Nhiều người lo ngại thành phần trong kem chống nắng có thể gây ung thư da
Ăn quả óc chó giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng
Có thể sàng lọc ung thư da bằng hình ảnh 3D?
Kem dưỡng ẩm - chống nắng “2 trong 1” liệu có hiệu quả?
5 lỗi cơ bản khi dùng kem chống nắng
Có gì trong kem chống nắng?
Theo Viện hàn lâm Da liễu Mỹ, về cơ bản, có hai loại kem chống nắng: Vật lý và hóa học. Kem chống nắng vật lý thường chứa hai thành phần chính là oxide của kẽm và titan, hoạt động như một lớp màng chắn giữa da và ánh nắng. Những loại kem không chứa hai chất này được xếp vào nhóm kem chống nắng hóa học, và thường sử dụng hỗn hợp các hoạt chất khác để bảo vệ da.
Phần lớn những lo ngại xoay quanh kem chống nắng hiện nay đều liên quan đến các thành phần hoạt chất trong kem chống nắng hóa học. Theo đó, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thực hiện vào năm 2020 cho thấy sáu thành phần hoạt tính thường có trong kem chống nắng hóa học, gồm avobenzone, oxybenzone, octocrylene, homosalate, octisalate và octinoxate, đều có khả năng thẩm thấu vào cơ thể qua da.

Tùy theo từng sản phẩm, kem chống nắng có thể chứa nhiều thành phần hoạt tính khác nhau giúp bảo vệ da
Bà Cherie Duvall-Jones, đại diện truyền thông của FDA cho hay: “Chúng ta cần tìm hiểu thêm về tác động khi các hóa chất đi vào cơ thể con người. Liệu chúng có làm tăng nguy cơ ung thư, hay gây ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản nếu sử dụng hàng ngày không?”.
Nhà khoa học Emily Spilman thuộc tổ chức phi lợi nhuận Nhóm Công tác Môi trường (EWG), cũng mong muốn có thêm câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề này. Bà cho hay: “Một số thành phần trong kem chống nắng hóa học có liên quan đến nguy cơ kích ứng và gây độc với hệ miễn dịch. Thậm chí, một vài chất còn gây lo ngại hơn vì có nguy cơ tác động đến hệ nội tiết.” Đây là lý do FDA cần siết chặt quy định về các thành phần như octinoxate và oxybenzone, vốn được ghi nhận có khả năng làm rối loạn nội tiết tố.
Các chất gây rối loạn nội tiết có thể bắt chước hoặc cản trở hoạt động của hormone trong cơ thể, từ đó có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm một số loại ung thư. Có 4 nghiên cứu công bố trong năm 2020 tiếp tục củng cố các phát hiện trước đây rằng oxybenzone hoạt động như một chất gây rối loạn nội tiết, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú cũng như lạc nội mạc tử cung.
Theo EWG, ngoài octinoxate và oxybenzone, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến octocrylene. Chất này thường bị nhiễm tạp chất benzophenone, một chất đã được biết đến là có thể gây ung thư. Ngoài ra, kem chống nắng dạng xịt từng bị phát hiện chứa benzene, một hóa chất gây ung thư khác.
Vào năm 2019, FDA đã yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp dữ liệu đánh giá độ an toàn của những hóa chất này. Nhưng đến nay, chưa có nhà sản xuất nào cung cấp dữ liệu đầy đủ về các thành phần hoạt tính đang được sử dụng trong kem chống nắng tại thị trường Mỹ.
Sử dụng kem chống nắng đúng cách để bảo vệ sức khỏe và làn da

Nên chọn kem chống nắng vật lý không chứa hương liệu cho đối tượng nhạy cảm như trẻ nhỏ
Bà Spilman nhận định, người tiêu dùng khó tránh khỏi sử dụng mỹ phẩm có chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết. Nhưng điều này không phải là bất khả thi. Lựa chọn an toàn hơn cả là sử dụng kem chống nắng vật lý, chỉ chứa 2 thành phần kẽm oxide và titanium dioxide.
Bạn cũng nên sử dụng sản phẩm chống nắng dạng kem, thỏi thay vì dạng xịt, dạng bột. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại titanium dioxide là chất có nguy cơ gây ung thư ở người, nhất là khi hít vào phổi.
Người tiêu dùng cũng nên tránh sử dụng sản phẩm chống nắng có chứa hương liệu (fragrance), nhất là khi thoa kem chống nắng cho trẻ em. Đằng sau thành phần này là nhiều hóa chất có nguy cơ gây hại cho sức khỏe như phthalates.
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy kem chống nắng gây ung thư da, nhưng tia UV đã được chứng minh là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da. Ngay cả trong những ngày trời âm u, có tới 80% tia UV vẫn có thể xuyên qua tầng mây và tác động xấu tới làn da. Tuy có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn ở giai đoạn sớm, ung thư da là bệnh không nên xem nhẹ.
Các cơ quan y tế vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoa kem chống nắng khi hoạt động ngoài trời. Người lo ngại có thể lựa chọn dùng kem chống nắng vật lý thay thế cho kem chống nắng hóa học. Nên chọn sản phẩm phổ rộng (có thể bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB), chỉ số SPF từ 30 trở lên. Người di chuyển ngoài trời, hoặc đi bơi, đổ mồ hôi nhiều nên thoa lại kem chống nắng 2 tiếng một lần.
Bình luận của bạn