SK+ Thai do tich cuc khi ve gia-02
Empty

Hầu như mỗi sáng thứ Sáu trong suốt 3 năm qua, tôi - Tiến sĩ Debra Whitman, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Chính sách Công của AARP (Một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ giúp mọi người có quyền lựa chọn cách sống khi về già), đều tập thể dục cùng bà Perry Chapman. Dù hơn tôi đến 15 tuổi, nhưng người phụ nữ 70 tuổi này luôn khiến tôi phải nể phục. Trong khi tôi đôi lúc còn lười biếng, Perry lại miệt mài với nhiều lớp Pilates một tuần và mới bắt đầu thử sức với tạ cùng huấn luyện viên cá nhân.

Perry bắt đầu "nghỉ hưu" ở tuổi 67, sau 30 năm là Giáo sư Lịch sử nghệ thuật tại Đại học Delaware (Mỹ). Kể từ đó, bà trở thành biên tập viên của một tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của mình, trình bày các bài báo cáo tại các hội nghị ở nước ngoài và gần đây đã dành một năm làm giáo sư khách mời tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (Mỹ). Bà cũng đang theo học một khóa học vẽ sơn dầu với lộ trình dài 3 năm cùng mong muốn được nhìn thoáng qua niềm đam mê cuộc đời của mình từ góc độ của một nghệ sĩ.

Cách đây không lâu, tôi đã hỏi Perry cảm nghĩ của bà về việc già đi. Bà cười lớn và trả lời: “Chà, tôi không có nhiều lựa chọn, vì vậy tôi đang cố gắng làm điều đó tốt nhất có thể”.

Mặc dù có một vài cơn đau nhức, nhưng Perry vẫn tự coi mình là người “vô cùng may mắn” vì không còn bị ràng buộc bởi những kỳ vọng xã hội. Điều quan trọng nhất là tuổi già đã giúp Perry có những mối quan hệ bạn bè sâu sắc hơn, điều mà bà ấy cho là giá trị nhất.

Empty
Empty

Ngày càng có nhiều dữ liệu, phần lớn là từ nghiên cứu của Tiến sĩ Becca Levy, một nhà dịch tễ học tại Đại học Yale (Mỹ), về tác động của thái độ và niềm tin của chúng ta đối với sức khỏe và tuổi thọ. Sự quan tâm của TS. Levy đến mối liên hệ này bắt đầu từ những năm 1990, khi cô đến Nhật Bản để cố gắng hiểu lý do tại sao người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Cô đã quen với những lời giải thích cho rằng tuổi thọ cao là do chế độ ăn uống, người Nhật thường tiêu thụ ít thịt, sản phẩm từ sữa, đường và khoai tây hơn các nước phát triển khác. Tuy nhiên, khi đến Nhật, điều khiến TS. Levy chú ý nhất lại là cách văn hóa Nhật Bản tôn trọng và tôn vinh người cao tuổi.

TS. Becca Levy nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa thái độ của người Nhật đối với người cao tuổi so với người Mỹ. Điều này khiến cô suy nghĩ và đặt câu hỏi liệu những quan điểm tích cực về tuổi già có đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người Nhật sống lâu hơn không.

TS. Levy bắt đầu phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Dài hạn về Lão hóa và Hưu trí của Ohio (Mỹ), một cuộc khảo sát được thực hiện từ năm 1975 đến năm 1995, bao gồm cả quan điểm về lão hóa. So sánh thái độ ban đầu với hồ sơ tử vong, TS. Levy phát hiện ra một mối tương quan đáng chú ý: những người có quan điểm tích cực về sự lão hóa từ sớm sống lâu hơn đáng kể so với những người có quan điểm tiêu cực, ngay cả khi đã so sánh đến các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh kinh tế và sức khỏe.

Trong một phân tích khác về dữ liệu từ năm 1968 đến 2007, TS. Levy đã nhận thấy mối liên hệ giữa quan điểm tiêu cực về lão hóa khi còn trẻ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau này, như sự phát triển của các yếu tố liên quan đến bệnh Alzheimer và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Quan điểm tiêu cực về lão hóa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe não bộ và tim mạch trong tương lai.

Empty

Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận những phát hiện này. Một đánh giá toàn cầu về 422 bài báo từ 45 quốc gia đo lường mối liên hệ giữa phân biệt đối xử tuổi tác và sức khỏe, được công bố trên tạp chí PLoS ONE năm 2020, cho thấy những định kiến tiêu cực đối với tuổi già có liên quan đến sức khỏe kém hơn ở người lớn tuổi trong 95,5% các nghiên cứu.

Điều gì giải thích mối liên kết này? Ngoài những ảnh hưởng sinh lý của căng thẳng, có một số bằng chứng cho thấy thái độ tích cực về tuổi già có thể tạo ra một chuỗi hành động tự nhiên giúp cải thiện sức khỏe, chẳng hạn như tăng cường thói quen vận động và ăn uống lành mạnh. Mặc dù thái độ tích cực không thể thay thế các hành động cụ thể như tập thể dục và chế độ ăn uống đúng đắn, nhưng niềm tin vào một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh có thể thúc đẩy mọi người thực hiện những thói quen tốt cho sức khỏe.

Ngược lại, khi chúng ta coi các vấn đề sức khỏe là không thể tránh khỏi, chúng ta có nhiều khả năng coi các hành vi lành mạnh là vô ích. Tại sao lại tham gia lớp Zumba nếu bạn không tin rằng nó sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự? Động lực này cũng được nhìn thấy trong sức khỏe tâm thần: Khi người lớn tuổi tin rằng nỗi buồn đi kèm với tuổi tác, họ ít có khả năng tìm kiếm sự điều trị cho chứng trầm cảm.

Empty

Theo Tiến sĩ Debra Whitman, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Chính sách Công của AARP, một quan điểm tích cực về sự lão hóa không nhất thiết phải là bản năng. Nó có thể được học, ngay cả khi chúng ta đã lớn tuổi. Bước đầu tiên là nhận thức được những giả định tiêu cực của chúng ta.

Ví dụ, hãy thực hiện một bài kiểm tra nhanh: Viết ra 5 từ đầu tiên xuất hiện trong đầu khi bạn nghĩ về một người lớn tuổi. Nếu danh sách của bạn có những từ mà các nhà nghiên cứu sử dụng để gieo rắc những niềm tin phân biệt tuổi tác, chẳng hạn như “nhầm lẫn”, “suy giảm”, “tàn tạ” và “mất trí nhớ” - điều đó có nghĩa là bạn đã tiếp nhận những ý tưởng không hữu ích về tuổi già. Việc mở rộng vốn từ vựng của bạn để bao gồm những từ mang tính xây dựng hơn, bao gồm “thành đạt”, “khai sáng”  “cố vấn”, đều là điều có thể và có giá trị.

Bên cạnh đó, việc dành nhiều thời gian hơn với người lớn tuổi cũng có thể rất hữu ích. Việc nhiều người trẻ ngày nay có văn hóa phân biệt tuổi tác, khiến người lớn tuổi dễ bị xem nhẹ, thậm chí bị coi là “gánh nặng”. Điều này dẫn đến việc kinh nghiệm quý báu và giá trị sống của họ bị đánh giá thấp. Thay vì thế, hãy dành thời gian trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện mà họ đã tích lũy qua nhiều thập kỷ. Qua đó, chúng ta không chỉ bày tỏ sự tôn trọng mà còn học hỏi được nhiều bài học quý giá, mở rộng tầm nhìn và tích lũy kinh nghiệm sống cho bản thân.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già