Các bác sĩ Trung tâm Y tế Langone Health, Đại học New York đang nghiên cứu cấy ghép thận lợn vào cơ thể người - Ảnh: CBS News.
Hải Phòng: Thực hiện ca ghép thận đầu tiên cho người suy thận giai đoạn cuối
Nội tạng lợn có thể ghép được cho người?
Ca ghép thận đầu tiên trên thế giới giữa hai người bị nhiễm HIV
Chăm sóc thận sau ghép thận như thế nào?
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ thể bệnh nhân nam, 57 tuổi, bị chết não. Gia đình của bệnh nhân đồng ý hiến cơ thể ông để phục vụ các nghiên cứu khoa học.
"Đây là khoảng thời gian dài nhất một người có thể sống bằng thận ghép từ lợn từ trước đến nay'', trích dẫn từ thông cáo báo chí của Trung tâm Y tế Langone Health, Đại học New York (NYU), hôm 16/8. Trước đó, các bệnh nhân được ghép thận lợn chỉ sống thêm từ 2 đến 3 ngày.
Theo CBS News, Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép Langone của Đại học New York, cho biết: "Công trình nghiên cứu này chứng minh thận lợn – chỉ với một lần chỉnh sửa gene và không cần dùng thuốc hay thiết bị thử nghiệm, có thể thay thế chức năng của thận người trong ít nhất 32 ngày mà không bị đào thải”.
Đây là một phần quy trình thử nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu đang ngày càng phát triển nhằm cải thiện hiệu quả ghép tạng giữa các loài, như một giải pháp giúp giảm thời gian chờ đợi cho các bệnh nhân cần tạng.
Từ xưa đến nay, các vấn đề đào thải với cấy ghép nội tạng từ động vật sang người, hay còn gọi là cấy ghép ngoại lai, đã dẫn đến thất bại, phần lớn là do hệ thống miễn dịch của con người tấn công mô ngoại lai. Tuy nhiên, giờ đây, các nhà khoa học đang sử dụng phương pháp chỉnh sửa gene để giúp các cơ quan đó phù hợp hơn với cơ thể con người.
Có thể kể đến như trường hợp vào tháng 1/2022, ông David Bennett, 57 tuổi, cũng đã được ghép tim lợn. Ca phẫu thuật diễn ra tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, từng là niềm hy vọng của giới chuyên gia và các nhà khoa học. Tuy nhiên, hai tháng sau, bệnh nhân qua đời.
Trong khi những ca phẫu thuật ghép tạng tương tự sử dụng những quả thận được chỉnh sửa nhiều gene thì trong nghiên cứu mới nhất chỉ có một gene được chỉnh sửa là gene tham gia quá trình thải tạng siêu cấp tính.
Nếu không can thiệp gene này, có khả năng tạng động vật sẽ bị thải loại chỉ vài phút sau khi được kết nối với hệ tuần hoàn của cơ thể người. Nhờ kỹ thuật chỉnh sửa loại bỏ gene này, nhóm nghiên cứu từ NYU Langone đã có thể ngăn chặn quá trình thải loại siêu cấp tính này.
Theo bác sĩ Montgomery, nhóm nghiên cứu hiện đã thu thập thêm được nhiều chứng cứ cho thấy, ít nhất là với các trường hợp ghép thận, chỉ cần loại bỏ gene kích hoạt quá trình thải loại siêu cấp tính cùng với việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đã được cấp phép lâm sàng, sẽ đủ để duy trì thành công tạng ghép thực hiện chức năng cần có trong cơ thể người trong thời gian đủ lâu.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng can thiệp tuyến ức lợn - phụ trách "huấn luyện" hệ miễn dịch - ở lớp ngoài của thận, để ngăn chặn nguy cơ tạng bị thải loại ở giai đoạn sau cấp tính. Theo nhóm nghiên cứu, sự điều chỉnh này có thể bảo toàn các chức năng lọc thải chất độc và tích tụ urine của thận lợn khi đưa vào cơ thể người.
Thành công của ca cấy ghép là giảm số lượng gene cần chỉnh sửa từ 10 xuống còn 1, biến nó trở thành sự lựa chọn khả thi cho người có nhu cầu trong những năm tới.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu ý tưởng nhân giống lợn biến đổi gene để mở rộng nguồn nội tạng tương thích, còn được gọi là xenotransplant. Trong đó, lợn trở thành nguồn nội tạng đầy hứa hẹn bởi khả năng sinh sản dồi dào, nhiều lứa một năm. Bên cạnh đó, các cơ quan như thận, gan và tim lợn cũng có kích thước tương tự con người.
Theo Mạng lưới Mua sắm và Cấy ghép Nội tạng (OPTN), có hơn 100.000 người ở Mỹ hiện đang chờ ghép tạng ở tất cả các hạng mục. Nhưng số lượng hiến tặng nội tạng là tương đối nhỏ so với nhu cầu. Các chuyên gia nhận định, đây là "hướng đi" tiềm năng, có thể thay đổi tương lai của ngành cấy ghép nội tạng và hy vọng sẽ "không ai phải chết để chờ đợi nội tạng nữa".
Bình luận của bạn