Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần
Tiếng ồn giao thông làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Tiếng ồn xanh: Âm thanh của thiên nhiên với nhiều lợi ích sức khỏe
Cải thiện chất lượng giấc ngủ với tiếng ồn hồng
Ô nhiễm tiếng ồn kéo theo nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Environmental Psychology (Mỹ) đã tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa ô nhiễm tiếng ồn và sức khỏe tâm thần. Việc tiếp xúc liên tục với tiếng ồn có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể, dẫn đến tăng mức cortisol, hormone liên quan đến căng thẳng.
Ô nhiễm tiếng ồn gây ra sự lo lắng như thế nào?
Rối loạn giấc ngủ: Tiếng ồn khiến chúng ta không thể đi vào trạng thái ngủ sâu, từ đó gây ra hiện tượng tỉnh giấc giữa đêm và thiếu ngủ. Việc không thể ngủ sâu sẽ gây ra suy nhược thần kinh và các tình trạng như rối loạn lo âu, mệt mỏi, cáu gắt, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Gia tăng cảm giác hoảng loạn: Đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu, môi trường ồn ào có thể khiến họ choáng ngợp. Khi đó, não phải vật lộn để xử lý các kích thích quá mức, dẫn đến cảm giác hoảng loạn và khó chịu.
Cảm giác bất lực: Ô nhiễm tiếng ồn khiến mọi người sinh ra cảm giác bất lực vì họ không thể kiểm soát được tình trạng mà họ đối mặt. Khả năng tập trung của họ cũng bị suy giảm, dẫn đến giảm hiệu suất trong công việc và cuộc sống, từ đó nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. Ngoài ra, HACAN – một tổ chức ủng hộ tiếng nói của những người chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn máy bay dưới các đường bay, đã đưa ra nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn từ máy bay, giao thông đường sắt và bệnh trầm cảm.
Cách kiểm soát lo lắng do ô nhiễm tiếng ồn
- Tạo không gian yên tĩnh trong nhà
Nếu có điều kiện, bạn nên có một khu vực yên tĩnh trong nhà, nơi bạn có thể lui tới khi tiếng ồn trở lên quá lớn. Trong đó, bạn nên sử dụng các kỹ thuật cách âm, chẳng hạn như rèm cửa dày, thảm hoặc thậm chí là máy tạo tiếng ồn trắng để giảm tiếng ồn bên ngoài.
- Thực hành chánh niệm và thiền định
Theo các nhà khoa học, đối với stress trong môi trường làm việc áp lực cao, chánh niệm và thiền định mang lại nhiều kết quả khả quan và tích cực. Theo kết quả của nhiều cuộc thử nghiệm, hơn 90% người thực hành chánh niệm cải thiện được trạng thái tinh thần; hơn 75% cảm thấy sáng suốt hơn trong giải quyết vấn đề, tình trạng sức khỏe và các mối quan hệ xã hội (trong công việc và giữa các thành viên gia đình) đều trở nên tốt đẹp hơn. Điều này đặc biệt hữu ích trong môi trường nhiều tiếng ồn.
- Hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn
Tiếp xúc tiếng ồn đôi khi là việc không thể tránh khỏi. Khi đó, bạn có thể sử dụng nút tai hoặc tai nghe chống ồn. Những công cụ này sẽ tạo ra rào cản chống lại âm thanh và mang đến cho bạn sự thoải mái.
- Tham gia các hoạt động thể chất
Tham gia các hoạt động thể chất là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát lo âu. Bạn có thể tập yoga, đi bộ hoặc khiêu vũ để giải phóng năng lượng bị dồn nén và giảm bớt căng thẳng. Đồng thời, chúng còn thúc đẩy endorphin, thúc đẩy cảm giác khỏe mạnh, giúp bạn quên đi các tác nhân gây lo âu hiện có.
- Tập trung vào các kỹ thuật thở
Các bài tập thở sâu đặc biệt hiệu quả trong việc làm dịu sự lo lắng. Khi bạn cảm thấy lo lắng quá mức, hãy dành chút thời gian để thực hành thở sâu bằng cách: hít thật sâu qua mũi, giữ trong vài giây và từ từ thở qua miệng. Kỹ thuật đơn giản này có thể giúp bạn bình tĩnh và giảm cảm giác lo âu, hoảng loạn.
- Duy trì thói quen lành mạnh
Đảm bảo ngủ đủ giấc, áp dụng chế độ ăn cân bằng và uống đủ nước sẽ giúp tinh thần của bạn tốt hơn đáng kể. Một cơ thể được nuôi dưỡng tốt còn có khả năng xử lý căng thẳng và lo lắng tốt hơn.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu lo lắng trở nên quá mức, hãy cân nhắc nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình về cảm xúc của bạn để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, nếu các triệu chứng lo lắng vẫn tiếp diễn, bạn nên tìm gặp các bác sĩ và chuyên gia tâm lý để được thăm khám và tư vấn.
Bình luận của bạn