hòa với xã hội.

Và mục tiêu tâm lý chi phối hành động này là:

1. Ý thức rằng mình có năng lực.

2. Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình.

Tóm lại, thầy cho rằng 4 mục tiêu này sẽ trở nên quan trọng không chỉ trong tư vấn mà cả trong giáo dục học đường, đúng không?

Triết gia: Không chỉ có thế, chúng quan trọng đối với cả những người lớn cảm thấy khó sống như chúng ta. Bởi vì có rất nhiều người lớn không đạt được những mục tiêu đó và đang khổ sở vì cuộc sống xã hội. Nếu bỏ lại mục tiêu "tự lập" thì giáo dục và tư vấn hoặc chỉ dẫn công việc cũng sẽ ngay lập tức biến thành ép buộc. Chúng ta cần phải tự giác thực hiện vai trò của mình. Giáo dục có rơi vào "can thiệp" một cách ép buộc hay dừng lại ở "hỗ trợ" thúc đẩy tự lập, điều đó phụ thuộc vào thái độ của những người làm công tác giáo dục, những chuyên gia tư vấn, người hướng dẫn.

Chàng thanh niên: Có lẽ đúng vậy! Tôi hiểu rồi. Tôi tán thành lý tưởng cao đẹp đó...

Trích: Dám hạnh phúc - Kishimi Ichiro và Koga Fumitake

Sách do Nhã Nam phát hành.

PV (lược trích)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa